Tập trung nguồn lực phát triển đa dạng mô hình nông nghiệp
Lai Châu là tỉnh có nhiều tiềm năng phát triển nông nghiệp. Diện tích đất nông nghiệp là hơn 526.000 ha, chiếm 58% diện tích tự nhiên của tỉnh. Diện tích bình quân đất đai đầu người là 2,2 ha, gấp 6 lần bình quân cả nước. Tốc độ tăng trưởng nông nghiệp năm 2020 đạt 5,58%, thuộc Top đầu cả nước.
Không chỉ rộng về đất đai, Lai Châu còn có tiềm năng lớn về hệ thống sông, suối cũng như mặt hồ thủy điện. Tổng diện tích mặt hồ của tỉnh là hơn 16.600 ha, trong đó khoảng 5.000 - 6.000 ha thích hợp nuôi cá lồng với các loại cá nước ngọt.
Lai Châu cũng được thiên nhiên ưu ái về khí hậu. Tỉnh có 3 đới khí hậu rõ rệt, là đới khí hậu nóng, ẩm dưới 600 m thích hợp cây nhiệt đới; đới khí hậu mát, ẩm có độ cao từ 600 - 1.000 m thích hợp cây á nhiệt đới; đới khí hậu ôn đới cao trên 1.000m thích hợp cây ôn đới và nhiều dược liệu quý hiếm như sâm Lai Châu, đỗ trọng, đương quy, tam thất...
Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, nông - lâm nghiệp Lai Châu hiện nay có nhiều khởi sắc, góp phần quan trọng đưa Lai Châu từng bước phát triển toàn diện và bền vững.
Các loại cây công nghiệp, cây ăn quả được quan tâm phát triển với quy mô lớn. Đã hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hoá tập trung. Lai Châu sẽ tập trung nguồn lực vào việc phát triển đa dạng các mô hình nông nghiệp như: nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn...
Tỉnh sẽ tiếp tục phát triển các loại cây lâm nghiệp đa mục đích, trong đó phấn đấu mở rộng diện tích đất trồng cây mắc ca. Thực hiện Đề án Phát triển bền vững mắc ca giai đoạn 2021 - 2030 theo Quyết định 344 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Lai Châu phấn đấu trồng 100.000 ha cây mắc ca vào năm 2030 và đưa địa phương trở thành “thủ phủ” mắc ca của cả nước.
Để hoàn thành mục tiêu đến năm 2030 trồng được 100.000 ha cây mắc ca, tỉnh Lai Châu đang tiếp tục kêu gọi đầu tư và khẳng định tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư có đủ năng lực đầu tư vào địa bàn. Trong đó, địa phương giao nhiệm vụ cụ thể cho Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp tổ chức các đoàn công tác, xem xét thực tế, làm việc với các huyện để nhanh chóng hỗ trợ các nhà đầu tư.
Trong chăn nuôi, tỉnh hướng đến chuyển dần phương thức sản xuất, từ nông hộ, thả rông sang hướng kiểm soát bao trùm thống nhất. Tỉnh cũng đang xúc tiến một số đề án phát triển chuồng trại chăn nuôi, đồng thời tổ chức các phương án thu gom chất thải chăn nuôi, cải tạo đàn, cung cấp giống chất lượng.
Giai đoạn tới, tỉnh Lai Châu sẽ tạo mọi cơ hội cho doanh nghiệp để tổ chức chăn nuôi quy mô lớn, phát triển đa dạng các loại gia súc như bò thịt, bò sữa, lợn thịt. Bên cạnh đó, tỉnh triển khai kế hoạch xây dựng nhà máy phân bón hữu cơ gắn với chăn nuôi nhằm cung cấp cho nhu cầu trồng trọt bền vững, chất lượng trên địa bàn.
Mặt khác, với thế mạnh sản xuất chè xanh, Lai Châu đã hợp tác và xuất khẩu sang nhiều thị trường như Trung Đông, Nam Á, Đài Loan. Tiếp tục phát huy thành quả này, tỉnh sẽ nâng cao các tuyến đường kết nối, hạ tầng giao thông để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận với hộ sản xuất, trước mắt là tuyến giao thông kết nối với đồng bằng sông Hồng, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc).
Ngoài ra, tỉnh tiếp tục khai thác có hiệu quả, hợp lý tiềm năng, lợi thế để phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Từng bước chuyển dịch nền sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao hệ số sử dụng đất, nâng cao giá trị nông sản. Chuyển đổi hình thức sản xuất nhỏ lẻ sang thâm canh, sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn gắn với an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường.
Xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ, kiên cố; gắn xây dựng nông thôn mới với quy hoạch nông nghiệp, đô thị. Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý. Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại. Tích cực ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất; hình thành, phát triển mở rộng các vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung. Đẩy mạnh các hình thức liên kết theo chuỗi giá trị gia tăng từ cung cấp đầu vào - tổ chức sản xuất - chế biến - tiêu thụ giữa doanh nghiệp với nông dân và tổ chức đại diện của nông dân. Phát triển kinh tế lâm nghiệp, tập trung bảo vệ, phát triển rừng.
Nhiều chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp
Hiện nay, tỉnh Lai Châu đã và đang thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển nông nghiệp… là những điều kiện thuận lợi để Lai Châu khai thác phát triển nông nghiệp, du lịch, công nghiệp chế biến nông sản…
Thực hiện các nghị quyết, chính sách, đề án về phát triển nông nghiệp của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh Lai Châu giai đoạn 2021 - 2025. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lai Châu đã chủ động, phối hợp với các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo sản xuất, phát huy tối đa các nguồn lực, triển khai thực hiện các chỉ tiêu phát triển trong năm 2022.
