Lạm phát và suy thoái vẫn là vấn đề bất lợi đối với Tổng thống Joe Biden trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 tới.
Thị trường cổ phiếu Mỹ ghi nhận thêm một phiên giảm mạnh đầu tuần mới, với chỉ số công nghệ Nasdaq Composite lùi xuống mức thấp nhất trong 2 năm rưỡi. Nhóm cổ phiếu công nghệ tiếp tục bị bán tháo do giới đầu tư lo ngại lãi suất cao sẽ khiến các doanh nghiệp trong ngành lao đao.
Nhóm cổ phiếu công nghệ cũng bị ảnh hưởng sau khi Mỹ công bố các biện pháp hạn chế nhằm vào ngành công nghiệp chip của Trung Quốc.
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là lãi suất tại Mỹ tiếp tục gia tăng.
Theo tín hiệu thị trường, trong cuộc họp tháng 11 tới Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất thêm 75 điểm phần trăm lên 4%/năm. Sau đó, Fed sẽ tăng lãi suất ở mức chậm hơn và mục tiêu sẽ là 4,5-4,6%/năm trong năm 2023.
Tuy nhiên, nhiều dự báo đưa ra gần đây cho rằng, lãi suất Mỹ sẽ khó đảo chiều giảm nhanh mà sẽ giảm từ từ, bắt đầu từ 2024 do lạm phát được dự báo còn ở mức cao kéo dài. Giá cả hàng hóa gần đây tiếp tục gia tăng cho dù chỉ số lạm phát chung đã hạ từ mức 9,1% trong tháng 6 xuống 8,3% (so với cùng kỳ) trong tháng 8.
Sau khi tăng lãi suất, Mỹ được dự báo sẽ tăng tốc rút tiền về thông qua việc giảm mua trái phiếu chính phủ.
Với tình trạng lãi suất cao và thanh khoản trên thị trường giảm, nhiều khả năng các doanh nghiệp Mỹ sẽ ghi nhận lợi nhuận tụt giảm.
Các thị trường cổ phiếu và thị trường hàng hóa sẽ chứng kiến áp lực bán lớn, nhất là khi nền kinh tế số 1 thế giới rơi vào suy thoái. Thị trường nhà đất cũng sẽ chững lại hoặc quay đầu giảm.
Thanh khoản thấp sẽ kéo thị trường chứng khoán đi xuống.
Một số dự báo gần đây cho rằng, thị trường cổ phiếu Mỹ sẽ giảm thêm khoảng 20% và nền kinh tế Mỹ sẽ suy thoái trong nửa năm cho tới 3 quý.
Gần đây, đã có những tín hiệu phản ánh triển vọng tiêu cực của nền kinh tế Mỹ nói riêng và thế giới nói chung. Giá dầu vài tháng qua giảm. Trong phiên 11/10 giá dầu quay đầu giảm sau khi hồi phục được vài phiên sau khi OPEC+ có quyết định cắt giảm sản lượng bớt 2 triệu thùng/ngày.
Nền kinh tế Mỹ có thể giảm tốc nhanh hơn trong thời gian tới khi mà, theo Phó chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Lael Brainard, các chính sách tiền tệ của Mỹ đã bắt đầu được cảm nhận. Việc Fed tăng lãi suất sẽ phải mất vài tháng nữa mới được thể hiện rõ ràng.
Dù vậy, các quan chức Fed vẫn ủng hộ nỗ lực chống lạm phát của ngân hàng trung ương, cho dù việc kéo lạm phát xuống đồng nghĩa với việc kìm hãm nền kinh tế.
Tính từ đầu năm, chỉ số công nghệ Nasdaq của mỹ đã giảm hơn 32%, trong khi đó, chỉ số tầm rộng S&P 500 mất hơn 24%.
Chứng khoán thế giới cũng giảm phiên thứ 4 liên tiếp.