Nhà văn tự do sống tại thủ đô Tokyo này cho biết, anh gần đây đã lên cân do ảnh hưởng của việc hạn chế ra khỏi nhà vì dịch Covid-19, nên giờ anh rất lo khi không dư dả gì để mua quần áo cỡ lớn hơn. “Tôi không thể mua cả tủ quần áo mới, đặc biệt khi giá cả đang tăng lên, cho nên đó là lý do vì sao tôi chọn cách đi bộ để giảm cân”, Suzuki nói.
Hay với Yuuki Bando, một chủ kinh doanh ở miền Nam Nhật Bản, mối lo âu lớn nhất chính là việc giá nhiên liệu tăng không ngừng. Để cân bằng chi phí, bà đã có một quyết định sáng suốt là mua các loại rau đang vào mùa nhiều hơn, bởi chúng thường có giá rẻ hơn. “Tôi phải lái xe đi làm hàng ngày mà giá xăng đã cao đáng kể so với vài tháng trước”, bà Bando nói thêm, trong khi mức lương hơn 10 năm nay ở đa số công ty không hề thay đổi.
Khách hàng mua sắm tại một siêu thị ở Tokyo. Ảnh: Reuters |
Sau hơn hai thập kỷ lạm phát, với việc khách hàng đã quen được các doanh nghiệp giảm giá để thúc đẩy chi tiêu, người tiêu dùng Nhật Bản vừa bị sốc vì hóa đơn sinh hoạt tăng lên.
Giá cả phi mã
Tháng 9 vừa qua, giá cả ở Nhật Bản đã tăng lần đầu tiên trong 18 tháng. Một phép tính của Bloomberg phát hiện rằng lạm phát lõi của quốc gia này là gần 1,4%. Trong khi điều này là do chi phí hàng hóa cao hơn, các doanh nghiệp cũng đang yêu cầu người tiêu dùng trả nhiều hơn.
Trong số đó có nhà máy bột mì Nisshin Seifun, công ty này vừa thông báo tăng giá cũng như giải thích quyết định này bằng biểu đồ về tỷ giá đồng USD-yên và sự gia tăng chi phí vận chuyển.
Hôm 12/11, tập đoàn sản xuất thực phẩm khổng lồ Kikkoman cho biết sẽ tăng giá nước tương, một gia vị quan trọng trong ẩm thực Nhật Bản, lên tới 10% so với tháng 2. Đây là đợt tăng giá đầu tiên của Kikkoman kể từ năm 2008 do chi phí nguyên liệu thô và phí hậu cần tăng. Tập đoàn này cho biết giá sữa đậu nành sẽ tăng từ 5 đến 6%.
Một ngày trước đó, Ngân hàng Nhật Bản báo cáo giá bán buôn ở nước này đã nhảy vọt 8% trong tháng 10 so với cùng kỳ năm ngoái và là đợt tăng mạnh nhất trong hơn 40 năm, chủ yếu do giá dầu thô bị đẩy mạnh còn đồng yên suy yếu, dẫn đến chi phí nhập khẩu bị đội giá.
Giá nhiên liệu và than đá đã tăng hơn 44%, trong khi giá bán lẻ tại trạm cho khách hàng ở mức cao nhất 7 năm. Tương tự, giá gỗ tăng 57%, trong khi giá thép và sắt tăng gân 22%.
Các hộ gia đình cũng nhận thấy hóa đơn hàng ngày của mình tăng lên. Tiền điện, ga, nước đều phát sinh gần 11%. Chính phủ có kế hoạch ban bố các biện pháp để giảm sức ép lên túi tiền của người dân bằng gói kích thích kinh tế 55,7 nghìn tỷ yên.
Martin Schulz, nhà kinh tế chính sách chính tại Đơn vị tình báo thị trường toàn cầu của Fujitsu, cho biết Nhật Bản đã tránh được những đợt tăng giá thậm chí còn mạnh hơn như ở các khu vực khác trên thế giới, đặc biệt là châu Âu và Bắc Mỹ. Trong lĩnh vực năng lượng, điều đó là do các hợp đồng thường rất dài hạn mà các nhà nhập khẩu Nhật Bản có xu hướng thích ký kết hơn.
Ông Schulz nói: “Nếu lạm phát không trở thành một tình huống ngắn hạn và kéo dài hơn hai năm ở Nhật Bản, thì chúng ta sẽ dần dần chứng kiến sự gia tăng ảnh hưởng đến giá cả ở đây. Nhưng theo tôi, các vấn đề về chuỗi cung ứng sẽ được giải quyết vào năm tới, giúp giá cả giảm xuống”.
Theo nhà kinh tế này, mối quan tâm lớn hơn chính là lạm phát tổng thể.
Ông nhận xét công ty Nhật Bản đang nhập khẩu với chi phí cao hơn nhưng rất miễn cưỡng chuyển những chi phí đó sang người tiêu dùng vì tư duy giảm phát của người dân ở đây.
“Mặc dù chúng tôi đã chứng kiến sự gia tăng chi tiêu ở châu Âu và Mỹ khi đại dịch dịu đi, nhưng người tiêu dùng ở Nhật Bản vẫn còn e ngại trong việc chi tiêu. Như thể họ vẫn đang trong tình trạng khẩn cấp”, ông nói.
Nhưng nếu chi phí cao hơn không được thông qua thì một công ty có thể bị thiệt hại lớn về lợi nhuận. Và điều đó có thể khiến họ cẩn thận hơn trong việc đầu tư và làm cho sự phục hồi tổng thể trong nền kinh tế chậm hơn so với dự đoán của chính phủ.
Thay đổi thói quen
Tại tỉnh Saitama phía Bắc Tokyo, bà nội trợ Ayako Ueda chọn cách tự trồng rau trong chậu ở vườn nhà. Cô cho hay gia đình cô đang cố gắng ăn uống lành mạnh hơn và rất thích ăn rau, củ, quả. Tuy nhiên, giá mặt hàng nông sản đã tăng mạnh những tuần gầy đây.
“Tôi chưa bao giờ trồng rau, nhưng tôi đã quyết định thử trồng cà tím, tỏi tây và củ cải và tôi hy vọng sẽ được thu hoạch một vài loại”, cô Ueda nói. Hai vợ chồng cô cũng giảm bớt hoạt động đi chơi cuối tuần vì giá xăng leo thang. Cô mong gia đình mình sẽ vượt qua được giai đoạn này còn tình hình sẽ khá lên vào mùa Xuân năm sau.
Về nhà văn tự do Suzuki, anh cũng thay đổi lại lối sống. Anh hạn chế đưa vợ ra ngoài ăn uống, thậm chí là bớt mua đồ uống có cồn. “Chúng tôi đã sống với tình trạng giảm phát hoặc giá cố định quá lâu nên hầu hết mọi người không nhận ra sự khác biệt. Dù vậy, nhiều người quen của tôi đã đột nhiên thay đổi cách chi tiêu”, anh tâm sự.
Xem thêm tin quốc tế trên báo VietNamNet
Theo Baotintuc
Nhật tăng kỷ lục ngân sách quốc phòng
Chính phủ Nhật đã lên kế hoạch bổ sung hơn 700 tỷ Yên (6,1 tỷ USD), mức cao kỷ lục cho ngân sách quốc phòng trong năm tài khóa 2021.