Đất nước đang bước vào thời kỳ phát triển mới với yêu cầu rất cao nên hơn bao giờ hết công tác cán bộ được đặc biệt chú trọng. Việc phát hiện, quy hoạch, bồi dưỡng, nhất là bố trí sử dụng cán bộ có vai trò đặc biệt quan trọng.
LỜI TÒA SOẠN - DIỄN ĐÀN KỶ NGUYÊN MỚI
Sau khi được bầu giữ chức Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng ngày 3/8/2024, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã có những phát biểu chỉ đạo quan trọng trên các lĩnh vực.
Cụ thể, qua ba bài viết gần đây như “Quyết tâm xây dựng Đảng vững mạnh, nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” ngày 4/8; “Chuyển đổi số - Động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới” ngày 2/9 và “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, yêu cầu cấp bách của giai đoạn cách mạng mới” ngày 16/9, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thường xuyên nhắc đến các khái niệm “khởi điểm mới”, “kỷ nguyên mới”, “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đánh giá những thời cơ, thuận lợi cũng như khó khăn, thách thức về tình hình trong nước, khu vực và thế giới, Đảng ta, đứng đầu là Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định: “Đất nước đang đứng trước thời điểm lịch sử mới, kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, yêu cầu đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền để đưa dân tộc tiếp tục tiến lên đang đặt ra cấp bách”.
Đặc biệt, đây cũng là định hướng lớn đã được Hội nghị Trung ương 10 thống nhất trong các dự thảo văn kiện trình Đại hội 14 của Đảng.
Đồng hành cùng đất nước tiến vào kỷ nguyên mới, Báo VietNamNet mở diễn đàn "Kỷ nguyên mới của dân tộc", ngõ hầu mang đến các bài viết, những tiếng nói, góp ý của các nhân sĩ, trí thức, bạn đọc gần xa về con đường và cách thức vươn mình của dân tộc Việt Nam...
Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 10 vừa qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cho biết, Trung ương thống nhất xác định các nhóm vấn đề lớn để tiếp tục hoàn thiện văn kiện trình Đại hội 14 của Đảng, trong đó có nhiều nội dung đáng chú ý nhằm hiện thực hóa mục tiêu đưa đất nước bước vào “kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.
VietNamNet đã có cuộc phỏng vấn GS.TS Phùng Hữu Phú, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương (người trực tiếp tham gia Tổ biên tập Văn kiện Đại hội 14 và các Đại hội 11, 12, 13) xung quanh vấn đề này.
Chìa khóa để đất nước phát triển bứt phá
Là nhà nghiên cứu lý luận, trực tiếp tham gia xây dựng văn kiện Đại hội 14 của Đảng và nhiều Đại hội trước đó, ông thấy trong các nhóm vấn đề lớn Trung ương 10 đặt ra lần này có những điểm nào đáng chú ý?
Hội nghị Trung ương 10 là hội nghị chuẩn bị cho Đại hội 14 của Đảng, trong đó có rà soát lại quá trình chuẩn bị dự thảo các văn kiện và đã đưa ra những tư tưởng, quan điểm, định hướng lớn.
Qua nghiên cứu nội dung Hội nghị Trung ương 10, tôi thấy hội nghị lần này có sự kế thừa, cụ thể hóa và phát triển, bổ sung những tư tưởng của Đại hội 13.
Tình hình luôn luôn thay đổi đòi hỏi tư duy lý luận của Đảng, đòi hỏi đường lối, chủ trương của Đảng phải không ngừng được bổ sung, hoàn thiện.
Hội nghị Trung ương 10 có những điểm mới, điểm nhấn thể hiện ở 5 vấn đề mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã nhấn mạnh trong phát biểu bế mạc.
Thứ nhất, về định hướng phát triển, có thể nói Hội nghị Trung ương 10 đã tiến một bước. Chúng ta nhớ Đại hội 13 đưa ra ý tưởng “khát vọng phát triển đất nước phồn vinh hạnh phúc”. Hội nghị Trung ương 10 lần này tiến thêm một bước hiện thực hóa khát vọng đó.
Cho nên khi Hội nghị Trung ương bàn đến vấn đề đất nước chuẩn bị bước vào “kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” thì đó chính là hiện thực hóa “khát vọng phát triển đất nước phồn vinh hạnh phúc”.
Điểm thứ hai là hoàn thiện thể chế phát triển đất nước đồng bộ, tổng thể; bổ sung bảo vệ môi trường cùng với phát triển kinh tế, xã hội là trung tâm; bổ sung đẩy mạnh đối ngoại cùng với tăng cường quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên; nhấn mạnh phát triển văn hoá là nền tảng; giữ nguyên xây dựng Đảng là then chốt.
