Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và Du lịch bền vững Xy, đóng ở thôn Ra Po, xã Xy, huyện Hướng Hóa vừa đoạt giải Ba Cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” tỉnh Quảng Trị năm 2024.
Dự án “Ứng dụng giải pháp công nghệ số đảm bảo chất lượng và minh bạch thông tin trong mô hình sản xuất và kinh doanh con dúi đặc sản” mà HTX đoạt giải - được chú ý bởi đây là mô hình nuôi dúi đầu tiên ở Quảng Trị ứng dụng công nghệ số. Càng ý nghĩa hơn khi HTX này đang hoạt động ở địa bàn vùng biên giới đặc biệt khó khăn.
Mô hình mẫu cho dân bản
HTX Nông nghiệp và Du lịch bền vững Xy ra đời do một nhóm nhà đầu tư đến từ Hà Nội khởi xướng. Bộ máy quản lý HTX có ông Nguyễn Đức Thành (Chủ tịch Hội đồng quản trị), ông Lê Nam Khánh (giám đốc) và ông Bùi Xuân Thủy (phó giám đốc). Trong đó ông Thủy, chuyển từ Hà Nội vào xã Xy sinh sống để trực tiếp quản lý, điều hành các hoạt động của HTX.
Chia sẻ về cơ duyên đến đầu tư mô hình nông nghiệp ở địa bàn xa xôi này, ông Thủy cho biết: Sau COVID-19, một số anh em ở Hà Nội vào Quảng Trị làm từ thiện.
Khi đến xã Xy, thấy đời sống của người dân ở đây khó khăn, hầu hết các gia đình đều chưa có sinh kế bền vững, thu nhập rất thấp nên mọi người bàn nhau muốn xây dựng một mô hình kinh tế mẫu cho người dân học tập, làm theo để thay đổi cuộc sống.
Ý tưởng nhóm đưa ra được cấp ủy, chính quyền địa phương rất ủng hộ. Tháng 7/2022, HTX được thành lập, xã đã cho chúng tôi mượn nhà cộng đồng thôn làm địa điểm làm việc.
HTX đã thuê đất của người dân để trồng một số loại cây thảo dược, nuôi dúi và xây dựng hệ thống chuồng trại để chuẩn bị nuôi 1.000 con gà siêu trứng Ai Cập theo mô hình gà trứng thảo dược (đang chờ thời tiết ấm lên, khoảng sau tết Nguyên đán sẽ thả con giống).
Quá trình thực tế ở địa phương, HTX nhận thấy con dúi là động vật rất hợp khí hậu ở đây nên đã đầu tư chuồng trại, hoàn thiện các thủ tục xin cấp phép mở mô hình chăn nuôi. Từ 30 cặp dúi giống ban đầu, đến nay HTX đã có 70 cặp.
“Dúi là động vật gặm nhấm, thuộc nhóm động vật rừng thông thường có đặc điểm lớn nhanh, đẻ khỏe, ít bệnh, sạch sẽ, dễ chăm sóc, thức ăn dễ kiếm (thân cây tre, cỏ voi và một ít bột bắp), chi phí đầu tư vừa phải. Tuy nhiên, ở xã Xy và vùng lân cận người dân chưa nuôi con vật này”, ông Thủy chia sẻ.
Hiện HTX đang gây dựng đàn dúi, mở rộng quy mô chuồng trại, tiếp tục nhân giống đàn, tiến tới cung cấp con giống, hướng dẫn kỹ thuật cho người dân nuôi theo hình thức gia công. Sau đó, HTX sẽ thu mua sản phẩm cho bà con rồi khấu trừ dần kinh phí ban đầu.
Về thị trường tiêu thụ, dúi được bán dưới dạng con giống và dúi thịt (đặc sản rừng). Hiện dúi giống được bán ra thị trường từ 5 - 7 triệu đồng/cặp. Năm 2024, HTX xuất lứa dúi giống đầu tiên (15 cặp) cho một dự án sinh kế bền vững dành cho phụ nữ tại xã Xy.
Ý tưởng thành lập HTX mới đầu để tìm kiếm, phát huy các tiềm năng lợi thế và các nguồn lực sẵn có tại địa phương. Các thành viên của HTX đã tìm hiểu, nghiên cứu điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, tập quán canh tác, các giống cây con bản địa, mô hình sản xuất và sản phẩm đang được người dân sản xuất, điều kiện giao thông vận tải, cơ sở hạ tầng, phương thức tiêu thụ sản phẩm nông sản ở địa phương.
Qua đó nhận thấy người dân ở đây chủ yếu trồng sắn và chuối với phương thức canh tác lạc hậu, không chủ động về sản phẩm cũng như thị trường nên thường xuyên bị tiểu thương ép giá, hiệu quả kinh tế thấp, thu nhập không ổn định.
Bên cạnh đó, trình độ hiểu biết để đầu tư các mô hình sản xuất có áp dụng khoa học kỹ thuật của dân bản còn rất hạn chế.
