Chiều 11/3, UBND TP.HCM tổ chức hội thảo khoa học lấy ý kiến góp ý từ các chuyên gia cho Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3.
Góp ý tại hội thảo, Tiến sĩ (TS) Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn của Chính phủ cho biết, hiện nay, cái nghẽn lớn nhất mà TP.HCM và các tỉnh thành vùng trọng điểm kinh tế phía Nam là chưa phát triển hạ tầng giao thông và kết nối hạ tầng giao thông liên vùng.
Đối với đường Vành đai 3, đây là vành đai cao tốc liên vùng, điểm đầu của các tuyến cao tốc hướng tâm: TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, TP.HCM - Mộc Bài, TP.HCM - Trung Lương.
Hoàn thành dự án này là điều kiện cần để đầu tư các tuyến cao tốc hướng tâm, hình thành hoàn chỉnh hệ thống mạng lưới cao tốc kết nối TP.HCM với các tỉnh, giảm ùn tắc giao thông khu vực.
Tiến sĩ Trần Du Lịch |
"Việc kết nối chậm ngày nào là thiệt hại sẽ không tính hết. Thành ra vấn đề hiện nay đặt ra không phải là vấn đề cần thiết nữa mà là cấp thiết đầu tư. Dự án này còn là cơ hội để tận dụng làm sao cho vùng này phát triển xứng đáng với tiềm năng của nó"- ông Lịch nhấn mạnh.
Tiến sĩ Trần Du Lịch cho biết, khi nghiên cứu sâu vào vùng này, ông hình dung cả vùng sẽ hình thành một vành đai công nghiệp trải dài từ Long An qua một phần Tây Ninh, TP.HCM đi về Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu.
"Tôi gọi nó là vành đai công nghiệp của vùng này. Từ vành đai này sẽ hình thành một trung tâm công nghiệp không chỉ của vùng, của Việt Nam mà còn là của khu vực và gắn với cụm cảng Cái Mép-Thị Vải, Cát Lái, Hiệp Phước hướng ra biển.
Dù nhận thấy từ lâu nhưng để nó phát triển được thì phải làm hạ tầng kết nối. Các nhà hoạch định chiến lược đã vẽ ra cung đường vành đai 3, 4 nhưng đang nằm trên giấy. Vì thế, vành đai công nghiệp đang phát triển một cách tự phát, kể cả hệ thống các cảng ICD nằm trên vành đai này cũng chậm phát triển"- TS Trần Du Lịch nhấn mạnh.
Tiến sĩ Trần Đình Thiên |
Đồng quan điểm, TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, Vành đai 3 hiện nay đặt ra tính hiện thực rất cấp thiết.
“Điều thần kỳ sẽ xảy ra khi dự án hoàn thành. Chỉ cần đặt ra là thấy tính hiện thực không thể bàn cãi. Sự phát triển kinh tế của TP.HCM cao đến mức nào thì đất nước cao đến mức ấy. Nên then chốt là phải phát triển là giao thông, hạ tầng. Không có giao thông thì chả đi đâu được, không có gì cả"- ông Thiên nhấn mạnh.
Ông Thiên cũng dẫn chứng, trước đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh chính (khi làm Bí thư Quảng Ninh) và Phó Thủ tướng Lê Văn Thành (khi làm Bí thư Hải Phòng) đã từng đưa Quảng Ninh và Hải Phòng bứt lên với việc chú trọng phát triển giao thông. Quảng Ninh kết nối hạ tầng với Hải Phòng chính là sự sáng tạo làm Vân Đồn bật lên.
Do đó, ông khuyên các địa phương khu vực vùng trọng điểm phía Nam cần mạnh dạn đề xuất các cơ chế phát triển hạ tầng giao thông với Chính phủ.
"Thần tốc" để tháng 5/2022 trình Quốc hội quyết chủ trương
Do dự án phức tạp, đi qua nhiều địa phương, để đảm bảo việc triển khai công tác giải phóng mặt bằng và thi công, UBND TP.HCM kiến nghị Quốc hội cho phép phân chia dự án thành 8 dự án thành phần, trong đó mỗi địa phương phụ trách 2 dự án thành phần (một về bồi thường, hỗ trợ tái định cư và một về xây dựng). Trình tự, thủ tục thực hiện các dự án thành phần tương tự dự án nhóm A do Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố quyết định.
Đồng thời, UBND TP.HCM cũng kiến nghị giao thành phố là cơ quan điều phối chung trong quá trình thực hiện dự án. Kiến nghị Quốc hội giao Thủ tướng quyết định điều chỉnh cơ cấu tổng mức đầu tư của dự án và các dự án thành phần mà không vượt tổng mức đầu tư đã được Quốc hội thông qua.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại hội thảo |
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, hiện nay, kết cấu hạ tầng giao thông thành phố đã có bước phát triển mạnh; một số công trình trọng điểm đã được đầu tư đưa vào khai thác, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, hệ thống kết cấu hạ tầng nói chung và kết cấu hạ tầng giao thông, hệ thống đường vành đai TP.HCM nói riêng vẫn chưa đảm bảo tính đồng bộ, hiệu quả; chưa đáp ứng yêu cầu, tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Do đó, ngay từ những tháng cuối năm 2021, TP.HCM cùng các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An đã họp bàn thống nhất hình thức đầu tư Dự án xây dựng đường Vành đai 3.
“Với quyết tâm của các địa phương, đến nay, dự án đã hoàn thành báo cáo tiền khả thi, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, dự kiến tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội XV tháng 5/2022”, ông Mãi chia sẻ.
Ông Mãi thông tin thêm, dự án Vành đai 3 ban đầu được Thủ tướng giao Bộ GTVT, sau giao cho TP.HCM nghiên cứu theo hình thức PPP. Tuy nhiên, qua quá trình nghiên cứu, thấy hình thức này không hiệu quả nên thành phố đề nghị đầu tư bằng ngân sách và được Thủ tướng đồng ý.
Theo đó, Trung ương đầu tư 50% và 50% còn lại là từ các địa phương. Vì sao có hình thức này, theo ông Mãi, trong điều kiện vốn ngân sách hạn hẹp và đặc biệt là do kỳ trung hạn giai đoạn 2021-2025 chưa kịp bố trí đầu kỳ, nên có sự chia sẻ giữa Trung ương và địa phương.
Ông Mãi cũng khẳng định, đây là Trung ương đầu tư cho địa phương 50%, chứ không phải cho địa phương vay rồi sau đó sẽ trả lại cho Trung ương như ý kiến của một số chuyên gia.
Người đứng đầu chính quyền TP cũng cho biết, khi triển khai Vành đai 3, dự án cũng có đề xuất các phương án khai thác quỹ đất dọc tuyến vành đai, đề xuất các mô hình nhượng quyền thu phí để có thêm nguồn thu cho ngân sách, tiếp tục phát triển các công trình hạ tầng khác.
Ông Mãi cũng cho hay, sau khi trình dự án Vành đai 3 với Quốc hội, các địa phương liên quan cũng sẽ ngồi lại với nhau để chuẩn bị khởi động dự án Vành đai 4 và các tuyến cao tốc kết nối liên vùng.
Hồ Văn- Tuấn Kiệt
Đường vành đai 3 TP.HCM sẽ có 12,75km đi trên cao
Đường Vành đai 3 TP.HCM sẽ có 12,75km đi trên cao và phần còn lại đi thấp nhằm phù hợp với định hướng phát triển không gian đô thị, phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn...