Sáng 28/10, Bộ VHTT&DL tổ chức họp báo thường kỳ quý 3, thông tin các nhiệm vụ đã đạt được và những nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm 2021.
Về lĩnh vực Nghệ thuật biểu diễn, Bộ VHTT&DL đề xuất, trình Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ cho viên chức chuyên ngành nghệ thuật biểu diễn gặp khó khăn do tác động bởi dịch Covid-19. Xây dựng dự thảo Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. Bộ VHTT&DL cũng đang triển khai xét tặng giải thưởng, danh hiệu theo đúng quy định. Hiện có 27/36 hồ sơ Giải thưởng Hồ Chí Minh và 147/211 hồ sơ Giải thưởng Nhà nước đủ điều kiện để trình Hội đồng cấp Nhà nước; 71/86 hồ sơ Nghệ nhân nhân dân và 600/684 hồ sơ Nghệ nhân ưu tú đủ điều kiện để trình Hội đồng cấp Nhà nước; 53 hồ sơ xét tặng NSND và 155 hồ sơ xét tặng NSƯT.
Ông Trần Hướng Dương (Ảnh: Minh Khánh). |
Nói về Bộ quy tắc ứng xử của nghệ sĩ gây xôn xao thời gian qua, ông Trần Hướng Dương, Phó Cục trưởng, Cục Nghệ thuật Biểu diễn giải thích: "Bộ quy tắc ứng xử này quy định chung với người làm nghệ thuật, kể cả những đơn vị của nhà nước và những người hoạt động tự do bao gồm cả những người làm mỹ thuật, nhiếp ảnh chứ không chỉ những người biểu diễn. Quá trình xây dựng Bộ quy tắc này rất vất vả, vì đó là một cái khung nguyên tắc chung cho người làm nghệ thuật và chúng tôi cũng gặp nhiều ý kiến trái chiều như: Có nên xây dựng Bộ quy tắc này không? Sao trước đây không làm mà giờ mới làm?".
Trước câu hỏi của báo chí: Trong Bộ quy tắc ứng xử này, có điều nào thể hiện việc nghệ sĩ vi phạm sẽ bị cấm sóng không?, ông Trần Hướng Dương cho hay: "Trong dự thảo của Bộ quy tắc ứng xử của nghệ sĩ không có từ nào là cấm sóng cả. Nguyên văn là: "Đề nghị các cơ quan thông tấn báo chí, phát hiện, biểu dương tôn vinh những tấm gương tốt, cách làm hay, mô hình hiệu quả, phê phán hành vi lệch chuẩn, cân nhắc sử dụng hình ảnh người hoạt động nghệ thuật không thực hiện đúng nội quy ứng xử" chứ hoàn toàn không có từ cấm sóng".
Trong khi đó, Liên hoan sân khấu Kịch nói toàn quốc 2021 dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 4-18/11 tại TP Hải Phòng sẽ có nguy cơ vắng bóng các đoàn nghệ thuật phía Nam. Cục Nghệ thuật Biểu diễn mở ra phương án phối hợp Sở VH - TT TP.HCM và Hội Sân khấu TP.HCM tổ chức đợt 2 Liên hoan vào tháng 12/2021. Tuy nhiên, qua thảo luận, thăm dò ý kiến, các đơn vị sân khấu TP.HCM cho rằng năm 2021 không phải là thời điểm thích hợp để tổ chức liên hoan, kiến nghị dời sang khoảng quý II/2022. Về điều này, ông Trần Hướng Hương khẳng định, Cục "không bỏ lại ai phía sau cả".
"Ngày 26/10, Sở VH-TT TP.HCM có họp với Hội nghệ sĩ Sân khấu TP.HCM để bản về vấn đề này. Chị Thanh Thuý - Phó Giám đốc Sở VH-TT TP.HCM mới đây đã ký văn bản xin lùi Liên hoan vào tháng 3-4/2022, chúng tôi thường xuyên quan tâm, trao đổi với các đơn vị phía Nam về việc này. Quan điểm của chúng tôi là tạo điều kiện hết sức cho các đoàn nghệ thuật. Chúng tôi sẽ báo cáo lãnh đạo Bộ VHTT&DL để cân nhắc, cuối tuần này chúng tôi sẽ có thông tin tới báo chí", ông Trần Hướng Dương nói.
Về lĩnh vực Điện ảnh, bà Lý Phương Dung, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh trả lời câu hỏi xung quanh đề xuất dừng chiếu hoặc rút giấy phép phim đối với tác phẩm có nghệ sĩ vi phạm đạo đức. Đề xuất do bà Lê Thu Hà, đại biểu Quốc hội nêu ra trước đó gây dư luận trái chiều. Ý kiến này có thể xuất phát từ việc tham khảo hình thức trừng phạt của nền điện ảnh Trung Quốc dành cho nghệ sĩ vi phạm đạo đức thời gian qua.
“Tác phẩm điện ảnh là tác phẩm có sự đóng góp của số đông nghệ sĩ. Việc đánh giá tác phẩm phải toàn diện, đánh giá sự đóng góp của từng nghệ sĩ trên mọi phương diện. Vì vậy, để có quyết định dừng chiếu phim hay rút giấy phép, cần có đánh giá cẩn trọng trên cơ sở sự cống hiến của các nghệ sĩ khác, cũng như xem xét sự vi phạm cụ thể của cá nhân đó”, bà Lý Phương Dung nói.
Tình Lê
Diễn viên dính scandal, sao lại đòi cấm chiếu cả phim?
Giới làm phim phản ứng trước đề xuất dừng chiếu hoặc rút phép phim có nghệ sĩ vi phạm đạo đức của một đại biểu Quốc hội mới đây.