Điểm thứ ba là khi bàn về các đột phá chiến lược, Hội nghị Trung ương 10 tiếp tục khẳng định 3 đột phá về thể chế; nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao và đột phá về hệ thống kết cấu hạ tầng.
Vẫn là 3 đột phá chiến lược nhưng nội dung của từng đột phá chiến lược được cụ thể, phù hợp với giai đoạn mới. Trong đó đặc biệt chú ý là đột phá về nguồn lực, Trung ương nhấn rất mạnh về công tác cán bộ. Đấy là cũng là một điểm mới đáng chú ý.
Điểm thứ tư là khi bàn về 8 nhiệm vụ, giải pháp thì từng nhiệm vụ, giải pháp đều có những bổ sung, hoàn thiện nhưng đáng chú ý là nhiệm vụ giải pháp thứ 8 “đẩy mạnh công nghệ chiến lược, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, lấy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo làm động lực chính cho phát triển”.
Điều đó cho thấy Trung ương rất quan tâm phát triển các mô hình, phương thức sản xuất mới phù hợp với yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, coi đây như là chìa khóa để đẩy mạnh cuộc cách mạng chuyển đổi số, đẩy nhanh tốc độ phát triển bứt phá để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới.
Điểm thứ năm, Trung ương quan tâm đến những vấn đề mới mà chúng ta phải tiếp tục làm rõ. Trong đó có 10 vấn đề cần rà soát rất kỹ.
Một điểm nữa là hội nghị tập trung nhấn mạnh những yếu kém, khuyết điểm sắp tới cần tập trung cao độ để giải quyết.
Lâu nay chúng ta phát hiện khuyết điểm khá sớm nhưng khắc phục còn chậm để tồn đọng kéo dài và càng kéo dài thì hệ lụy càng lớn.
Vì vậy, lần này qua phân tích, đánh giá những điểm nghẽn, điểm yếu kém, khuyết điểm, Trung ương yêu cầu sắp tới phải tập trung giải quyết dứt điểm.
Tôi cho đấy là những điểm thể hiện sự kế thừa, sự phát triển những tư tưởng của Đại hội 13 và đều là những vấn đề rất trúng.
Hơn bao giờ hết công tác cán bộ được đặc biệt chú trọng
Theo ông, vì sao trong 3 đột phá chiến lược lần này, Trung ương lại nhấn mạnh đến việc “đổi mới mạnh mẽ công tác tổ chức cán bộ”, xem đó như là một nội dung trọng tâm của vấn đề phát triển nguồn nhân lực?
Nếu như Đại hội 13 nhấn mạnh đột phá về nguồn nhân lực là “phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt”, thì lần này, Trung ương yêu cầu cụ thể hóa hơn, coi công tác cán bộ như là một trọng tâm trong đột phá chiến lược.
Điều này là hoàn toàn đúng. Chúng ta biết công tác cán bộ là một trong những công tác trọng yếu của Đảng. Công tác cán bộ là nhân tố trực tiếp quyết định thành công của mọi công việc, đó là nguyên lý.
Đất nước ta đang bước vào thời kỳ phát triển mới với yêu cầu rất cao, hướng đến mục tiêu năm 2045 “trở thành nước phát triển, thu nhập cao”. Thời cơ nhiều, vận hội lớn nhưng khó khăn, thách thức cũng rất gay gắt.
Cho nên hơn bao giờ hết công tác cán bộ được đặc biệt chú trọng. Việc phát hiện, quy hoạch, bồi dưỡng, nhất là bố trí sử dụng cán bộ có vai trò đặc biệt quan trọng để hiện thực hóa các mục tiêu đề ra.
Cho nên Đại hội 13 đưa ra mô hình cán bộ “7 dám”: Dám nghĩ; dám nói; dám làm; dám chịu trách nhiệm; dám đổi mới, sáng tạo; dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung.
Nếu làm tốt công tác cán bộ thì mục tiêu bước vào kỷ nguyên mới sẽ được hiện thực hóa.
Thực tế trong thời gian qua công tác cán bộ của chúng ta có nhiều thành tựu quan trọng, nhiều bước tiến. Tuy nhiên, công tác cán bộ cũng bộc lộ những khuyết điểm, những sơ hở mà chúng ta phải kiên quyết khắc phục.
Thực tiễn cho thấy rất nhiều nơi công tác cán bộ làm đúng quy trình, tiến hành đủ các bước thế nhưng vẫn có bố trí sai cán bộ. Một số chức danh cán bộ, thậm chí cán bộ cấp cao không đáp ứng được yêu cầu. Thực tế cho thấy công tác quản lý, giáo dục cán bộ chúng ta làm chưa tốt.
