Hassan Ahmed, 23 tuổi, dự định thu phí 450 USD/khách đến dự đám cưới của anh vào năm tới tại Houston. Ahmed cho biết anh chưa nhận được nhiều phản hồi từ 125 khách mời. Nhưng anh đã chi hơn 100.000 USD cho đám cưới này, bao gồm cả tiền đặt cọc địa điểm, DJ và nhiếp ảnh gia.
Theo một nghiên cứu của trang web chuyên về tổ chức tiệc cưới The Knot, chi phí trung bình cho một đám cưới vào năm 2023 là 35.000 USD - tăng 5.000 USD so với năm 2022. Kết quả này được đúc rút từ khảo sát của The Knot với khoảng 10.000 cặp đôi đã kết hôn tại Mỹ vào năm 2023.
Tuy nhiên, việc bán vé cho khách mời tham dự đám cưới thường khiến người ta khó chịu. Nhiều người thẳng thắn bày tỏ quan điểm rằng, việc cặp đôi đẩy gánh nặng tài chính cho khách mời là hành động không hay. Thay vào đó, họ còn có nhiều cách để tiết kiệm chi phí hơn cho đám cưới.
Matthew Shaw, người sáng lập Sauveur, một công ty tổ chức đám cưới tại London (Anh) cho biết việc bán vé dự đám cưới sẽ "tạo ra một mối quan hệ kỳ lạ giữa bạn và khách mời, biến khách mời trở thành khách hàng".
Ông nói thêm, "bạn không còn là người tổ chức nữa, mà bạn đang cung cấp cho họ một trải nghiệm trả phí. Điều này tạo ra một câu chuyện rất khác về những gì khách mời mong đợi".
Mặc dù chi phí tổ chức đám cưới đang tăng lên nhưng ông Shaw cho rằng, các cặp đôi có thể tổ chức những đám cưới đơn giản hơn, ấm cúng hơn, ít khách mời hơn thay vì làm một đám cưới lớn.
Thu phí đã đành nhưng mức thu lại càng ngày càng đắt đỏ hơn. Theo một khảo sát vào năm 2023 của The Knot với 1.000 người tham dự, chi phí trung bình để tham dự một đám cưới là 580 USD. Con số này tăng 120 USD so với năm 2021.
Nova Styles và Reemo Styles, những người đã kết hôn tại nhà thờ St. Patrick ở New York vào tháng 6/2023, đã bán vé khách mời là 333 USD và họ đã bán hết vé.
Cặp đôi sống ở Upper East Side cho biết, họ không thu tiền khách mời để trang trải chi phí cho đám cưới vốn lên tới hơn 70.000 USD, mà họ làm việc đó để thu hẹp danh sách khách mời xuống.
Cặp đôi đã thuê một chiếc xe buýt 2 tầng đưa khách đến các địa danh quan trọng của New York - nơi gắn liền với câu chuyện tình yêu của họ. Điểm dừng chân đầu tiên là nhà thờ, nơi các lễ nghi diễn ra.
Các điểm dừng chân khác bao gồm Hudson Yards, nơi Reemo cầu hôn với bạn gái. Tiếp theo là rạp chiếu phim, nơi các khách mời được xem video về hành trình gắn bó của cặp đôi. Điểm dừng chân cuối cùng là tiệc chiêu đãi, được tổ chức tại một không gian sự kiện riêng tư trên tầng 102 của đài quan sát One World.
Ban đầu, danh sách khách mời gồm 350 người, nhưng xe buýt chỉ đủ chỗ cho 60 người. "Thật căng thẳng" - Reemo Styles cho biết. "Chúng tôi phải tìm cách để họ chọn chúng tôi, vì chúng tôi không thể chọn họ".
Nova Styles nói thêm: "Chúng tôi muốn mời những người thực sự muốn tham dự". Và họ cảm thấy việc bán vé cho đám cưới là cách tốt nhất để thực hiện điều đó.
Lola Marie, 41 tuổi - người bạn thân của cặp đôi đã mua chiếc vé với giá 333 USD – ban đầu rất bối rối khi nhận được lời mời. "Tôi thực sự do dự", Marie cho biết. "Tôi đã bị sốc. Trả tiền để dự đám cưới ư? Tôi chưa bao giờ nghe thấy điều gì như vậy. Nghe có vẻ điên rồ. Các bạn nghĩ các bạn là ai?".
Marie quyết định gọi cho cặp đôi và sau khi nghe họ giải thích lý do bán vé cho đám cưới của mình, cô đã hiểu. Cô quyết định trả tiền ngay sau cuộc gọi. “Nó thực sự giá trị hơn 333 USD”, Marie nói. Cô cũng biết rằng, hai người bạn của mình không có ý định kiếm tiền từ các khách mời.
Thậm chí, Marie sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho bữa tối với bít tết và tôm hùm trên đỉnh của trung tâm thương mại One World với tầm nhìn tuyệt đẹp ra thành phố và màn trình diễn bất ngờ của nghệ sĩ nhạc rap Fabolous.
Jamie Wolfer, người sáng lập Wolfer & Co. - một công ty tổ chức đám cưới tại Waco, Texas - cho biết, mặc dù bà hiểu rằng mỗi cặp đôi đều có hoàn cảnh riêng, nhưng nhìn chung, việc thu tiền vé của khách mời “thực sự giống như một hành vi xã giao sai trái” và nó có thể dẫn đến xung đột giữa các cặp đôi và khách của họ.