Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Lạc Thủy (Hoà Bình) vừa phối hợp với UBND thị trấn Ba Hàng Đồi tổ chức lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật chăm sóc trâu bò sinh sản cho 45 nông dân trong khu dân cư.
Tại đây, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Lạc Thủy truyền đạt, hướng dẫn phương pháp phối giống bò, cách rút ngắn khoảng cách các lứa đẻ đối với bò sinh sản, triệu chứng và cách phòng trị một số bệnh cho trâu, bò. Cán bộ kỹ thuật cũng hướng dẫn thực hành phương pháp ủ thức ăn xanh, khô cho trâu, bò. Ngoài ra, học viên còn được giải đáp, tháo gỡ những khó khăn trong quá trình chăm sóc, phòng trị bệnh cho trâu, bò tại địa phương.
Những kiến thức từ lớp tập huấn rất cần thiết để nông dân nghiên cứu và vận dụng vào thực tế sản xuất tại gia đình, nâng cao hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi.
Là huyện có trên 75% dân số làm nông nghiệp, Lạc Thuỷ rất quan tâm, đồng hành cùng người nông dân nói chung và người nghèo, cận nghèo nói riêng trong phát triển sản xuất nông nghiệp. Cùng với xã Hưng Thi và Phú Thành, thị trấn Ba Hàng Đồi (Lạc Thuỷ) là một trong 3 địa phương của huyện hiện triển khai 6 dự án nuôi bò sinh sản hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo giai đoạn 2021-2024. Tổng cộng có 181 hộ tham gia (gồm 143 hộ nghèo, 38 hộ cận nghèo), họ được hỗ trợ 181 con bò cái sinh sản.
Lạc Thủy là huyện miền núi thấp nằm phía Đông Nam tỉnh Hòa Bình, 40% dân số là dân tộc Mường. Hiện nay, huyện không còn xã đặc biệt khó khăn, chỉ còn 15 thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn.
Năm 2024, huyện được phân bổ kinh phí gần 4,3 tỷ đồng thực hiện các dự án thành phần của chương trình vốn sự nghiệp, trong đó có dự án về đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững...
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, huyện Lạc Thủy đã triển khai kịp thời chính sách hỗ trợ sản xuất, dạy nghề, tạo việc làm, y tế, hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng thụ hưởng; tích cực huy động nguồn lực, lồng ghép các chương trình, chính sách an sinh xã hội góp phần vào công tác giảm nghèo.
An cư mới lạc nghiệp, Lạc Thuỷ rất quan tâm đến việc hỗ trợ bù đắp chiều thiếu hụt nhà ở cho người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn bởi có mái ấm che mưa, che nắng người dân mới yên tâm lao động, vươn lên thoát nghèo. Đơn cử, mẹ con bà Quách Thị Dũng, thôn Đồng Thung, xã Phú Nghĩa, đã được sống trong ngôi nhà vững chãi. Ngôi nhà nhỏ được sửa sang, lợp tôn chống nóng, kiên cố khang trang, là món quà từ sự hỗ trợ của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Phú Nghĩa cùng sự cố gắng của 3 mẹ con, bà cháu.
Để triển khai hiệu quả chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát, huyện Lạc Thuỷ đã chỉ đạo các ngành, địa phương rà soát, thống kê, đánh giá thực trạng, hoàn cảnh hộ cần xây dựng, sửa chữa nhà ở để có kế hoạch ưu tiên hỗ trợ.
6 tháng đầu năm 2024, nguồn kinh phí của huyện Lạc Thuỷ đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 2 hộ ở xã An Bình và Đồng Tâm với số tiền 40 triệu đồng. Huyện cũng linh hoạt vận dụng nguồn lực từ các chương trình, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa cho 43 hộ khó khăn về nhà.
Năm 2024, MTTQ huyện phối hợp các ngành rà soát, hiện còn 33 nhà tạm, nhà dột nát của hộ nghèo nằm trong diện được xem xét hỗ trợ. Mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2025, huyện hoàn thành nhiệm vụ xoá nhà tạm, nhà dột nát.
Tính tới cuối năm 2023, toàn huyện còn 1.303 hộ nghèo, chiếm 7,45% dân số; 1.478 hộ cận nghèo, chiếm 8,45% dân số, phấn đấu mỗi năm giảm 2,5-3% tỷ lệ hộ nghèo. Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, huyện đặt mục tiêu đến năm 2025 giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 3%; 100% người nghèo, người cận nghèo, người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn được cấp thẻ BHYT; 100% học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo được miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập.
Khó khăn hiện nay trong công tác giảm nghèo tại Lạc Thuỷ là đa số hộ nghèo, cận nghèo là hộ có đối tượng bảo trợ, khó có khả năng thoát nghèo, cuộc sống vẫn phụ thuộc vào trợ giúp của xã hội. Người lao động thuộc hộ nghèo tham gia học nghề còn ít so với chính sách khuyến khích của Nhà nước đầu tư, do đó mô hình giảm nghèo hiệu quả chưa cao.
Việc áp dụng triển khai các dự án, mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất theo hình thức chuỗi giá trị và đề xuất từ cộng đồng khó thực hiện. Bên cạnh đó, việc triển khai xây dựng các đề án, mô hình sản xuất, đa dạng hóa sinh kế gặp rất nhiều khó khăn.
Để công tác giảm nghèo tiếp tục đạt hiệu quả, huyện Lạc Thuỷ tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều bền vững; hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo mới; hỗ trợ người nghèo tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản (việc làm, giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch, thông tin).