“HTX sẽ xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương rồi hướng dẫn dần cho người dân thay đổi cách thức, tập quán canh tác. Sau khi triển khai thành công, ổn định vận hành tổ chức, HTX sẽ từng bước kết nạp thành viên là người địa phương, tiến tới chuyển giao HTX cho người dân địa phương vận hành quản lý, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Nhà đầu tư sẽ rút dần vai trò nhưng vẫn hỗ trợ HTX như một đối tác chiến lược”, ông Lê Nam Khánh chia sẻ.
Ứng dụng công nghệ số vào nuôi dúi
Theo ông Khánh, thị trường con dúi đặc sản có nhu cầu lớn, dư địa phát triển tốt nhưng các đơn vị cung cấp trên thị trường phần lớn không có nguồn gốc xuất xứ và pháp lý minh bạch.
Cũng vì thế, HTX đã tìm hiểu, nghiên cứu thực hiện mô hình Dự án “Ứng dụng giải pháp công nghệ số đảm bảo chất lượng và minh bạch thông tin trong mô hình sản xuất, kinh doanh con dúi đặc sản thông qua việc ghi chép nhật ký và truy xuất nguồn gốc” là một trong các kết quả sau hơn một năm triển khai mô hình.
Dự án vừa đoạt giải Ba Cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” tỉnh Quảng Trị (hạng mục này năm 2024 không có giải Nhất).
Hiện nay HTX đang hợp tác và phát triển giải pháp công nghệ để hoàn thiện mô hình mẫu quản lý đàn dúi bằng phần mềm nhật ký điện tử hỗ trợ cho truy xuất nguồn gốc.
Mỗi con dúi đều có hồ sơ để truy xuất nguồn gốc riêng. “Dúi là động vật rừng, ứng dụng hệ thống phần mềm nhật ký điện tử và truy xuất nguồn gốc giúp cơ quan quản lý xác minh được nguồn gốc dúi bán ra thị trường là dúi của HTX.
Con dúi của HTX khi cung cấp ra thị trường sẽ đảm bảo sự minh bạch về nguồn gốc xuất xứ và chất lượng cho người tiêu dùng bằng cách quét mã QR để theo dõi quá trình chăn nuôi, sinh trưởng con dúi trên hệ thống phần mềm”, ông Khánh cho biết.
Hiện nay, trên thị trường có nhiều cá nhân, tổ chức chăn nuôi dúi nhưng hầu hết đều chăn nuôi nhỏ lẻ, không có thương hiệu, không đầu tư công nghệ quản lý, kiểm soát quá trình nuôi nên chưa đảm bảo chất lượng và không minh bạch nguồn gốc xuất xứ, định vị thị trường.
HTX Nông nghiệp và Du lịch bền vững Xy sẽ là đơn vị đầu tiên áp dụng giải pháp quản lý hiện đại để đảm bảo chất lượng và minh bạch thông tin cho con dúi thương phẩm.
Con dúi của HTX được bán theo 2 nhóm sản phẩm là dúi giống và dúi thịt. Thị trường dúi thịt nói chung hiện nay vẫn còn lớn và đặc biệt có giá trị cao cho phân khúc nhà hàng. Do đó thị trường dúi giống vẫn phát triển để phục vụ thị trường dúi thịt. Thị trường đặc sản này ở các khu du lịch, các khu đô thị lớn vẫn còn tiềm năng, có khả năng mở rộng quy mô.
Năm 2025, HTX sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống và nâng cấp tính năng hệ thống để cho phép Chi cục Kiểm lâm (là đơn vị kiểm soát nguồn gốc động vật) có thể theo dõi sự phát triển của đàn dúi về số lượng để thuận tiện cho việc cấp giấy phép và kiểm tra chứng thực đàn dúi. Đồng thời cấp tính năng cho cán bộ quản lý nông nghiệp địa phương để có thể theo dõi sản lượng, số lượng đàn dúi của HTX.
Đồng thời, ông Khánh mong muốn HTX sẽ tiến hành thủ tục đăng ký chứng nhận nhiệm vụ khoa học công nghệ không sử dụng ngân sách nhà nước với Sở Khoa học và Công nghệ; các cơ quan quản lý nhà nước làm cơ sở pháp lý để tiến hành chuyển giao công nghệ, tiến đến hợp tác với các đối tác là HTX, hộ dân để chuyển giao và mở rộng mô hình nuôi dúi ở xã Xy.
“Với hướng đi này, chúng tôi đang định vị xây dựng HTX là nhà cung cấp dúi thịt, dúi giống lớn nhất tỉnh Quảng Trị trong 3 năm tới”, ông Khánh cho biết.
Sau ứng dụng giải pháp công nghệ số đảm bảo chất lượng và minh bạch thông tin trong mô hình sản xuất và kinh doanh dúi đặc sản, HTX sẽ phát triển thêm sản phẩm khác trong nông nghiệp như trứng gà và thịt gà thảo dược, trà thảo dược dựa trên nguồn dược liệu địa phương.
Đồng thời để đa dạng nguồn thu từ những sản phẩm đặc sản đã có, HTX sẽ đầu tư thêm hướng phát triển mô hình du lịch cộng đồng tại xã Xy và các xã lân cận để góp phần tăng thu nhập cho người dân địa phương.
Theo MAI LÂM (Báo Quảng Trị)