Chỉ cần tìm kiếm theo từ khóa trên Facebook, dễ dàng thấy hàng loạt nhóm kín với hàng chục nghìn người tham gia giao dịch loại cây "đếm lá tính tiền" kiểng lá. Ngoài những giao dịch giá trị lớn, cũng có những giao dịch ít tiền song sôi động không kém.
Hoạt động giao dịch kiểng lá diễn ra trong những sàn kiểng lá, tương tự hình thức bán đấu giá, thường bắt đầu bằng việc người bán đăng hình ảnh sản phẩm rồi người mua vào trả giá. Người bán sẽ chốt bán cho người mua trả giá cao nhất.
Có nhiều loại kiểng lá khác nhau được đăng bán trên các sàn này, giá từ vài trăm nghìn cho đến cả chục triệu đồng/lá. Trong đó, phổ biến nhất là monstera (trầu bà Nam Mỹ) với rất nhiều dòng từ bình dân đến cao cấp.
Hoạt động giao dịch kiểng lá diễn ra sôi động theo hình thức như đấu giá. |
Giao dịch cả tỷ đồng
Anh Vũ Việt Lâm, một người đam mê kiểng lá cho biết việc giao dịch kiểng lá trên thị trường quốc tế hiện rất sôi động, thậm chí như một "hot trend". Một cây Monstera borsigiana mint variegated 4 lá vừa được chốt giá trên sàn của Thái Lan với giá 1.500.000 baht (tương đương hơn 1,1 tỷ đồng).
Ngoài ra, một cây Philodendron spiritus sancti trên thị trường quốc tế hiện cũng có giá 8.000 - 9.000USD/lá (tương đương 184 - 207 triệu đồng/lá). Tuy nhiên, theo anh Lâm đây là giao dịch được ghi nhận tại Thái Lan, còn ở Việt Nam chưa ghi nhận giao dịch kiểng lá nào lớn như vậy.
Cây Philodendron spiritus sancti có giá hơn 200 triệu đồng/lá. |
Mặc dù vậy, hiện ở Việt Nam, loại cây này cũng đang rất hút khách, với giá giao dịch đủ khiến nhiều người giật mình.
Với 2 node “Én var”, (hay Philodendron Florida beauty đột biến), bài đăng của thành viên Trúc Mai đã có gần chục người trả giá chỉ sau 1 giờ đăng tải. Có người trả giá hơn 18 triệu đồng/lá nhưng cô chưa bán. Người bán cho biết sẽ chờ đến giờ chốt mới bán cho người trả giá cao nhất.
Trúc Mai cho biết, người ta dựa vào số lá để tính tiền vì phần lớn kiểng lá được nhân giống từ thân mẹ. Mỗi 1 lá trên thân cây mẹ sẽ tương ứng 1 đốt cây, mỗi đốt cây (node) sẽ có 1 chồi. Và người ta sẽ nuôi được 1 cây từ chồi đó sau khi cắt (cutting) nó ra khỏi thân mẹ. Nếu được chăm sóc tốt, kiểng lá có thể sống khỏe từ 2 đến 3 năm.
Thành viên Trần Xuân cho biết đã bán 2 cây kiểng lá loại “cutting én” (Én là tên người chơi kiểng lá gọi dòng Philodendron Florida beauty) với mức giá lên đến 11 triệu đồng/lá lớn chỉ sau vài giờ đồng hồ đăng bán. Xuân cũng cho biết loại này trước tết chỉ tầm 5 -7 triệu đồng/lá nhưng do gần đây người Việt mua nhiều nên nhà vườn bên Thái Lan tăng giá.
Cây Monstera borsigiana mint variegated 4 lá chốt giao dịch hơn 1,1 tỉ đồng tại Thái Lan. |
Cũng theo những người sành chơi, kiểng lá chia ra nhiều dòng khác nhau chứ không phải chỉ có trầu bà nam Mỹ. Họ trầu bà Monstera (mons) có nhiều loại: mons thường, mons albo, mons aurea, mons mint, mons adansonii... Monstera chia làm 2 dòng: Deliciosa là thân bò, phát triển chậm hơn, đạt kích thước lá tối đa lớn hơn; Borsigiana là thân leo, phát triển nhanh hơn nhưng kích thước lá tối đa nhỏ hơn. Ngoài ra còn có các họ khác như: Họ Philodendron, họ Anthurium và họ Alocasia.
