Ngân hàng Quốc dân (NCB) mới đây đã cập nhật biểu lãi suất huy động mới. Với khoản tiền gửi chưa tới 1 tỷ đồng, nhà băng này trả mức lãi suất tiền gửi lên tới 10,35%/năm, cho khoản tiền gửi trực tuyến, kỳ hạn 12 tháng. Khách hàng gửi 6 tháng theo hình thức online cũng hưởng lãi suất lên tới 10%/năm.
Một số ngân hàng khác như GPBank, Nam A Bank… cũng trả mức lãi suất 10%/năm cho khoản tiền gửi dưới 1 tỷ đồng, kỳ hạn 12 tháng. Một số ngân hàng yêu cầu khách hàng đáp ứng đủ điều kiện về số dư tối thiểu hay phải là khách hàng hạng vàng…
Các nhà băng có các chương trình ưu đãi với lãi suất cao hơn nhiều biểu niêm yết chính thức, ngay cả với những khoản tiền gửi giá trị không lớn.
*Lãi suất tiền gửi tại một số nhà băng (đơn vị: %/năm)
Ngân hàng | 6 tháng (tại quầy) | 6 tháng (online) | 12 tháng (tại quầy) | 12 tháng (online) |
NCB | 8,6 | 10 | 9 | 10,35 |
MSB | 6,5 | 9 | 7 | 9,8 |
SCB | 6,9 | 9,4 | 9,2 | 9,7 |
Kienlongbank | 7 | 9,1 | 7,5 | 9,5 |
BaoVietBank | 8,8 | 9,1 | 9,4 | 9,5 |
PGBank | 9,1 | 9,1 | 9,5 | 9,5 |
GPBank | 8,3 | 9,3 | 8,5 | 9,5 |
OCB | 8,2 | 9 | 8,9 | 9,3 |
VPBank | 8,7 | 8,8 | 9,1 | 9,2 |
Cuộc đua lãi suất huy động ngày càng "nóng" hơn khi các ngân hàng cập nhật biểu lãi suất huy động tiền gửi tăng theo từng ngày. Lãi suất gửi 12 tháng bình quân hiện ở mức 9,5%/năm, tăng khoảng 0,6 điểm % so với đầu tháng.
Còn với kỳ hạn 6 tháng, nhiều nhà băng đã nâng mức lãi suất kỳ hạn này lên trên 9%/năm. Nếu tính từ mức 8%/năm trở lên, thị trường có hơn 20 nhà băng đưa ra mức lãi suất này.
Còn với kỳ hạn dưới 6 tháng, phần lớn ngân hàng đang trả mức kịch trần 6%/năm, ngoại trừ một số cái tên như Agribank, BIDV, Vietcombank, BacABank, CBBank.
Lãi suất huy động tăng mạnh gần đây trong bối cảnh thanh khoản của hệ thống ngân hàng kém dồi dào. Theo số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết tháng 10, tín dụng toàn hệ thống tăng trưởng 11,5% nhưng nguồn tiền đầu vào chỉ tăng 4,3%.
Tình trạng này được một số chuyên gia lý giải một phần do vòng quay tiền mặt tại các khách hàng doanh nghiệp giảm đi đáng kể. Trong đó, tình trạng trì trệ của thị trường bất động sản đã khiến một phần tín dụng bị "kẹt".
Việc các ngân hàng đang cần vốn "đua" trả lãi suất cao hơn cho người gửi tiền những tháng cuối năm để cạnh tranh, cũng đồng nghĩa làm tăng chi phí đầu vào. Điều này khiến lãi suất đầu ra - tức lãi suất cho vay tăng theo.
Ước tính, biểu lãi suất cơ sở tăng 0,5-1,2%/năm trong một tháng trở lại đây, cộng với biên độ khoảng 3-4,5%, khiến lãi suất cho vay tại các ngân hàng hiện vượt mức 13%/năm, thậm chí tại một số đơn vị lên tới 15%/năm.
Thị trường đang bước vào thời điểm cận kề tháng cuối năm - giai đoạn cao điểm với nhu cầu thanh khoản tăng mạnh trong nền kinh tế. Nhiều chuyên gia đến từ các công ty chứng khoán cùng dự báo vẫn còn một đợt tăng lãi suất nữa trước khi bước sang năm mới khi nhu cầu vốn vay giai đoạn cuối năm thường cao, đặc biệt là dịp cận Tết.
(Theo Dân Trí)