Sáng 4/12, tỉnh Lai Châu phối hợp với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư lĩnh vực nông nghiệp năm 2021.
Hội nghị với chủ đề trọng tâm là phục hồi kinh tế, thích ứng linh hoạt, an toàn với đại dịch Covid-19 được tổ chức với sự tham gia của Phòng Công nghiệp thương mại Việt Nam, cộng đồng doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp và hệ thống chính quyền tỉnh Lai Châu.
Hội nghị nhằm cụ thể hóa các nghị quyết, chương trình, đề án về phát triển nông nghiệp của tỉnh giai đoạn 2021 – 2025 và những năm tiếp theo, khẳng định cam kết của tỉnh trong việc hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư đến đầu tư, sản xuất kinh doanh tại tỉnh Lai Châu.
Hội nghị diễn ra nhiều hoạt động thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp quan tâm như tham quan các điểm thu hút đầu tư theo nhu cầu của nhà đầu tư dựa trên danh mục các dự án thu hút đầu tư của tỉnh Lai Châu. Hoạt động trưng bày quảng bá với 10 gian trưng bày quảng bá sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP của tỉnh. Trưng bày ảnh đẹp quảng bá Lai Châu miền đất, con người; các ấn phẩm xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch.
Tại hội nghị, có hơn 10 đơn vị doanh nghiệp trình bày các bài tham luận, ý kiến về tình hình phát triển lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Các doanh nghiệp chủ yếu đầu tư trong các lĩnh vực nông nghiệp ở trong nước và quốc tế. Đặc biệt, các hiệp hội doanh nghiệp của một số quốc gia trong khu vực tham gia các bài tham luận nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp của nước ta.
Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu Giàng Páo Mỷ cho biết Lai Châu có những tiềm năng, lợi thế để phát triển nông nghiệp với diện tích đất nông nghiệp lớn, có hơn 240.000 ha đất chưa sử dụng, nguồn lao động dồi dào, khí hậu nhiệt đới thích hợp các loại cây ăn quả, dược liệu quý hiếm…
Những năm qua, hạ tầng giao thông cũng được tỉnh quan tâm đầu tư như đường kết nối thành phố Lai Châu với cao tốc Nội Bài – Lào Cai, dự án đường hầm Hoàng Liên Sơn kết nối thị xã Sapa với tỉnh Lai Châu sẽ tạo điều kiện để thúc đẩy kết nối liên vùng.
Ký biên bản hợp tác giữa UBND tỉnh và các doanh nghiệp. Ảnh: Đoàn Bổng |
“Tỉnh Lai Châu đã ban hành nhiều chính sách đặc thù để hỗ trợ, thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp với nguồn ngân sách dự kiến 2021-2025 trên 1.000 tỉ đồng, thành lập các hiệp hội trong lĩnh vực nông sản để hỗ trợ trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, đồng thời tỉnh cũng cải cách hành chính, kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh thân thiện, sẵn sàng đồng hành cùng doanh nghiệp trong quá trình đầu tư và kinh doanh tại tỉnh” – bà Mỷ nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND Trần Tiến Dũng nhìn nhận, hội nghị là cơ hội quảng bá tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Lai Châu, các chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư, danh mục dự án thu hút đầu tư nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Hội nghị còn tạo diễn đàn cho các tổ chức quốc tế, nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước nói chung, doanh nghiệp tỉnh Lai Châu nói riêng gặp gỡ, kết nối giao thương, tăng cường hợp tác phát triển; thu hút đa dạng hóa các thành phần kinh tế đầu tư vào các nội dung ưu tiên, khuyến khích đầu tư trên các lĩnh vực nông, lâm, thủy sản, phát triển nông thôn.
Đặc biệt, qua hội nghị là cơ hội cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp; vận dụng các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, sản phẩm chế biến sâu, nâng cao sức cạnh tranh, từng bước gia tăng giá trị sản phẩm theo chuỗi liên kết nông sản trên địa bàn tỉnh Lai Châu.
Tại hội nghị sáng nay, các đại diện đã chứng kiến lễ trao quyết định chủ trương đầu tư và hoạt động ký biên bản hợp tác đầu tư giữa UBND tỉnh và doanh nghiệp, nhà đầu tư.
"Đánh thức công chúa ngủ trong rừng"
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan ví phát triển nông nghiệp tỉnh Lai Châu như đang đi đánh thức nàng công chúa ngủ trong rừng. Theo ông Hoan, để đánh thức "nàng công chúa" này cần một hoàng tử không chỉ khỏe mạnh, cường tráng mà còn thông minh và có trái tim.
"Một khi đến bằng sự thấu cảm, lòng trắc ẩn, bằng cả niềm đam mê để đồng hành với bà con Lai Châu với hàng trăm nghìn dân thì chúng ta cảm thấy hạnh phúc khi chúng ta cho đi. Điều nhận lại là giá trị cho cộng đồng, cho bà con", ông Hoan nói.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan thăm quan các gian hàng trưng bày. Ảnh: Đoàn Bổng |
Theo ông Hoan, ông thường nhìn thấy con người phía sau mỗi sản vật, ví như nhìn mật ong sẽ nhớ người nuôi ong. Ông đặt câu hỏi "thương hiệu là gì?" và tự trả lời rằng "thương hiệu là cái hiệu để người ta thương". Qua đó, ông nhắn nhủ cộng đồng doanh nghiệp khi đến đầu tư tại Lai Châu nên để lại tình thương cho hàng trăm nghìn dân Lai Châu.
Nhìn nhận vai trò của nông nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hoành hành, ông Lê Minh Hoan cho rằng, sau đại dịch nhiều người sẽ bàn ngành nào sẽ là thiết yếu, ngành nào mất đi, ngành nào phát triển mới. Nhưng có một ngành thiết yếu không phải bàn cãi đó là nông nghiệp. Qua đó, ông Hoan đánh giá cao hội nghị xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp mà tỉnh Lai Châu tổ chức.
"Lần đầu tiên chúng ta tiếp cận nông nghiệp, nông thôn, trong đó xác định xu thế toàn cầu là tăng trưởng xanh, nông nghiệp xanh. Hôm nay chúng ta tạo ra sản phẩm ngon, sạch, cho người tiêu dùng nhưng xu thế tiêu dùng sẽ bị che mờ bởi nhãn sinh thái. Điều này được thể hiện trong chiến lược đã được Thủ tướng phê duyệt", ông Hoan nêu.
Nhắn gửi với lãnh đạo tỉnh Lai Châu và cộng đồng doanh nghiệp, Bộ trưởng Lê Minh Hoan mong rằng không còn từ xóa đói giảm nghèo mà bây giờ phải nghĩ mới, nghĩ khác hơn để "kích hoạt" kinh tế xã hội Lai Châu lên tầm cao mới.
Lê Vinh