Cận cảnh cây Monstera deliciosa mint. |
Trong đó, Monstera deliciosa mint hiện nay được xem là đắt đỏ nhất, khoảng 350 - 500 triệu đồng/lá lớn trưởng thành. "Không phải chỉ có cây đột biến mới có giá cao, rất nhiều loài kiểng lá khác màu xanh bình thường nhưng vẫn có giá cao vì độ độc đáo, hiếm có và khó nhân giống. Ngoài vì sự hiếm có do đột biến, do màu sắc độc đáo, do sự săn đón của người mua, còn có cả công chăm sóc của người chơi vì việc chăm sóc các loài cây này không dễ. Những điều này đã góp phần đẩy giá của loại kiểng này lên cao", một thành viên phân tích.
Cảnh giác "lan đột biến phiên bản mới"
Trả lời PV VTC News, ông Vương Xuân Nguyên - Chánh văn phòng Hội Sinh Vật cảnh thành phố Hà Nội cho biết việc giao dịch cây cảnh nói chung và kiểng lá nói riêng trên Facebook tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Người bán kiểng lá trên Facebook thường chốt bán cho người mua trả giá cao nhất và thông thường là giá rất cao. Hình thức này không khác gì "thổi giá", kích thích người mua đua trả giá cao hơn, cuối cùng mức giá chốt không phản ánh đúng giá trị thật.
Đáng nói hơn nữa là từ việc đăng bán đến việc trả giá, chốt mua đều được thực hiện thông qua tài khoản trên mạng xã hội. Do đó, không thể biết có phát sinh giao dịch thực tế hay không. Chính vì vậy điều này tiềm ẩn nguy cơ lừa đảo. Gian thương có thể tận dụng điều này để đẩy giá ảo, giao dịch ảo. "Không loại trừ nguy cơ biến thị trường thành thị trường ảo giống lan đột biến thời gian vừa qua", ông Nguyên nói.
Theo ông Nguyên, những cây này được nhập vào Việt Nam nếu như theo đường tiểu ngạch mà không phải chính ngạch thì cũng là một hình thức gian lận thương mại. Thêm vào đó, những giao dịch mua bán trên mạng xã hội, không phải là trang thương mại điện tử có thông báo Bộ Công Thương, không phải là những giao dịch cấp thiết thì cũng là cơ sở để cơ quan quản lý nhà nước xem xét xử phạt.
Hơn nữa, không dễ dàng kiểm chứng, thẩm định một cây kiểng lá là đột biến hay không. “Nguồn gốc của những cây này đều là những cây nhập khẩu, khó kiểm chứng xuất xứ thì không biết độ quý của nó như thế nào. Có thể lạ đối với mình nhưng chưa chắc đã phải quý đối với giống cây đó trong giới sinh vật cảnh”, ông Nguyên khẳng đinh.
Ông Vương Xuân Nguyên - Chánh văn phòng Hội Sinh Vật cảnh thành phố Hà Nội. |
Trong khi đó, một người chơi cây cảnh lâu năm tại Thạch Thất, Hà Nội cho biết, giao dịch kiểng lá hiện phổ biến ở khu vực phía Nam, còn ngoài Bắc thì chưa rộ thú chơi này. Tuy nhiên, có nhiều giao dịch loại cây cảnh này đạt giá trị lớn và bắt đầu gây sự chú ý trên thị trường. Điều này có thể khiến gian thương “nhòm ngó" tìm cơ hội đầu cơ làm nhiễu loạn thị trường. Ông cho rằng những người chơi cây cảnh nói chung và chơi kiểng lá nói riêng nên chú trọng đến giá trị thật của cây chứ không nên chạy theo thị trường.
Một chuyên gia khác trong lĩnh vực cây cảnh thì cho rằng kiểng lá cũng có thể nguy cơ vỡ thị trường tương tự như lan đột biến. Ở góc độ một người chơi cây cảnh lâu năm, vị chuyên gia nhận định không loại trừ khả năng gian thương đẩy giá tạo thị trường kiểng lá ảo.
“Lan đột biến thì người chơi cây cảnh ở Việt Nam đã chơi cả 50 năm nay rồi. Lan đột biến thực chất giá trị vì nó mang theo bản chất di truyền như lai tạo ra một giống mới hoàn toàn tuân thủ theo công ước CITES, đó mới là những cái giá trị. Còn nếu dùng hoá chất hoặc lai tạo thì không có giá trị. Kiểng lá là những loài nhập khẩu, rất khó để xác định đột biến thật sự hay không, rất khó định giá. Do đó việc thị trường kiểng lá tiềm ẩn nhiều nguy cơ hơn so với lan đột biến”, vị chuyên gia này chia sẻ.
(Theo VTC News)