Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNVVN) than lợi nhuận không đủ bù lãi suất nên không dám vay ngân hàng, do vậy không có khả năng mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh.
Lợi nhuận không đủ trả lãi, doanh nghiệp không dám vay
Tại hội nghị tín dụng cho DNVVN do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa tổ chức giữa tuần qua, bà Nguyễn Thị Thanh Hà – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên cho hay, một số doanh nghiệp hiện nay cần phải được giãn nợ, hoãn nợ. Nếu các ngân hàng siết nợ có thể dẫn đến phá sản. Lợi nhuận kinh doanh không đủ để trả nợ ngân hàng, sức cạnh tranh của doanh nghiệp yếu kém. Nhiều doanh nghiệp thậm chí không dám vay ngân hàng, do vậy không có khả năng mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, theo Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, lãi suất giảm đến mức nào, các công cụ, chính sách nào được áp dụng cũng cần cân nhắc cụ thể. Bởi nhiệm vụ của NHNN không chỉ kiềm chế lạm phát, điều hành để giảm mặt bằng lãi suất.
“NHNN còn có nhiệm vụ ổn định thị trường ngoại hối, đảm bảo an toàn thanh khoản cho hoạt động của hệ thống ngân hàng. Đây cũng là những mục tiêu rất quan trọng, qua đó củng cố niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài với Việt Nam. Rất nhiều nhiệm vụ mà NHNN phải cân đối hài hòa, tạo điều kiện, môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói.
Ông Trần Phương – Phó tổng Giám đốc Ngân hàng BIDV – cho hay, BIDV có tỉ lệ cho vay DNVVN lên đến 24% tổng dư nợ, 40% trên tổng dư nợ khách hàng DN. Dư nợ tín dụng năm 2022 cho DNVVN là 329 nghìn tỉ đồng trên tổng số 1,5 triệu tỉ đồng.
Trong khi đó, ông Nguyễn Quang Hùng – Phó tổng Giám đốc Agribank – cho biết, với DNVVN thuộc 5 lĩnh vực ưu tiên, Agribank đã áp dụng mức lãi suất cho vay thấp hơn tới 50% so với lãi suất cho vay thông thường. Đến nay, dư nợ cho vay đối với DNVVN trên 325.000 tỷ đồng/hơn 20 ngàn khách hàng (chiếm tỷ lệ 80,64% dư nợ khách hàng pháp nhân).
Theo bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN, bình quân giai đoạn 2018-2022, dư nợ tín dụng đối với DNVVN tăng 14,17%, cao hơn bình quân chung toàn nền kinh tế. Đến cuối năm 2022, dư nợ tín dụng đối với DNVVN tăng 8,28% so với cuối năm 2021, chiếm khoảng gần 19% tổng dư nợ tín dụng chung toàn nền kinh tế. Dư nợ tín dụng DNNVV phần lớn tập trung vào khu vực Thương mại và dịch vụ (56,29%), Công nghiệp và Xây dựng (40,85%). Các ngân hàng thương mại nhà nước đang cho vay DNNVV chiếm 48,05%, Khối ngân hàng TMCP cho vay chiếm 47,43%.
Ngân hàng "ngại" cho DN nhỏ vay
Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, NHNN đã phối hợp chặt chẽ với các hiệp hội, đặc biệt là Hiệp hội DNVVN. Qua đó thấy được khả năng tài chính của DNVVN thường hạn chế.
“Đây cũng là điểm hạn chế khi các doanh nghiệp tiếp cận tín dụng. Tài sản đảm bảo không có, vị thế uy tín trên thị trường, về sản phẩm, thương hiệu, dòng tiền trên thị trường rất khó khăn”, Thống đốc nói.
Nêu lên thực trạng của các DNVVN hiện nay, bà Bùi Thu Thuỷ - Phó Cục trưởng Cục phát triển doanh nghiệp – Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cho rằng DNVVN hạn chế về kĩ năng quản lý dòng tiền. Có doanh nghiệp vay ngắn hạn nhưng lại đầu tư dài hạn, thậm chí không có khả năng đọc báo cáo tài chính. Vì thế chủ doanh nghiệp rất lệ thuộc vào cán bộ tài chính, nếu không có cán bộ tin cậy thì có thể mất cân đối tài chính, hay không có được sự minh bạch chứng từ, dẫn đến uy tín doanh nghiệp thấp, nên khả năng quan hệ với ngân hàng cũng thấp.
“Thậm chí trước đây nhiều ngân hàng ngại cho vay đối với DNVVN vì chi phí tài chính, quản lý rất mất công. Trong khi cho vay các DN lớn thì món vay ra tấm ra món và uy tín lớn hơn. Nhiều DNVVN không có tài sản đảm bảo, phương án kinh doanh không khả thi; không cân đối được khi nào hòa vốn, khi nào dòng tiền về, chỉ có ý tưởng thôi sẽ khó chứng minh cho ngân hàng…”, bà Thuỷ nói.
Đại diện doanh nghiệp, ông Hoàng Minh Nhật – Giám đốc Công ty CP Hoàng Minh Nhật chuyên xuất khẩu gạo tại Cần Thơ – cho rằng bản thân ngân hàng cũng là một doanh nghiệp. Cái cần tháo gỡ ở đây là các ngân hàng có tiêu chuẩn để cho vay. Doanh nghiệp đạt chuẩn thì ngân hàng mới cho vay.
Các doanh nghiệp dưới chuẩn hoặc tài chính chưa đạt sẽ khó tiếp cận. Đặc biệt với ngành hàng lúa gạo nông sản, các sản phẩm nông sản luôn có tính chất thời vụ. Do đó, khi doanh nghiệp có nhu cầu thời vụ thì lại gặp khó khăn. Do đó, ông Nhật kiến nghị NHNN xem tháo gỡ điểm thắt này.
Theo thống kê, tại thời điểm hiện tại, lãi suất cho vay trung và dài hạn đối với cá nhân, doanh nghiệp phục vụ sản xuất kinh doanh tại Ngân hàng Vietcombank từ 9%/năm.
Ngân hàng BIDV vẫn đang trong chương trình triển khai gói tín dụng ưu đãi kéo dài đến 30/4/2023 với lãi suất cho vay từ 8%/năm cho các khoản vay dưới 6 tháng, từ 9%/năm cho các khoản vay từ 6-12 tháng.
Ngân hàng VietinBank cũng đang triển khai gói tín dụng ưu đãi đến hết 30/6 quy mô lên đến 100 nghìn tỷ đồng, lãi suất từ 7,1%/năm cho khách hàng vay vốn phục vụ mục đích sản xuất kinh doanh, thời hạn vay tối đa 12 tháng.
Tại Agribank, lãi suất cho vay dao động từ 12-13%/năm. Một số ngân hàng TMCP như SHB cũng mới công bố lãi suất cho vay từ 11%/năm với các khoản vay có thời hạn từ 12-36 tháng, và 12,30% cho các khoản vay từ 36 đến dưới 60 tháng.