Đây được xem là dự án chiến lược, kết nối giao thông và tạo hành lang phát triển đô thị, công nghiệp cho 4 tỉnh thành cũng như Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Lãnh đạo các địa phương có dự án đi qua bày tỏ quyết tâm thực hiện dự án này trong bối cảnh hạ tầng giao thông khu vực thiếu và yếu, nội đô vốn đã quá tải và ngày càng chịu thêm áp lực phương tiện, ùn tắc giao thông trên các trục đường cửa ngõ.
Dự án được Chính phủ chỉ đạo kịp thời, sâu sát; được Quốc hội ủng hộ rất cao.
Bồi thường thỏa đáng ngay từ đầu
Theo kế hoạch, công tác giải tỏa đến tháng 12-2023, đảm bảo tối thiểu 70% mặt bằng, phấn đấu khởi công vào tháng 6-2023, thông xe kỹ thuật toàn tuyến vào tháng 10-2025, hoàn thành toàn bộ dự án trong tháng 6-2026, bàn giao và quyết toán trong năm 2027.
Tính toán ban đầu cho thấy, có khoảng 3.863 hộ dân trong diện phải giải tỏa, bồi thường ở các tỉnh dự án. Giải phóng mặt bằng là khâu mấu chốt, khó khăn, phức tạp nhất nhưng một khi người dân ủng hộ với sự đoàn kết, quyết tâm, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của chính quyền các địa phương sẽ là chìa khóa cho sự thành công.
Dù vậy, cần đảm bảo công bằng cho những người bị thu hồi đất bằng giá bồi thường sát giá thị thường chuyển nhượng trong điều kiện bình thường.
Phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư nếu theo hướng đa dạng hóa nhu cầu sẽ chủ động hơn. Nêu rõ địa điểm, quy mô, thiết kế, diện tích từng lô đất hoán đổi, căn hộ, giá đất, giá nhà để người dân lựa chọn, nhận đất hoặc nhà hay nhận tiền để tự lo nơi ở mới.
TP.HCM đã dự kiến giá bồi thường đoạn qua địa bàn quản lý dài hơn 47 km theo dự toán với đất ở từ 18,7-40,1 triệu đồng/m2, hỗ trợ chuyển đổi nghề với đất trồng cây lâu năm từ 3,8-8,2 triệu đồng/m2, với đất trồng cây hàng năm dự kiến từ 3,2 đến 6 triệu đồng/m2.
Việc công khai này không chỉ giúp người dân bị ảnh hưởng biết để chủ động sắp xếp mà còn hạn chế nghi ngờ, khiếu nại về sau. Mong rằng các tỉnh khác cũng sớm công bố giá bồi thường sao cho phù hợp thực tế, tránh so bì. Giá bồi thường sát giá thị trường, thậm chí cao hơn nhưng lợi ích kinh tế mang lại khi công trình được hoàn thành sớm hơn còn cao hơn rất nhiều so với thiệt hại vì mất cơ hội, chậm GPMB, phát sinh chi phí, đội vốn dự án.
Một khi đưa ra giá bồi thường thỏa đáng ngay từ đầu, đặt lợi ích người dân vào vị trí trung tâm hẳn sẽ nhận được sự đồng thuận cao.
Đấu thầu hay chỉ định thầu
Chọn được nhà thầu có năng lực tốt sẽ giúp thúc đẩy tiến độ, đảm bảo chất lượng công trình, hiệu quả đầu tư. Vì thế, tổ chức đấu thầu rộng rãi sẽ tạo nền tảng cho cạnh tranh công bằng, minh bạch cho các thành phần kinh tế.
Chỉ định thầu tuân theo nguyên tắc chọn nhà thầu có năng lực tài chính, máy móc, thi công, nhân lực và kinh nghiệm triển khai các dự án tương tự để đảm bảo chất lượng công trình cũng như tiến độ thi công, tiết kiệm so với dự toán được phê duyệt cho gói thầu chỉ định.
Lý thuyết là vậy, nhưng thực tế hoàn toàn khác. Chỉ định thầu thì không có cạnh tranh nên rất khó chọn được nhà thầu có năng lực tốt nhất, dễ chậm tiến độ, giảm hiệu quả, khó đảm bảo chất lượng công trình cũng như dễ dẫn đến cơ chế xin - cho.
Điều rất dễ thấy trong đầu tư, kinh doanh, mua bán sẽ không bao giờ có giá thị trường
Khi chỉ định thầu với duy nhất một doanh nghiệp được chọn sẽ khó đảm báo giá thị trường. Trong khi đó, nếu tổ chức đấu thầu, các doanh nghiệp sẽ tính toán kỹ lưỡng trên cơ sở những lợi thế sẵn có như công nghệ, thiết bị, nhân công để đưa ra giá dự thầu thích hợp, cạnh tranh mới có hy vọng trúng thầu.
Thực tế cho thấy, giữa chỉ định thầu và đấu thầu rút ngắn thời gian không đáng kể. Ví dụ, tính toán cơ quan chức năng, khi thực hiện 3 dự án đầu tư công cao tốc, thời gian kể từ thời điểm lập hồ sơ mời thầu đến phê duyệt kết quả đấu thầu mất khoảng 3,5 tháng, nhưng nếu chỉ định thầu thì mất khoảng 2,5 tháng. Như vậy, chỉ chênh lệch khoảng 1 tháng nếu áp dụng hình thức chỉ định thầu so với tổ chức đấu thầu rộng rãi.
