Fortune Global 500 là bảng xếp hạng 500 công ty, tập đoàn hàng đầu thế giới dựa theo doanh số được tạp chí Fortune biên soạn và xuất bản hàng năm.
Đại gia bán lẻ Walmart một lần nữa đứng đầu danh sách, tiếp đó là ba công ty Trung Quốc: Sinopec, State Grid và China National Petroleum. Tuy nhiên, đáng chú ý nhất của bảng xếp hạng năm nay là Trung Quốc soán ngôi Mỹ về số lượng công ty trong top 500. Trung Quốc đại lục và Hồng Kông có 124 công ty, còn Mỹ là 121.
Tổng biên tập Fortune Cliff Leaf phân tích khi Global 500 ra mắt lần đầu vào năm 1990, không có một công ty Trung Quốc nào xuất hiện trong danh sách. Chỉ trong vòng 3 thập kỷ, nền kinh tế Trung Quốc đã tăng tốc dũng mãnh. Trong khi đó, số lượng doanh nghiệp Mỹ giảm dần từ năm 2002.
Mỹ và Trung Quốc đang trong cuộc đua trở thành siêu cường số 1 thế giới mà công nghệ là một lĩnh vực vô cùng quan trọng, không thể bỏ qua. Hiện tại, Huawei là nhà sản xuất thiết bị viễn thông 5G và nhà sản xuất smartphone số 1 thế giới. Tuy nhiên, sản phẩm của hãng gần như "mất hút" tại Mỹ, còn Giám đốc Tài chính bị bắt giữ tại Canada theo yêu cầu của Mỹ.
Về phần mình, Trung Quốc chặn đứng hầu hết các gã khổng lồ công nghệ lớn nhất của Mỹ như Google và Facebook. Ian Bremmer, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch hãng tư vấn Eurasia, cho rằng chúng ta đã tiến hóa từ một thế giới kết nối sang thế giới Internet phân đôi (splinternet). “Công nghệ là mấu chốt của cuộc cạnh tranh hiện tại, là mảnh ghép quan trọng nhất và nguy hiểm nhất”, ông Bremmer nhận định.
Cuộc chiến công nghệ diễn ra trên mọi mặt trận: trí tuệ nhân tạo (AI), 5G, nhận diện giọng nói, nhận diện gương mặt, fintech… AI là quan trọng nhất vì nó nạp năng lượng cho mọi thứ còn lại. Một bài báo gần đây do chuyên gia về Trung Quốc, Graham Allison, đồng tác giả với một lãnh đạo công nghệ Mỹ giấu tên tranh luận Trung Quốc tiến bộ về AI hơn những gì cộng đồng an ninh quốc gia Mỹ đánh giá. “Trong AI, năng lực trí tuệ quan trọng hơn nhiều năng lực điện toán”, bài báo viết.
Hàng năm, có 1,3 triệu sinh viên STEM (ngành học về khoa học – công nghệ - kỹ thuật và toán học) tốt nghiệp tại Trung Quốc, so với 300.000 của Mỹ. Trung Quốc cũng có 185.000 nhà khoa học máy tính mỗi năm, so với 65.000 của Mỹ. Ngay cả tại Mỹ, cứ mỗi 10 tiến sỹ khoa học máy tính, lại có 3 người Mỹ và 2 người Trung Quốc. Hầu hết họ đều quay về quê hương sau khi tốt nghiệp.
Dù vậy, Fortune đánh giá khi nhìn nhận sâu hơn, tương lai cạnh tranh của Trung Quốc lại không chắc chắn. Doanh nghiệp Trung Quốc vượt Mỹ về số lượng song hầu hết đều có quy mô nhỏ hơn, chỉ chiếm khoảng 25% doanh thu Global 500 còn Mỹ chiếm 30%. Phần lớn công ty Trung Quốc (68%) là của nhà nước, họ không thành công nhờ cạnh tranh trên các thị trường mở. Số lượng cạnh tranh được trên thị trường quốc tế chỉ đếm trên đầu ngón tay như Alibaba, Huawei, Lenovo, còn lại chủ yếu hoạt động trong nước.
Xét tổng thể, 500 doanh nghiệp lớn nhất thế giới gặt hái doanh thu 33,3 nghìn tỷ USD và 2,1 nghìn tỷ USD lợi nhuận trong năm 2019, tuyển dụng 69,9 triệu lao động và đại diện cho 32 quốc gia. Amazon là công ty công nghệ duy nhất trong Top 10 khi xếp thứ 9, tăng 4 bậc, với doanh thu 280,522 tỷ USD. Một số cái tên nổi bật khác của giới công nghệ trong Global 500 là Apple (hạng 13, giảm 1 bậc), Samsung Electronics (hạng 19, giảm 4 bậc), Alphabet (hạng 29, tăng 8 bậc), Microsoft (hạng 47, tăng 13 bậc), Huawei (hạng 49, tăng 12 bậc).
Du Lam (Tổng hợp)
4 kỳ lân công nghệ lớn nhất thế giới là của Trung Quốc
4 trong 5 kỳ lân công nghệ – các startup có giá trị trên 1 tỷ USD – lớn nhất thế giới đều có nguồn gốc Trung Quốc.