Với những tài xế, việc lái xe trong điều kiện mưa to gió lớn chưa bao giờ là điều dễ dàng do nước mưa cản trở tầm quan sát xung quanh.

Thông thường, mọi người sẽ giảm tốc độ nhưng có nhiều trường hợp, tài xế còn bật thêm cả đèn cảnh báo nguy hiểm (đèn hazard) với suy nghĩ để những người khác có thể nhìn thấy xe mình dễ dàng hơn.


Ô tô bật đèn khẩn cấp khi trời mưa lớn ở Hà Nội. Nguồn video: Ky Nhong Bùi

Tuy nhiên, bật đèn cảnh báo nguy hiểm khi lái xe trời mưa có thể là hành vi vi phạm luật giao thông tại Mỹ. Ở một số tiểu bang như Florida và Alaska, việc sử dụng đèn cảnh báo như vậy là không được phép.

Còn ở bang Arizona, việc sử dụng đèn cảnh báo nguy hiểm chỉ được sử dụng trong trường hợp khẩn cấp. Ở Delaware và California, tài xế chỉ có thể sử dụng đèn cảnh báo để báo hiệu các tình huống giao thông nguy hiểm. 

Nếu tài xế sử dụng đèn báo nguy hiểm ở những tiểu bang không được phép, họ có thể bị phạt tới 100 USD (hơn 2,5 triệu đồng) hoặc hơn.

Theo các chuyên gia ô tô, sử dụng những đèn này khi đang di chuyển trong điều kiện mưa gió hạn chế tầm nhìn có thể gây mất tập trung và đánh lừa người lái xe. Những người lái xe phía sau có thể nghĩ rằng những xe phía trước bật đèn khẩn cấp có thể dừng lại hoặc không di chuyển.

Vì thế, những người lái xe phía sau sẽ khó nhận biết là xe phía trước có đang phanh hay không. Điều này dẫn tới làm chậm tốc độ giao thông và làm tăng nguy cơ va chạm từ phía sau.

bật đèn hazard.jpg
Bật đèn cảnh báo nguy hiểm được cho là hành vi phạm pháp tại một số quốc gia. Ảnh: Carandbike

Ngoài ra, việc bật đèn cảnh báo nguy hiểm sẽ dẫn tới xe tắt cơ chế hoạt động của đèn xi-nhan. Do đó, khi chuyển làn hoặc có ý định rẽ sang một hướng khác, những chiếc xe đi phía sau sẽ không thể nhận biết được tình huống do tầm nhìn kém.

Hơn nữa, việc chuyển làn mà không xi-nhan có thể dẫn tới việc bị phạt do vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ. Nếu gây ra tai nạn, tài xế thậm chí có thể bị phạt tù theo pháp luật của một số tiểu bảng.

Khi nào sử dụng đèn cảnh báo nguy hiểm?

Theo Công ước Viên 1968 về “Quy tắc sử dụng đèn”, đèn cảnh báo nguy hiểm chỉ được sử dụng trong các trường hợp sau:

- Xe bị chết máy trên đường.

- Xe bị hỏng máy, bị vấn đề về lốp.

- Thông báo cho những người tham gia giao thông khác biết nguy cơ xảy ra nguy hiểm như một vụ tai nạn trên đường.

- Chạy xe theo đoàn và di chuyển với tốc độ chậm.

f373c1ea f60a 41ac a7a9 285a1f907312 ESS_11.jpg
Đèn cảnh báo nguy hiểm chỉ được dùng trong một số trường hợp nhất định. Ảnh: Freep

Tuy nhiên, Công ước Viên không đề cập bất cứ điều gì về việc sử dụng đèn báo nguy hiểm khi lái xe trong mưa. Thực tế, nhiều quốc gia đã phê chuẩn Công ước Viên năm 1968 về giao thông đường bộ, trong đó có Việt Nam.

Nhưng hiện tại, Việt Nam vẫn chưa có quy định pháp luật về việc sử dụng đèn cảnh báo khẩn cấp. Trong khi nhà sản xuất ô tô và các chuyên gia về lái xe an toàn cũng mới chỉ dừng lại ở việc đưa ra khuyến cáo "không nên" đối với hành vi này.

Lái xe nên làm gì trong điều kiện tầm nhìn kém?

W-lai xe troi mua.jpg
Mưa to khiến cho tầm nhìn phía trước bị hạn chế khi lái xe. Ảnh: Ngô Minh

Nếu điều kiện mưa to đến mức ai có cần phải sử dụng đến đèn cảnh báo nguy hiểm thì có lẽ việc lái xe đã không còn an toàn. Theo nhà sản xuất ô tô và các chuyên gia lái xe an toàn, thay vì sử dụng đèn cảnh báo nguy hiểm, tài xế có thể làm những điều sau khi lái xe trời mưa:

- Bật cần gạt mưa và đèn chiếu sáng ở chế độ cốt (cos- đèn chiếu gần).

- Giảm tốc độ xe.

- Duy trì khoảng cách an toàn với xe phía trước.

- Không bật chế độ pha (đèn chiếu xa) vì điều này làm hạn chế tầm nhìn của xe đang chạy ngược chiều.

- Giảm âm lượng để cảm nhận rõ hơn về môi trường xung quanh.

Tổng hợp

Bạn có góc nhìn (hoặc có trải nghiệm) nào về vấn đề trên? Hãy để lại bình luận bên dưới hoặc chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!