Dự án đường vành đai 3, từ nay đến lúc dự kiến khởi công tháng 6-2023, còn đủ thời gian tổ chức đấu thầu xây lắp vừa tạo cạnh tranh bình đẳng, đánh giá so sánh, lựa chọn đối tác tốt nhất.
Nghiên cứu cơ chế làm kinh tế giao thông
Khai thác quỹ đất dọc dự án hoàn toàn khả thi, hiệu quả không chỉ thu hồi vốn mà còn có chi phí tái đầu tư. Tổ chức đấu giá quỹ đất với mức giá cao, nhà đầu vẫn có thể chấp nhận khi mà sở hữu được những khu đất rộng lớn ở vị trí thuận lợi giao thông có sẵn hạ tầng kỹ thuật.
Hơn nữa, pháp lý rõ ràng, không phát sinh khiếu nại. Đặc biệt, nhà đầu tư không phải trải qua công tác đền bù giải tỏa thường gặp nhiều trở ngại bởi thực tế không biết bao dự án kinh doanh có phương án rất khả quan, tiềm năng đã phải dừng lại gây thiệt hại lớn.
Phần lớn các dự án thường gặp rủi ro ở khâu giải phóng mặt bằng vì thỏa thuận được giá đền bù đất đai là cả vấn đề nan giải. Thậm chí, nhiều khu đất được quy hoạch phù hợp dự án doanh nghiệp đề xuất thực hiện nhưng lại vướng tranh chấp giữa cá nhân, tổ chức với bên thứ ba thì xem như bế tắc. Dự án vì vậy dễ dẫn đến phá sản hoặc kéo dài nhiều năm, mất đi cơ hội kinh doanh. Vì thế, khi gặp những lô đất phù hợp, các doanh nghiệp vẫn chấp nhận trả giá cao.
Từ thực tế này, nên hình thành các chính sách đột phá trong xây dựng phát triển cơ sở hạ tầng giao thông. Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM Phan Văn Mãi từng nhìn nhận "cần nghiên cứu cơ chế làm kinh tế giao thông chứ không phải dự án giao thông, bởi nhu cầu vốn cho các dự án rất lớn, nếu chỉ dựa vào vốn nhà nước thì rất khó".
Có thể nghiên cứu thêm phương án phát hành trái phiếu dự án, khai thác quỹ đất sau khi có hạ tầng kỹ thuật, bảo lãnh rủi ro và doanh thu cao hơn lãi suất ngân hàng. Được vậy sẽ giúp huy động thêm các nguồn vốn, giải được bài toán chi phí, tận dụng ngay các quỹ đất.
Ông Nguyễn Xuân Thành, Đại học Fulbright: nếu không hoàn thành là do năng lực và trách nhiệm của lãnh đạo trong vùng Những bài học quá khứ cho thấy tại sao 3 đường vành đai ở TPHCM chưa thể hoàn chỉnh. Trong khi đó nhìn vào các đô thị lớn của các nước Đông Nam Á, hay xa hơn Đông Bắc Á, Nam Á đều có những nỗ lực hoàn thành. Bắc Kinh trong giai đoạn 2001-2010 đã hoàn thành 3 đường vành đai 4, 5 và 6 và đưa vào khai thác. Trước COVID-19 họ đưa vào sử dụng vành đai 7 gần 1.000 km, là đường vành đai kỷ lục, chưa có nước nào có đường vành đai 1000 km. Đến thời điểm này, đường vành đai 3 ở TPHCM cũng có rất nhiều thuận lợi như nguồn vốn trên 75.000 tỷ đồng. Vốn không phải vấn đề. Cơ chế, chính sách như phân cấp, phân quyền và khả năng hợp tác các tỉnh trong vùng là thuận lợi, cũng như cơ chế mà các thành phố của Trung Quốc đã được hưởng. Doanh nghiệp của chúng ta bây giờ không thua kém. Theo tôi, thách thức thực thi tại thời điểm này là vai trò của người lãnh đạo. Áp lực của xã hội, doanh nghiệp đặt lên từng nhà lãnh đạo của 4 tỉnh trong thực thi. Tôi cho rằng, KPI quan trọng nhất của lãnh đạo các tỉnh trong vùng ở nhiệm kỳ này là có làm được đường vành đai 3 hay không chứ không phải chỉ tiêu tăng trưởng GDP, hay kim ngạch xuất khẩu. Làm được hay không là người dân và doanh nghiệp sẽ quan sát được. Cuối năm 2025, đầu năm 2026, có thể nhìn thấy đường vành đai 3 đạt được. Nếu không đạt được là không còn lý do nào nữa, ngoài năng lực lãnh đạo. Tôi nghĩ rằng, nếu có áp lực thì thực thi sẽ được cải thiện. Từ câu chuyện của Trung Quốc, Hàn Quốc, chúng ta thấy rằng cần đặt áp lực và trách nhiệm lên người lãnh đạo. (Ý kiến trích từ Hội thảo "Thúc đẩy Dự án Vành đai 3 - Động lực mới cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”) |
Kỹ sư Trần Văn Tường
Chính phủ đang thúc đẩy giải ngân đầu tư công, coi đây là một trong các động lực để thúc đẩy nền kinh tế đang bị tác động mạnh bởi dịch Covid-19.