"Tự nguyện" không thể từ chối
Với phương châm “xã hội hóa” và nguyên tắc “tự nguyện”, các khoản đóng góp bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị lớp học, hoạt động ngoại khóa… tại các trường học công lập được chuyển về từng lớp, thực hiện thông qua “Hội phụ huynh”. Mọi việc sẽ không trở thành nỗi lăn tăn của nhiều bậc cha mẹ nếu các khoản phụ thu chính đáng và phù hợp với khả năng đóng góp của các gia đình.
Tuy nhiên, không khó để tìm ra những khoản “lạm thu” gây ấm ức. Theo thông tin báo chí, đầu năm học 2020-2021, một số khoản thu tại một số trường trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, Bạc Liêu, và Bình Thuận đã bị phụ huynh phản đối công khai. Nguyên nhân trực tiếp của sự phản đối là bởi có những khoản thu cho những mục chi không thực sự cần thiết, năm nào cũng thu, hoặc sử dụng nguồn kinh phí không hiệu quả, gây lãng phí.
Những bậc cha mẹ ấm ức hoặc không đủ khả năng đóng góp bị rơi vào tình huống “tự nguyện bởi không thể từ chối”. Thực tế này là do mỗi khi họp, thường có những ý kiến mạnh mẽ ủng hộ đề xuất của giáo viên chủ nhiệm. Người ủng hộ không chỉ là những gia đình khá giả, mà còn bao gồm những cá nhân có thể được hưởng lợi gì đó từ phía nhà trường (ví dụ như con học trái tuyến, muốn cô giáo quan tâm hơn đến con mình…). Những người này không nhất thiết chiếm tỷ lệ đa số tuyệt đối hay đại diện cho nhu cầu của số đông phụ huynh nhưng lại tạo ra áp lực tâm lý cho những người còn lưỡng lự. Hệ quả là nhiều người dù không đồng tình nhưng đành im lặng, và biểu quyết cho xong trong trạng thái “tự nguyên bởi không thể từ chối”.
Lạm thu tạo ra hình ảnh méo mó của trường học công lập
Các khoản đóng góp hiếm khi là vấn đề gây bức bối với hệ thống trường học tư thục. Bởi khi cho con em học tập tại các trường tư, phụ huynh đã tìm hiểu kỹ cơ chế vận hành của nhà trường. Họ ý thức đầy đủ và sẵn sàng về mức độ đóng góp, và cơ hội con em mình được thụ hưởng sản phẩm giáo dục dựa trên cơ chế thị trường.
Sau không khí náo nức ngày khai giảng, nhiều bậc cha mẹ học sinh không khỏi lo lắng trước những cuộc họp phụ huynh đầu năm học (Ảnh có tính minh họa: Thúy Nga) |
Ngược lại, hệ thống trường phổ thông công lập được nhà nước lập ra để đáp ứng nhu cầu học tập của đa số người dân. Xu hướng chung tại các quốc gia phát triển và ở Việt Nam thời gian gần đây là các trường công lập chủ yếu đáp ứng nhu cầu giáo dục cho bộ phận dân cư có mức thu nhập thuộc nửa phía dưới trong các thang bảng thu nhập hộ gia đình.
Những khoản thu “tự nguyện bởi không thể từ chối” đã gây ra những hệ lụy không đáng có với môi trường giáo dục công lập. Đó là sự khắc sâu thêm xu hướng phân hóa xã hội về thu nhập và mức sống giữa các hộ gia đình, đẩy nhiều gia đình vào tình thế khó xử, tạo ra những cảm xúc tiêu cực về cô giáo và nhà trường trong một bộ phận phụ huynh và học sinh…
Tình trạng lạm thu cũng khiến các giá trị cốt lõi của nền giáo dục công lập như: công bằng, bình đẳng, dung nạp/bao trùm…có biểu hiện bị xâm phạm. Những suy nghĩ vị kỷ và tính toán mang màu sắc thị trường nhưng không để ý đến thực tế bất bình đẳng về thu nhập giữa các gia đình có thể từng bước bào mòn lòng tin của xã hội vào thiết chế giáo dục công lập.
Cần những Ban Giám hiệu trách nhiệm và thấu cảm
Về hình thức, sẽ không có một Ban Giám hiệu nào lại ban hành chủ trương phụ thu tự nguyện tràn lan. Tuy nhiên, các Ban Giám hiệu cũng không thể vô can nếu để xảy ra tình trạng lạm thu đến mức gây bất bình trong phụ huynh. Bởi trường học là một thiết chế công, chứ không phải nơi để các thầy/cô chủ nhiệm và Hội phụ huynh tùy ý phát động đóng góp.
Để giữ gìn hình ảnh trong sáng của các trường học, cần sớm chấm dứt các khoản phụ thu “tự nguyện bởi không thể từ chối”. Tại mỗi trường cần có các Ban Giám hiệu trách nhiệm và thấu cảm. Trước khi định phát động đóng góp khoản gì, Ban Giám hiệu cần thẩm định chặt chẽ mức thu và mục đích chi tiêu.
Cùng với đó là sự khảo sát về đặc điểm nghề nghiệp, thu nhập, và điều kiện sống của từng hộ gia đình có học sinh trong mỗi lớp. Nhận định về khả năng chi phí của các gia đình phải là cơ sở đầu tiên để đưa ra mức đóng góp, bên cạnh mục đích chi tiêu phải thực sự thiết thực và chính đáng.
Thay vì đưa thẳng các mục dóng góp ra biểu quyết tại các cuộc họp đông người, các Hội phụ huynh nên tiến hành thăm dò từng bậc cha mẹ trước khi dự định phát động đóng góp. Hình thức họp phụ huynh và biểu quyết tập thể cho các khoản thu chỉ nên tổ chức khi biết chắc rằng tuyệt đại đa số phụ huynh đồng thuận. Đây là cách làm giúp giảm áp lực đám đông lên tâm lý phụ huynh, khuyến khích họ bày tỏ trung thực nhu cầu và thái độ đối với các khoản phụ thu.
Sau khi được biểu quyết thông qua, mức đóng góp cũng không nên cứng nhắc chia đều cho các gia đình. Thay vào đó, các phương án miễn giảm cần được Hội phụ huynh đề xuất và kín đáo thực hiện với các gia đình thực sự gặp khó khăn. Đây là cách hành xử văn minh, thấu tình, và đồng cảm.
Các thầy cô giáo và phụ huynh đều chung mong muốn đem đến cho học sính điều kiện giáo dục lý tưởng. Tuy nhiên, khả năng thanh toán cho điều kiện tốt đẹp đó là không giống nhau giữa các hộ gia đình. Chính sự bất bình đẳng về điều kiện kinh tế là một cơ sở cho sự tồn tại của hệ thống trường công lập – nơi thỏa mãn nhu cầu giáo dục cho số đông với chi phí tối thiểu.
Do đe dọa phá vỡ hình ảnh tốt đẹp, làm rối loạn chức năng của hệ thống trường phổ thông công lập, các khoản đóng góp tự nguyện cần phải được kiểm soát chặt chẽ. Nói cách khác thì cần chấm dứt tình trạng “tự nguyện bởi không từ chối”. .
TS. Nguyễn Văn Đáng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh)
Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.
Dậy sóng vì tiền quỹ đầu năm, phụ huynh mong được 'tự nguyện' đúng nghĩa
Bài viết phản ánh nỗi niềm của phụ huynh trong “mùa” thu tiền tự nguyện đầu năm học mới đã tiếp tục nhận được nhiều ý kiến của bạn đọc.