Tính đến nay, tuyến Vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội đã chờ đợi hơn 10 năm kể từ khi được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch.
UBND TP Hà Nội cho hay, tuyến Vành đai 4 có vai trò liên kết vùng và kết nối giao thông đô thị nên việc đầu tư tuyến đường sẽ góp phần thúc đẩy phát triển đô thị, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, tạo nguồn lực đầu tư phát triển tương lai.
Đường Vành đai 4 được kỳ vọng sẽ giảm áp lực cho giao thông nội đô và các tuyến đường hiện hữu. Bởi hiện nay tuyến Vành đai 3 hiện đã quá tải.
Lưu lượng giao thông nội vùng lên tuyến Vành đai 3 tăng cùng với tốc độ đô thị hóa, nhà tầng mọc dày đặc hai bên đường thì việc sớm xây dựng, hoàn thành vành đai 4 là nhu cầu cấp thiết.
Khi tuyến đường Vành đai 4 được đưa vào sử dụng sẽ bảo đảm kết nối các địa phương lân cận và Hà Nội, phát triển mới và khai thác hiệu quả khoảng 6.500 ha quỹ đất phía tây của tuyến đường đang được nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch.
Việc xây dựng tuyến Vành đai 4 sẽ tạo một trục giao thông hữu hiệu để phân luồng giao thông liên tỉnh khi đi qua Hà Nội, góp phần giảm áp lực cho nội đô…
Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô có chiều dài 112,8km, trong đó qua TP Hà Nội 58,2km, tỉnh Hưng Yên 19km, tỉnh Bắc Ninh 25,6 km và tuyến nối quốc lộ 18 dài 9,7km. Quy mô hoàn chỉnh gồm 6 làn xe cao tốc và hệ thống đường song hành hai bên.
Về hình thức đầu tư, đường Vành đai 4 đầu tư theo công kết hợp phương thức PPP được chia thành 7 dự án thành phần, tách riêng GPMB và xây dựng đường song hành triển khai độc lập theo địa giới hành chính giữa các địa phương. Riêng hệ thống đường cao tốc toàn tuyến và tuyến nối 9,7 km do UBND TP Hà Nội là cơ quan có thẩm quyền.
Được biết, Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về chủ trương bố trí, cân đối vốn cho dự án. Theo đó, vốn đầu tư dự kiến 85.813 tỷ đồng. Nguồn vốn từ ngân sách TP Hà Nội dự kiến 23.524 tỷ đồng (giai đoạn 2021-2025 là 19.477 tỷ đồng; giai đoạn 2026-2030 là 4.047 tỷ đồng).
UBND TP Hà Nội cam kết đảm bảo nguồn vốn thực hiện theo tiến độ. Tiến độ và thời gian thực hiện dự án từ năm 2022 - 2027.
Không để thiếu vốn, chậm mặt bằng
Ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Phó tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, việc xây dựng tuyến Vành đai 4 là rất cần thiết nên phải bố trí vốn làm sớm. Khi triển khai dự án tránh tình trạng thiếu vốn, chậm mặt bằng kéo dài dẫn đến chậm tiến độ.
“Lẽ ra giao thông phải đi trước một bước, nhưng hiện nay ở nước ta do thiếu nguồn lực đầu tư nên “đi chậm” hơn với quy mô phát triển đô thị. Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị cũng đề ra mục tiêu đến 2027 dự án Vành đai 4 sẽ hoàn thành, thời gian không còn nhiều nên chúng ta cần phải quyết tâm làm ngay”, ông Thanh nói.
PGS.TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam lưu ý, đối với dự án Vành đai 4 cần quan tâm đến giải quyết bài toán về quy mô kỹ thuật. Các con số dự báo như về lượng xe cần phải sát với tình hình phát triển kinh tế-xã hội, nếu không làm xong đường thì đã chậm hơn so với tốc độ phát triển. Vì vậy, cần nghiên cứu kỹ hơn dự báo nhu cầu phát triển cũng như lưu lượng xe để làm cơ sở dự báo cho quy mô và phân kỳ đầu tư dự án.
Theo PGS.TS Hoàng Hà, Phó Chủ tịch Hội Cầu đường Việt Nam, về tính cần thiết đường vành đai 4 Hà Nội đều được thể hiện rõ trong quy hoạch. Vấn đề là làm thế nào để tuyến đường phát huy được năng lực tương xứng với mức đầu tư, thiết kế.
Ông Hà cho rằng, về mặt thiết kế kỹ thuật, Vành đai 4 phải kết hợp cả phương án đi cao và đi thấp, thậm chí một số đoạn có thể phải đi ngầm. Với nhu cầu phát triển của Thủ đô lớn và nhanh như hiện nay nếu không có dự báo và thiết kế phù hợp thì sẽ bị hạn chế năng lực thông xe.
“Việc xây dựng đường đi cao không phải lãng phí mà để tốc độ lưu thông nhanh và có thêm quỹ đất làm thêm đường song hành bên dưới phục vụ nhu cầu đi lại vào nội đô thuận tiện”, ông Hà nói thêm.
Ông Hà cũng lưu ý, việc thiết kế đường Vành đai 4 phải đặc biệt quan tâm đến hệ thống quy hoạch ngầm, bố trí đường cấp thoát nước phù hợp, không để xảy ra tình trạng mưa lớn là ngập như Vành đai 3, hay đại lộ Thăng Long hiện nay.
“Nguyên nhân của tình trạng ngập lụt là do do hệ thống thoát nước bị hạn chế, vượt quá quy hoạch khi hệ thống đô thị bao quanh rộng lớn. Do vậy khi làm Vành đai 4 bài học này phải được xem xét, đánh giá thật kỹ lưỡng”, ông Hà nói.
Một chuyên gia giao thông cho biết, để hoàn thành dự án Vành đai 4 theo đúng tiến độ vào năm 2027, ngoài việc bố trí đủ nguồn vốn thông qua các hình thức huy động đầu tư thì việc đảm bảo mặt bằng sạch cho dự án phải được triển khai quyết liệt, không để tình trạng dự án bị chậm do thiếu mặt bằng sạch như các dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội, đường 70… hiện nay.
‘Xây dựng đường Vành đai 4 là nhu cầu cấp thiết với người dân thủ đô, do vậy việc triển khai phải thực sự quyết liệt. Dự án đi qua nhiều địa phương, nhưng đáng lo nhất vẫn là đoạn qua Hà Nội, do vậy phải loại bỏ ngay tư duy “Hà Nội không vội được đâu” thì mới mong dự án hoàn thành đúng tiến độ”, vị chuyên gia nói.
Vũ Điệp