Ngày 13/9, Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 09-NQ/TW đã có buổi làm việc với Tỉnh ủy Nam Định về tình hình thực hiện Nghị quyết 09.
Ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế TƯ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết số 39-NQ/TW, nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên Bộ Chính trị có một nghị quyết riêng về đội ngũ doanh nhân. Trong đó, nêu rõ nhiệm vụ xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh là trách nhiệm của Đảng, của cả hệ thống chính trị và của bản thân mỗi doanh nghiệp, doanh nhân.
Đội ngũ doanh nhân có vai trò quan trọng, doanh nghiệp là lực lượng chủ lực, động lực quan trọng, giải quyết việc làm. Tính đến hết năm 2021, Việt Nam có gần 860 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, khoảng 15,3 nghìn hợp tác xã phi nông nghiệp và khoảng 5,1 triệu hộ kinh doanh.
Tuy nhiên, đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn và chưa đạt như kỳ vọng, số lượng DN chưa đạt mục tiêu đề ra, con số 1,5 triệu doanh nghiệp đến năm 2025 vẫn là thách thức lớn. Ngoài ra, Việt Nam chưa có nhiều thương hiệu hàng hoá có sức cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới; các doanh nghiệp Việt Nam chưa thực sự tận dụng có hiệu quả lợi ích từ các cam kết, thỏa thuận kinh tế, thương mại mang lại.
Với Nam Định, ông Trần Tuấn Anh cho rằng, tỉnh được mệnh danh là “đất trăm nghề”. Nơi đây đã phát triển hàng trăm làng nghề từ xa xưa. Toàn tỉnh có 124 làng nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, trong đó có 17 làng nghề truyền thống.
Bên cạnh đó, Nam Định đang mở rộng, đón các nhà đầu tư lớn, công nghệ cao thông qua việc xây dựng quy hoạch các khu, cụm công nghiệp.
Về phía tỉnh Nam Định, ông Phạm Gia Túc, Bí thư Tỉnh ủy, cho biết, triển khai Nghị quyết 09, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nam Định đã chỉ đạo, khuyến khích các loại hình doanh nghiệp phát triển. Từ năm 2011 đến nay, Tỉnh ủy Nam Định đã ban hành nhiều Nghị quyết thúc đẩy, xây dựng đội ngũ doanh nhân.
Số lượng doanh nghiệp của tỉnh hằng năm đều có xu hướng tăng, chủ yếu ở khu vực ngoài nhà nước. Tính đến 31/7/2022, Nam Định có tổng số 10.958 doanh nghiệp (gấp 2,6 lần năm 2011), vốn đăng ký hơn 100.000 tỷ đồng. Riêng trong 8 tháng đầu năm 2022, có 705 doanh nghiệp, vốn đăng ký là 6.148 tỷ đồng.
Tuy nhiên, ông Phạm Gia Túc thừa nhận thực tế, mật độ doanh nghiệp đang hoạt động tại Nam Định chưa cao, chỉ đạt 3,5 doanh nghiệp/1.000 người, đứng thứ 10/11 trong vùng đồng bằng sông Hồng (chỉ cao hơn Thái Bình), đứng thứ 60/63 cả nước. Trong khi đó, tỉnh vẫn còn rất nhiều tiềm năng để có thể phát triển doanh nghiệp, nhất là từ khu vực hộ kinh doanh, làng nghề. Hiện Nam Định có hơn 105 nghìn hộ kinh doanh cá thể phi nông nghiệp, đứng thứ 5/11 trong vùng đồng bằng sông Hồng, thứ 12/63 cả nước.
“Nam Định phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 14.500 doanh nghiệp, trong đó có những doanh nghiệp mạnh, có vị thế, tầm cỡ trong khu vực đồng bằng sông Hồng và toàn quốc”, ông Túc cho hay.
Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định, ông Phạm Đình Nghị thông tin, sau 10 năm thực hiện nghị quyết 09, kinh tế địa phương có nhiều bước tiến quan trọng, chỉ tiêu kinh tế hàng năm đều vượt mục tiêu tỉnh đề ra. Quy mô nền kinh tế giai đoạn 2015-2020 được mở rộng so với 2010-2015. Tổng sản phẩm GRDP gấp 1,8 lần, tổng giá trị hàng xuất khẩu gấp 2,1 lần, vốn đầu tư toàn xã hội gấp 2,2 lần, thu ngân sách gấp 2,1 lần.
Kết quả, toàn tỉnh có 142 làng nghề, tập trung nhiều các huyện Ý Yên, Nam Trực, Hải Hậu. Nhóm làng nghề trên 50 năm có 29 làng nghề.
Tổng giá trị sản xuất làng nghề năm 2021 ước đạt 6.800 tỷ đồng (chiếm khoảng 45% giá trị sản xuất làng nghề). Thu nhập bình quân từ các nhóm ngành nghề trong làng nghề nông thôn từ 3-5,5 triệu đồng/người/tháng. Số lượng lao động đạt 43.479 người, trong đó lao động thường xuyên chiếm 62,2%.
Tại hội nghị, ông Trần Tuấn Anh ghi nhận và biểu dương những nỗ lực của các cấp uỷ đảng của tỉnh Nam Định trong việc thực hiện Nghị quyết 09 về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân trong việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Ông đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục chủ động, sâu sát, nắm chắc tình hình tâm tư, nguyện vọng và những khó khăn vướng mắc để có giải pháp giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho doanh nhân, doanh nghiệp; nâng cao trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước các cấp, các ngành.
Ông lưu ý địa phương nghiên cứu ban hành các nghị quyết riêng về phát triển doanh nghiệp, phát triển đội ngũ doanh nhân, trong đó lưu ý không chỉ về số lượng mà còn chú trọng về chất lượng.