Cuối 2021, lan đột biến rớt giá thảm, từ những vườn lan trị giá trăm tỷ, chục tỷ đồng giờ chỉ để ngắm chơi, bán giá rẻ gấp 200 lần cũng không ai mua. Cứ ngỡ như vậy là cơn sốt lan đột biến sẽ qua đi, không còn ai sập bẫy lừa nữa.
Thế nhưng, mới đây, lại có thêm nạn nhân mất tiền tỷ vì bị sập bẫy lừa đảo. Anh Nguyễn Văn B. (Sơn La) cho biết anh bỏ ra khoảng gần 2 tỷ đồng để mua lan đột biến, nhưng đến cả năm sau mới phát hiện ra mình đã bị lừa mua phải hàng dởm.
Theo anh B., từ khi lan đột biến còn đang “sốt”, anh đã tìm hiểu và làm quen với một người tên Dũng, có vườn lan ở Hà Đông, Hà Nội. Sau nhiều ngày trao đổi qua lại, cảm thấy có thể tin tưởng được nên anh B. quyết định mua của Dũng một cây "Phi điệp Hồng á hậu" với giá 460 triệu đồng.
Lúc đó Dũng viện nhiều lý do cho việc không giao dịch được ở Hà Nội nên hai bên hẹn nhau giao dịch tại Mộc Châu (Sơn La), Dũng mang cây đến tận nơi, hẹn gặp anh B. để giao dịch.
“Khi tìm hiểu để mua cây, người rao bán gửi cho tôi xem không chỉ ảnh chụp mà còn có cả những đoạn video cận cảnh của cây, hoa và cuống hoa. Nếu chỉ xem ảnh, video và thậm chí là xem tận mắt ở ngoài thật cũng không thể phát hiện ra đó là cây giả được ghép hoa lan đột biến”, anh B. nói.
Giao dịch cây lan đột biến “Hồng á hậu” (ghép hoa) giữa anh B. và Dũng diễn ra vào 9/6/2021. Từ đầu đến cuối, cuộc giao dịch được ghi hình làm bằng chứng, căn cứ để bên bán bảo hành nếu sau này ra sai hoa.
Khi đã có được niềm tin của anh B., Dũng tiếp tục gọi điện cho anh B., chào bán nhiều cây lan đột biến khác có giá từ vài chục đến vài trăm triệu đồng. Vì đam mê, anh B. lại tiếp tục mua cây của Dũng thêm nhiều lần.
Lần thứ hai, anh B. mua một cây “Hồng á hậu” với giá 350 triệu đồng. Vẫn bằng thủ đoạn cũ là chụp ảnh, quay video cận cảnh cây lan, hoa và cuống hoa (đã được ghép rất tinh vi, bằng mắt thường cũng khó lòng phát hiện).
Không chỉ dừng lại ở đó, Dũng tiếp tục bán nhiều cây lan đột biến sai cây, nhiều kie mầm lan đột biến không đúng khác cho anh B. với đủ mức giá từ vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng.
“Đối với những kie con (mầm tách ra từ cây mẹ), Dũng liên kết với một chủ vườn khác ở Hòa Bình, hai bên phối hợp cho tôi xem ảnh, video, đảm bảo rằng kie mầm được tách ra từ cây mẹ chuẩn “Hồng á hậu” để chứng minh nguồn gốc của cây”, anh B. kể.
8 tháng sau, đến cuối tháng 2/2022, khi hoa của những cây lan mà anh B. mua nở cũng là lúc người đàn ông này phát hiện ra nhiều cây lan đột biến đã mua của Dũng ra hoa không đúng (khác với những bảo đảm lúc mua bán cây diễn ra). Lúc này, anh B. đã trót mua hàng chục cây lan đột biến, kie mầm lan đột biến của Dũng.
"Tôi mua cây của Dũng với tổng số tiền khoảng 1,2 tỷ đồng. Ngoài ra còn trao đổi với nhau nữa, tính giá tổng giá trị cũng khoảng trên dưới 1,7 tỷ đồng", anh B. kể.
Khi phát hiện ra bị sai cây, anh B. đã liên hệ với Dũng, yêu cầu được bảo hành vì mỗi lần mua bán cả hai bên đều quay lại video làm chứng. Lúc đầu, Dũng hứa sẽ đền bù đúng như thỏa thuận. Nhưng chỉ ngay sau đó, Dũng đã "sủi tăm" không dấu vết.
“Lúc đầu khi nghe máy, họ vẫn hứa là sẽ đền bù đúng như bảo hành. Nhưng sau đó không lâu tôi gọi lại thì không được nữa, tài khoản mạng xã hội cũng khóa hết”, anh B. cho biết.
Sau khi đích thân xuống Hà Nội để tìm hiểu, anh B. phát hiện ra không có vườn lan nào của Dũng ở Hà Đông, Hà Nội như Dũng kể.
Với sự giúp đỡ của bạn bè, anh B. cuối cùng đã tìm được Dũng ở Hòa Bình để đối chất. Mặc dù Dũng đã thừa nhận việc bán sai cây cho anh B. nhưng cũng trình bày rằng không có đủ khả năng để đền bù số tiền theo thỏa thuận.
Quá bức xúc, anh B. đã làm đơn gửi các cơ quan chức năng để đòi lại số tiền đã mất dù biết không hề dễ dàng.
"Phía các cơ quan chức năng đã tiếp nhận đơn thư của tôi và cho biết vụ việc của tôi có dấu hiệu của sự lừa đảo nhưng rất khó xác định vì hiện tại, chưa có căn cứ nào để xác định giá trị thực của lan đột biến. Các giao dịch dù có được ghi hình lại thì cũng chỉ là hai bên tự thỏa thuận với nhau, không có giá trị pháp lý", anh buồn bã nói.
"Tôi đã sai lầm, đổ hết tiền bạc vào lan đột biến mà không có đủ kiến thức để xác định đâu là cây thật, cây giả. Bây giờ tiền mất tật mang, dù có tìm được kẻ bán sai cây thì cũng rất khó lấy lại những gì đã mất. Mọi người nếu có đam mê cây cảnh, đặc biệt là lan đột biến hãy tỉnh táo. Đừng quá tin vào những hứa hẹn trên mạng để tránh xảy ra sự việc đáng tiếc, cũng đừng quá mê muội vào giá trị của lan đột biến".
* Tên nhân vật đã được thay đổi
(Theo VTC News)