Giữ gìn 36 phố phường, Những ký ức không chịu ngủ yên và Người con gái xóm Cung là ba tác phẩm lần đầu tiên được công bố của Tô Hoài.
Thêm hai cuốn sách tâm huyết về Sài Gòn xưa
Nhạc sĩ 70 tuổi ra sách về tuổi teen
Mới đây, ba cuốn sách quý gồm Giữ gìn 36 phố phường (tạp văn), Những ký ức không chịu ngủ yên (hồi ký) và Người con gái xóm Cung (truyện ngắn) đã lần đầu được công bố, bổ sung vào kho di sản văn chương giàu có của Tô Hoài.
Trong đó, “Giữ gìn 36 phố phường” là quyển sách tập hợp những bài viết của Tô Hoài về Hà Nội xưa: thực trạng về cuộc sống, con người, di tích lịch sử, nét đẹp văn hóa, nếp sống tốt đẹp… của thủ đô. “Những ký ức không chịu ngủ yên” là quyển tuyển tập hồi tưởng của Tô Hoài về những ngày đã qua, gồm 5 bài tự truyện ông viết trong những năm 1944 – 1947. Cuối cùng “Người con gái xóm cung” là tuyển tập truyện ngắn mà nhà văn viết về cuộc sống của những con người Việt Nam đang sống ở quê hương và cả những người xa xứ.
Bìa sách ba tác phẩm vừa được công bố của Tô Hoài. |
Ba tác phẩm quý này vẫn đi theo phong cách quen thuộc của Tô Hoài: không cầu kỳ câu chữ, giọng văn điềm đạm, ngân nga. Văn Tô Hoài đọc nhẹ bẫng nhưng phải ngẫm nghĩ nhiều mới tham thấu hết được. Để đạt đến tầm vóc như vậy, ngòi bút điêu luyện của ông phải qua quá trình rèn giũa lâu dài từ lúc mới bắt đầu cầm bút.
Những câu chuyện, chiêm nghiệm trong quá khứ được Tô Hoài ghi lại bay bổng như truyện cổ tích được lưu truyền trong một kết cấu vừa hư vừa thực. Bạn đọc sẽ nhận ra rằng mình thường xuyên bị “đánh bẫy” khi tác giả thực sự xóa nhòa ranh giới hư cấu, để bạn đọc tự đi tìm hình hài của sự thật giữa ngổn ngang câu chữ.
Tô Hoài là người sót lại của một thời biến động thăng trầm; đi qua những dấu mốc trong lịch sử dân tộc mà khó có ai có thể kể lại. Vượt ra ngoài phạm vi của tác phẩm văn học, sáng tác của Tô Hoài trở thành dữ liệu dù đã phủ lớp bụi thời gian mơ hồ như chuyện dã sử.
Những gì mô tả đúng nhất về bộ ba sách quý này chính là bằng tư cách một chứng nhân cho thời đại của mình, ông điềm đạm chuyện trò cùng thế hệ hôm nay câu chuyện của hôm qua. Đâu đó trong những câu chuyện là một chút hương xưa, khung cảnh thoảng qua hay thanh âm vọng về từ quá khứ mà Tô Hoài đã góp nhặt.
Cùng với thời gian, văn chương Tô Hoài cũng đứng trước những thách thức về sự tồn tại của nó. Đó là sự công bằng tất yếu trong quá trình phi huyền thoại hóa của một bậc đại thụ văn học. Và đến lúc ấy, những gì còn lại ở Tô Hoài chính là bóng hình của dĩ vãng mà ông từng sống trong đó.
Gia Bảo