Trao đổi với Vietnamnet, ông Micheal Vũ Nguyễn, Giám đốc Quốc gia Boeing tại Việt Nam cho hay, trong nhiều năm qua, các nhà cung cấp từ Việt Nam đã sản xuất các bộ phận máy bay tiên tiến, bao gồm kết cấu hàng không cho Boeing - hãng sản xuất máy bay lớn nhất thế giới. Giá trị hàng sản xuất tại Việt Nam cho Boeing trong những năm qua là 200 triệu USD.
"Boeing tạo cơ hội và khuyến khích các nhà cung cấp chính đầu tư thêm, hoặc đầu tư mới vào Việt Nam và liên kết sâu rộng với các nhà cung cấp Việt Nam để tạo ra một chuỗi cung ứng đầy đủ, hiệu quả và linh hoạt nhằm cung cấp các sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao nhất cho khách hàng.
Boeing sẽ làm việc với các nhà cung cấp chính để hỗ trợ các công ty Việt Nam trong việc huấn luyện, nâng cao kỹ thuật, tiêu chuẩn sản xuất, bảo đảm chất lượng và dịch vụ cho sản phẩm để đạt được đẳng cấp quốc tế cho ngành hàng không", Giám đốc Quốc gia Boeing tại Việt Nam chia sẻ.
Phía Boeing đã và đang tăng cường sự hiện diện của mình tại Việt Nam và chú tâm vào xây dựng năng lực địa phương cũng như hợp tác với các tổ chức Việt Nam trên các lĩnh vực sản xuất, cơ sở hạ tầng, dịch vụ kỹ thuật, nghiên cứu và công nghệ, đào tạo và phát triển kỹ năng.
Trước đó, tại Diễn đàn Công nghiệp Hàng không vũ trụ tại Việt Nam, ông Micheal Vũ Nguyễn khẳng định: "Mỗi chiếc Boeing được sản xuất ra trên thế giới, đều có linh kiện từ Việt Nam". Các hạng mục mà Việt Nam sản xuất có thể kể đến như cánh, cửa ra vào máy bay.
Ông Michael Nguyễn cho biết, Boeing muốn “theo gương” Samsung, Intel trong phát triển chuỗi cung ứng tại Việt Nam.
Theo ông Micheal Vũ Nguyễn, một chiếc máy bay cần tới hơn 6 triệu linh kiện khác nhau. Trong đó, 50% là vật tư nhỏ, đinh ốc. Để đáp ứng nhu cầu đầu vào cho sản xuất, Boeing phải tìm kiếm nguồn hàng từ nhiều nơi trên thế giới. Việt Nam có tiềm năng từ nhân viên, chuyên gia có thể sản xuất, cung ứng sản phẩm cho Boeing.
Trên thực tế, một số loại máy bay của Boeing hiện đều có các linh kiện từ Việt Nam bao gồm các bộ phận phần cánh hay cửa ra vào. Nhưng, những công đoạn đó đều do Công ty TNHH MHI Aerospace Vietnam, một công ty con của tập đoàn Mitsubishi (Nhật Bản) thực hiện dưới sự hỗ trợ của Boeing từ năm 2009.
Đại diện Tổng Công ty sản xuất thiết bị Viettel cho biết, Viettel đã trở thành nhà cung cấp sản phẩm gia công cơ khí chính xác tích hợp vào sản phẩm cho ngành hàng không vũ trụ của Tập đoàn Meggit (đơn vị đang là đối tác cấp 1 của Boeing).
Để tham gia vào chuỗi cung ứng, ông Michael Nguyễn nói và cho biết: “Có thể trước mắt, các công ty Việt Nam chưa làm việc được thẳng với Boeing mà phải thông qua các công ty Nhật, Hàn… Chúng tôi cũng muốn làm việc thẳng với các công ty Việt Nam, tuy nhiên, tôi cho rằng, các công ty Việt Nam cũng cần phải đi trước khi chạy”,
Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục đầu tư nước ngoài đề nghị Boeing nói riêng và các doanh nghiệp Hoa Kỳ nói chung tiếp tục tăng cường hợp tác đầu tư, chuyển giao công nghệ cho Việt Nam trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, sản xuất và dịch vụ kỹ thuật ngành hàng không, như sản xuất linh kiện, bảo dưỡng tàu bay, công nghiệp sản xuất vệ tinh, công nghệ sóng viễn thông...
Cùng với đó, kết nối doanh nghiệp Việt Nam với chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trên toàn cầu.
“Riêng đối với Boeing, chúng tôi mong muốn Tập đoàn sẽ nghiên cứu phát triển trung tâm đào tạo phi công, chuyên gia, kỹ sư trong lĩnh vực hàng không vũ trụ cũng như thiết lập cơ sở sản xuất tàu bay tại Việt Nam”, ông Hoàng nói.
Khánh Duy