Từ đó, từng bước thúc đẩy phát triển kinh tế số trong nông nghiệp; giúp người dân sản xuất nhiều nông sản chất lượng với chi phí đầu tư thấp nhưng bán được giá cao để nâng cao thu nhập.
Nông nghiệp được xác định là ngành kinh tế chủ lực của tỉnh. Trong những năm qua, ngành Nông nghiệp có những bước phát triển vượt bậc khi nhiều mặt hàng nông sản chất lượng ngày càng khẳng định thương hiệu như: gạo, trà, miến dong, mật ong, thịt lợn sấy, thịt trâu sấy…
Kết quả này là sự nỗ lực, cố gắng của nông dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, đưa những giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Đặc biệt là áp dụng thành tựu khoa học kỹ thuật trong quá trình chăm sóc, phòng bệnh, đem lại năng suất, giá trị kinh tế cao.
Điển hình như gia đình anh Trần Đình Vượng ở bản Tân Bình (xã Bình Lư, huyện Tam Đường), sau nhiều năm nghiên cứu, đã chế tạo ra quạt oxi đặt dưới ao cá; lắp đặt hệ thống tưới nước tự động, có sử dụng phần mềm tưới nước của Công ty Rạng Đông Việt Nam để kiểm soát lượng nước tưới và độ ẩm cho đất trồng rau.
Vì vậy, dù ở nhà hay ở ruộng rau, chỉ với một vài thao tác đơn giản trên điện thoại thông minh, anh Vượng tưới được nước cho 0,7ha rau. Anh Vượng phấn khởi nói: Nhờ sử dụng hệ thống tưới nước tự động này, mỗi năm gia đình tiết kiệm được 10 triệu đồng thuê nhân công tưới nước cho rau, năng suất rau ngày một tăng lên. Mỗi năm, thu nhập bình quân của gia đình tôi từ bán rau, cá hơn 130 triệu đồng.
Nho hạ đen được trồng theo hướng sản xuất công nghệ cao trong nhà màng của Công ty TNHH MTV Trường Phát Lai Châu (huyện Phong Thổ) đạt chuẩn OCOP 3 sao.
Hiện nay, chuyển đổi số trong ngành Nông nghiệp được ví là cơ hội, chìa khóa để hiện thực hóa mục tiêu giúp nông dân sản xuất nhiều nông sản chất lượng với chi phí đầu tư thấp nhất nhưng bán ra được giá cao nhất. Qua đó, tạo ra giá trị thặng dư của nền nông nghiệp số hướng đến phát triển kinh tế số.
Điều này thể hiện rõ, không chỉ sử dụng các thiết bị thông minh, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong quá trình sản xuất mà nông dân Lai Châu tận dụng nền tảng số là các trang mạng xã hội để quảng cáo, giới thiệu sản phẩm. Đồng thời, tìm thị trường cho sản phẩm, hình thành nên chuỗi liên kết giá trị bền vững.
Anh Đỗ Văn Tuấn - chủ vườn dâu tây A Đăng Farm (xã Mường Cang, huyện Than Uyên) cho biết: Gia đình tôi trồng dâu tây nhiều năm nay; sản phẩm được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Nhằm giới thiệu sản phẩm dâu tây chất lượng, đảm bảo sạch và an toàn tới người tiêu dùng cả nước, chúng tôi tăng cường quảng bá trên facebook, zalo; kết nối với những đầu mối bán lẻ tiêu thụ sản phẩm. Vì vậy, dâu tây được khách hàng tin dùng; giá thành từ 100.000-200.000 đồng/kg tuỳ loại. Nhờ sử dụng công nghệ số, hiệu quả kinh tế từ mô hình trồng dâu tây mang lại khá cao; tiết kiệm chi phí, thời gian mang bán trực tiếp.
Được biết, ngành Nông nghiệp của tỉnh đã đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số. Cụ thể là chú trọng tuyên truyền, đầu tư các trang thiết bị; triển khai ứng dụng phần mềm mã nguồn mở; tích cực tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến các lĩnh vực của ngành trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến nhằm tạo điều kiện để doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân thuận lợi giao dịch.
Cùng với đó, quan tâm công tác cấp mã số vùng trồng để nâng cao giá trị sản phẩm nông sản. Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã cấp 27 mã vùng trồng chuối ở các huyện: Phong Thổ, Tân Uyên, Sìn Hồ… với diện tích 4.219ha.
Trong năm 2023, Sở Công Thương, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức 2 lớp tập huấn ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại, hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh kỹ năng bán hàng trên Tiktok shop, phát triển thị trường và tiêu thụ sản phẩm trên internet; tham gia giao dịch trên sàn thương mại điện tử postmart.vn.
Hỗ trợ cho 70 doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh thiết lập gian hàng để quảng bá, giới thiệu và bán 190 sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp trên sàn thương mại điện tử tỉnh tại địa chỉ https://laichau.biz/.
Ông Lê Xuân Tiến - Phó Giám đốc sở Công Thương cho biết: Thời gian qua, sở tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch số 3096/KH-UBND ngày 30/9/2021 của UBND tỉnh về hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn tỉnh Lai Châu.
Đến nay, đã hỗ trợ 208 cơ sở sản xuất nông nghiệp đưa 64 sản phẩm nông sản lên sàn posttmart.vn. Hướng dẫn doanh nghiệp, HTX xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác website thương mại điện tử, tham gia vào môi trường kinh doanh trực tuyến, tiết kiệm thời gian, giảm chi phí, tăng khả năng giao dịch.
Duy trì Hệ thống quản lý truy xuất nguồn gốc xuất xứ cho nhiều sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp của tỉnh như: gạo, trà… trên không gian số nhằm bảo vệ thương hiệu, uy tín của doanh nghiệp, HTX và góp phần nâng cao chất lượng, giá trị nông sản Lai Châu.
Có thể thấy rằng, áp dụng chuyển đổi số đã thúc đẩy kinh tế số trong nông nghiệp phát triển. Từ đó, tạo động lực, niềm tin cho nông dân Lai Châu tích cực đổi mới, sáng tạo với những mô hình kinh tế mới; sản xuất nhiều nông sản chất lượng, mang thương hiệu đặc sản riêng của Lai Châu được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng.
Đinh Đông - Ngọc Duy (Báo Lai Châu)