Mục tiêu cụ thể được đưa ra trong phát triển kinh tế số, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn là ít nhất 70% xã có các hợp tác xã, 70% cấp huyện có các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực và 50% các mô hình liên kết gắn với vùng nguyên liệu có ứng dụng công nghệ số. Mục tiêu về xã hội số trong xây dựng NTM là có ít nhất 40% đơn vị (cấp xã, huyện) cung cấp ít nhất một dịch vụ thiết yếu (y tế, giáo dục, giám sát cộng đồng, an ninh trật tự, môi trường, văn hóa) và tổ chức lấy ý kiến phản hồi về sự hài lòng của người dân/cộng đồng về kết quả xây dựng NTM thông qua ứng dụng trực tuyến.
Chia sẻ về kết quả triển khai thực các chỉ tiêu nhiệm vụ thời gian qua, Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Lâm Đồng cho biết: Số xã đạt chuẩn chỉ tiêu 8.4 về Thông tin và Truyền thông đến nay có 48/111 xã, đạt 43,2%; số xã đạt chuẩn chỉ tiêu số 15.2 về Hành chính công theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao đến nay có 50/111 xã, đạt 45,4%. Hiện Lâm Đồng đã có kế hoạch thực hiện mô hình thí điểm xã NTM thông minh tại các xã Xuân Thọ thành phố Đà Lạt; Đạ R sal, Rô Men huyện Đam Rông; Gia Viễn, Đức Phổ huyện Cát Tiên; Lạc Lâm huyện Đơn Dương (huyện NTM nâng cao); Mỹ Đức huyện Đạ Tẻh (huyện NTM nâng cao)…
Báo cáo của Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Lâm Đồng cho biết, nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 của tỉnh là tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số trong xây dựng NTM, đa dạng hóa các hình thức truyền thông trên nền tảng công nghệ số như cổng thông tin điện tử, mạng xã hội, bản tin, chuyên đề, tài liệu. Bên cạnh đó là thúc đẩy kinh tế số trong phát triển kinh tế nông thôn bằng các hoạt động cụ thể như ứng dụng công nghệ số trong phát triển kinh tế nông thôn theo hướng kinh tế tuần hoàn và kinh tế số; thực hiện số hóa, xây dựng bản đồ số nông nghiệp nông thôn, cơ sở dữ liệu đồng bộ, thực hiện quản lý mã số vùng nguyên liệu, truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm nông nghiệp, nông thôn; ứng dụng trực tuyến, công nghệ thực tế ảo, thực tế ảo tăng cường trong công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, thương mại điện tử cho các sản phẩm nông nghiệp, nông thôn.
Tỉnh cũng xây dựng thí điểm các mô hình thúc đẩy phát triển kinh tế ở khu vực nông thôn, gồm: áp dụng chuyển đổi số về quản trị trong tổ chức sản xuất, quản lý vùng nguyên liệu, theo dõi, giám sát môi trường, kiểm soát chất lượng, truy xuất nguồn
gốc, quảng bá và thương mại sản phẩm nông sản chủ lực tại các kiểu mẫu về sản
xuất nông nghiệp.
Nội dung phát triển xã hội số trong xây dựng NTM, tỉnh ứng dụng công nghệ số trong hoạt động lấy ý kiến sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, hỗ trợ các tổ chức và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ số đầu tư, phát triển và cung cấp dịch vụ trực tuyến về y tế, giáo dục, văn hóa, xã hội, môi trường nông thôn ở các địa phương; tuyên truyền, hướng dẫn và khuyến khích người dân sử dụng các dịch vụ số và kỹ năng an toàn, trọng tâm là dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ y tế số, giáo dục số, sử dụng các mạng xã hội, mua bán trực tuyến, thanh toán điện tử và khai thác tiện ích, tài nguyên số trên Internet.
Đặc biệt, tỉnh xây dựng thí điểm các mô hình thúc đẩy phát triển xã hội số, nâng cao năng lực tiếp cận thông tin liên thông của người dân, cộng đồng gắn với công tác quản lý nhà nước của chính quyền cơ sở và dịch vụ công trực tuyến; các hoạt động quản lý cộng đồng, gồm: an ninh trật tự, môi trường, dịch vụ du lịch; các dịch vụ trực tuyến phục vụ đời sống người dân, gồm: văn hóa, giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe.
Để hoàn thành các nhiệm vụ đặt ra, tỉnh Lâm Đồng đã đề ra các giải pháp cụ thể như tiếp tục tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức và năng lực về chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý, theo dõi, giám sát, thẩm định, công nhận địa phương đạt chuẩn NTM; hoàn thiện cơ chế, chính sách và các hướng dẫn liên quan đến chuyển đổi số trong xây dựng NTM; huy động nguồn lực, vận động hỗ trợ chuyển đổi số trong xây dựng NTM…
Huệ Anh