Tham mưu UBND tỉnh Lai Châu ban hành các quyết định, văn bản sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ những quy định không còn phù hợp; ban hành các văn bản hướng dẫn, đôn đốc triển khai thực hiện. Tổ chức hội nghị tập huấn các chính sách về phát triển nông nghiệp; hội nghị gặp gỡ, trao đổi thúc đẩy mở rộng, liên kết phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản. Thường xuyên trao đổi, cập nhật thông tin, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các nghị quyết để chủ động hướng dẫn, giải quyết hoặc tham mưu UBND tỉnh Lai Châu chỉ đạo, hướng dẫn, giải quyết theo quy định.
Về tình hình triển khai Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 22/02/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lai Châu; Nghị quyết số 07/2021/NQ-HĐND ngày 22/3/2021 của HĐND tỉnh Lai Châu; Quyết định số 423/QĐ-UBND ngày 19/4/2021 của UBND tỉnh Lai Châu về việc phê duyệt Đề án Phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030: Đến thời điểm báo cáo, các đối tượng thụ hưởng chính sách đã đăng ký thực hiện 454 ha lúa hàng hóa tập trung; 92,3 ha cây ăn quả; 424,3 ha chè tập trung; 29.000 chậu địa lan; 52 ha cỏ; 729 mở hầm biogas; 4.709 thùng ong; 444 lồng cá; hỗ trợ cước vận chuyển cho 2 cơ sở.
Đối với Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 03/02/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lai Châu, Nghị quyết số 08/2021/NQ-HĐND ngày 22/3/2021 của HĐND tỉnh Lai Châu; Quyết định số 422/QĐ-UBND ngày 19/4/2021 của UBND tỉnh Lai Châu về việc phê duyệt Đề án Phát triển rừng bền vững giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030: Hiện tại, các Ban Quản lý rừng phòng hộ đang tiến hành rà soát, đo đạc quy chủ với diện tích 2.656 ha. Đã phê duyệt xong hồ sơ thiết kế kỹ thuật trồng rừng của các huyện Tân Uyên, Than Uyên, Mường Tè, Nậm Nhùn, Sìn Hồ, Phong Thổ với diện tích 2.509 ha.
Đối với Nghị quyết số 39/2019/NQ-HĐND ngày 11/12/2019 của HĐND tỉnh Lai Châu thông qua Đề án Phát triển sản xuất nông nghiệp các xã đặc biệt khó khăn và xã biên giới tỉnh Lai Châu giai đoạn 2020 – 2025.: Về trồng trọt, diện tích lúa đông xuân đạt 3.186 hạ, năng suất ước đạt 52,15 tạ/ha; diện tích lúa mùa ước đạt 15.000 ha; diện tích ngô xuân hè ước đạt 11.782 ha; đã thực hiện trồng mới được 53 ha cây chanh leo; diện tích trồng chè mới ước đạt 80 ha, tiếp tục chăm sóc diện tích 59,8 ha chè cổ thụ trồng năm 2021; thực hiện trồng 45 ha cây đương quy tại huyện Sìn Hồ...
Tại tỉnh Lai Châu có trên 82% công dân làm nông nghiệp, nông thôn nên để thay đổi tư duy trong sản xuất nông nghiệp không hề đơn giản. Chính vì vậy, tỉnh Lai Châu đã ban hành nhiều nghị quyết, chính sách, đề án (được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá là một trong những tỉnh có chính sách mạnh nhất toàn quốc) nhằm giúp nông dân thay đổi tư duy từ sản xuất nhỏ lẻ, liên kết lại thành nhóm, từ nhóm thành lập các hợp tác xã; cùng các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tạo ra những sản phẩm chủ lực, thành những vùng sản xuất tập trung, gắn với tiêu chuẩn, tiêu chí hướng tới xuất khẩu, qua đó tạo công ăn việc làm, giúp chuyển dịch cơ cấu tại địa phương...
Bên cạnh ban hành chính sách, nghị quyết, tỉnh Lai Châu chú trọng đến công tác xúc tiến đầu tư, mở rộng thị trường cho các sản phẩm nông nghiệp. Tháng 6/2022, Lai Châu phối hợp với Bộ Ngoại giao phối hợp xúc tiến thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu chè sang các nước Trung Đông, Bắc Phi và Nam Á.
Hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn tỉnh Lai Châu năm 2022.
Sắp tới, tỉnh dự kiến tổ chức Hội chợ Sâm Lai Châu 2022 trong 3 ngày từ 11 - 13/11. Sự kiện quan trọng nhằm giới thiệu tiềm năng, lợi thế, chính sách ưu đãi đầu tư phát triển và quảng bá cây sâm Lai Châu, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tìm hiểu, xúc tiến hợp tác đầu tư, liên kết với người dân sản xuất, kinh doanh cây sâm Lai Châu và các sản phẩm từ sâm; công bố bản đồ quy hoạch phát triển vùng trồng sâm Lai Châu; Hội nghị Xúc tiến đầu tư phát triển vùng sâm Lai Châu, Hội thảo Chuyển giao khoa học kỹ thuật phát triển sâm Lai Châu. Cùng với đó là các hoạt động trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm; kết nối, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, quy trình kỹ thuật trồng, sản xuất giống, phát triển vùng trồng và công nghệ chế biến các sản phẩm từ sâm Lai Châu đến cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh.
Quỳnh Nga