Tại Hội nghị Kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên do Ngân hàng Nhà nước phối hợp cùng UBND tỉnh Thái Nguyên tổ chức ngày 4/10.
Ông Vũ Văn Biên, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc CTCP Thương mại và sản xuất CaCO3 Quang Sơn cho biết, doanh nghiệp làm chủ đầu tư dự án cụm công nghiệp Quang Sơn, huyện Đồng Hỷ, quy mô hơn 15ha. Đây là địa bàn còn nhiều khó khăn.
Do vướng mắc thủ tục hành chính khiến doanh nghiệp này gặp khó trong việc triển khai dự án cũng như tiếp cận vốn vay ngân hàng.
Mặc dù đã có chủ trương của Chính phủ trong việc tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tại những địa bàn khó khăn, nhưng vẫn còn những vướng mắc thủ tục hành chính khiến Quang Sơn gặp khó trong việc triển khai dự án.
“Khi có dự án thì hàng chục ngân hàng đến để tìm hiểu, chúng tôi cũng đã trình bày rõ nhưng vẫn có những vướng mắc dẫn đến không tiếp cận được vốn vay ưu đãi nên tiến độ dự án bị chậm.
Cụ thể, đơn giá cho thuê đất tăng theo hệ số làm chi phí đầu tư tăng lên, hiệu quả đầu tư giảm xuống, thời gian kéo dài dự án bị chậm. Hiện nay chưa có hợp đồng thuê đất, hay nói cách khách là chưa có “sổ đỏ” nên doanh nghiệp không thể thế chấp tài sản hình thành trên dự án để vay vốn.
Một dự án hàng trăm tỷ mà phải mang nhà với ô tô đi để thế chấp ngân hàng, trong khi dự án không thể đem đi thế chấp.
"Nếu doanh nghiệp (DN) gặp rủi ro, đương nhiên sẽ ảnh hưởng đến ngân hàng. Ngân hàng dùng biện pháp siết nợ thì chúng tôi là người đại diện theo pháp luật thì cũng đi “bóc lịch” thôi", ông Vũ Văn Biên nói.
Ông Bùi Sỹ Dân, Giám đốc Công ty TNHH Quang Dương Thái Nguyên, kiêm Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Thái Nguyên nêu ý kiến ngân hàng không nên bắt buộc các doanh nghiệp phải mua bảo hiểm khoản vay ngoài vay tín chấp.
“Có những món vay thế chấp mà vẫn phải mua bảo hiểm khoản vay do doanh nghiệp có điểm tín nhiệm thấp. Nếu doanh nghiệp không trả được nợ thì vai trò bên bảo hiểm vốn vay ở đâu? Hợp đồng giữa ngân hàng và doanh nghiệp cần được thương thảo rõ ràng, cân bằng lợi ích giữa hai bên”, ông Dân nói.
Bên cạnh đó, ông Dân kiến nghị ngân hàng cần xem xét việc khách hàng nhảy nhóm nợ. Đôi khi chỉ chậm trả 2 triệu đồng nhưng doanh nghiệp bị nhảy nhóm nợ dẫn đến không vay được vốn.
Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên, bà Nguyễn Thị Vinh, Phó Chủ tịch Hiệp hội, cho rằng lãi suất không còn là vấn đề lớn với doanh nghiệp lúc này. Vấn đề pháp lý mới là hệ trọng, nhất là sự chồng chéo về pháp lý trong các dự án đầu tư.
Ngân hàng cũng chịu áp lực
Trước những phản ảnh của doanh nghiệp về điều kiện vay vốn, ông Nguyễn Xuân Bắc, Phó Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế, cho rằng các chi nhánh ngân hàng ở địa phương cũng chịu áp lực rất lớn trong việc cho vay.
“Nếu không cho vay được thì không hoàn thành chỉ tiêu được giao, ảnh hưởng đến lương, thưởng, thi đua của chi nhánh. Nhưng nếu cho vay mà dự án, doanh nghiệp không đủ điều kiện, thiếu tính khả thi sẽ gây ra nợ xấu, dẫn đến không thu hồi được nợ thì lại bị ngân hàng kỷ luật, cắt giảm thu nhập,…”, ông Bắc nói.
Theo Phó Vụ trưởng, nếu dự án được đánh giá đang gặp khó khăn nhưng chỉ là tạm thời có triển vọng vượt qua, có dòng tiền để trả nợ trong tương lai thì các ngân hàng vẫn có thể xem xét cho vay. Cần hết sức tạo điều kiện đối với những trường hợp như thế này. Các ngân hàng thương mại cần nâng cao năng lực, kinh nghiệm về thẩm định, đánh giá các doanh nghiệp, dự án, nắm sát tình hình doanh nghiệp.
Ông Lê Quang Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên, kiến nghị các ngân hàng tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp để họ có thể thuyết minh khả năng chi trả mà không cần tài sản đảm bảo.
Liên quan đến kiến nghị về vướng mắc trong thủ tục pháp lý đối với khu công nghiệp, ông Lê Quang Tiến khẳng định chính quyền tỉnh và các huyện liên tục đối thoại để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Khi đã tháo gỡ hoàn toàn những vướng mắc này, đương nhiên quyền sử dụng đất sẽ được ký ngay để doanh nghiệp có thể sử dụng làm tài sản đảm bảo cho khoản vay tại ngân hàng.
Ông Hoàng Ngọc Phương, Phó Tổng giám đốc VietinBank, đề nghị doanh nghiệp tận dụng tối đa các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, nâng cao hiệu quả kinh doanh. Đặc biệt là chuẩn hoá, minh bạch hoá hệ thống báo cáo tài chính để tạo được niềm tin với ngân hàng, đồng thời qua đó ngân hàng sẽ đánh giá, cấp tín dụng được thuận tiện hơn.
Tăng trưởng tín dụng đến hết tháng 9 đạt 6,92% Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 8/2023, doanh số hỗ trợ lãi suất đạt hơn 169.000 tỷ đồng, dư nợ hỗ trợ lãi suất đạt gần 57.000 tỷ đồng cho hơn 2.100 khách hàng, số tiền hỗ trợ lãi suất lũy kế từ đầu chương trình đạt khoảng 781 tỷ đồng. Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, tính đến ngày 30/9 dư nợ cho vay đạt khoảng 86.600 tỷ đồng, tăng 4,51% so với 31/12/2022. Tình hình tín dụng trên địa bàn của một số ngành có xu hướng giảm. Tín dụng ngành nông lâm, thủy sản giảm 0,29% so với cuối năm 2022. Tín dụng ngành khai khoáng giảm 5,54%, chiếm tỷ trọng 1,57% đối với dư nợ tín dụng, ngành bán buôn, bán lẻ; sửa chữa mô tô, ô tô, xe máy và xe có động cơ khác giảm 1,09%, chiếm tỷ trọng 41,81%. Tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên có sự sụt giảm, trong đó dư nợ phát triển nông nghiệp, nông thôn giảm 10,23%, DNNVV giảm 6,28%. Tuy nhiên, một số ngành, lĩnh vực tăng trưởng cao như ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,55%, hoạt động kinh doanh BĐS tăng 14,45%, dịch vụ lưu trú ăn uống tăng 14,31%. Dư nợ tín dụng đối với doanh nghiệp FDI tăng 30,98%, doanh nghiệp nhà nước tăng 7,36%. |