Cho nên trong nhiệm kỳ Đại hội 12, 13, số cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ chủ chốt, bị xử lý kỷ luật, thậm chí bị xử lý hình sự tăng lên rất nhiều. Đây là khuyết điểm, phải kiên quyết khắc phục.
Vì vậy, Hội nghị Trung ương 10 nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác cán bộ và có thể nói đây cũng là một yêu cầu rất cao của Đại hội 14 sắp tới.
Tạo động lực, sức sống mới cho công cuộc đổi mới ở địa phương
Trong 8 vấn đề về phương hướng, giải pháp chiến lược, Trung ương có nhấn mạnh đến vấn đề đẩy mạnh phân cấp, phân quyền với phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”. Ông suy nghĩ như thế nào về vấn đề này?
Chúng ta biết xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân là trọng tâm của xây dựng hệ thống chính trị. Khi Đảng cầm quyền, Đảng lãnh đạo thông qua Nhà nước thì vai trò của Nhà nước pháp quyền lớn lắm.
Hội nghị Trung ương gần đây đã ban hành Nghị quyết số 27/2022 về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới.
Trong hoàn thiện Nhà nước pháp quyền có nhiều công việc phải làm, trong đó có một công việc mà Đại hội 13 đã đề cập nhưng chưa cụ thể hóa được, đó là phải “đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý, hiệu quả, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực bằng hệ thống pháp luật”.
Đây cũng là một nội dung đột phá về thể chế - hoàn thiện thể chế, tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát.
Hội nghị Trung ương 10 tiếp tục cụ thể hóa tinh thần ấy và đặc biệt nhấn mạnh đó là phân cấp mạnh mẽ, triệt để với phương châm “Địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.
Tôi thấy đây là lần đầu tiên, vai trò của địa phương được đề cao như vậy.
Còn Trung ương có vai trò kiến tạo, kiểm tra, giám sát. Điều đó là hoàn toàn đúng với yêu cầu thực tiễn.
Bây giờ cuộc sống rất phong phú, thực tiễn diễn ra rất sinh động, mỗi địa phương bên cạnh cái chung có rất nhiều đặc thù. Địa phương ở đồng bằng khác, vùng miền núi, trung du khác, phía Bắc khác, miền Trung khác, phía Nam khác.
Cho nên phải trao quyền chủ động, khuyến khích tính năng động, sáng tạo của địa phương. Trên hành lang pháp lý, hành lang chính trị mà Đảng, Nhà nước đã xây dựng thì cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị ở địa phương phải phát huy sức mạnh của nhân dân, sức sáng tạo của nhân dân để tìm chọn, quyết định kế sách phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
Từ đó, địa phương phải quyết tâm làm và phải dám chịu trách nhiệm. Điều này sẽ khắc phục được hạn chế lâu nay hay ỉ lại, trông chờ vào Trung ương. Còn cứ để tình trạng cái gì cũng đẩy lên Trung ương thì sẽ không tạo ra được sức sống cho địa phương.
Cho nên tư tưởng phân cấp mạnh, phân quyền mạnh của Hội nghị Trung ương 10 chính là tạo động lực, sức sống mới cho công cuộc đổi mới ở địa phương.
Địa phương mới là địa bàn triển khai, hành động thực tiễn; còn Trung ương chỉ kiến tạo đường lối, hành lang pháp luật, cơ chế chính sách. Đây là tư tưởng rất nổi bật, rất đúng đắn.
Tóm lại có thể nói Hội nghị Trung ương 10 tuy thời gian rút ngắn nhưng bàn nhiều việc, trong đó tôi rất mừng là có nhiều ý tưởng, nhiều chủ trương, nhiều quyết sách mới.
Những nội dung này thể hiện sự kế thừa nhưng có phát triển những định hướng đã có của Đảng ta trong 40 năm đổi mới, trực tiếp là những tư tưởng của Đại hội 13.
Đây là dấu hiệu rất đáng mừng. Chúng ta cần chuẩn bị rất tích cực, rất hiệu quả để tiến tới Đại hội Đảng bộ các cấp và Đại hội 14 của Đảng.
“Kỷ nguyên mới” là kỷ nguyên vươn mình mạnh mẽ để Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao, sánh vai cùng các cường quốc năm châu như di nguyện của Hồ Chí Minh để lại.
Trong các bài phát biểu gần đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thường xuyên nhắc đến các cụm từ “khởi điểm mới”, “kỷ nguyên mới”, “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh tinh gọn bộ máy, tổ chức các cơ quan của đảng, thực sự là hạt nhân trí tuệ, là “bộ tổng tham mưu”, đội tiên phong lãnh đạo cơ quan nhà nước.