Trong giờ học, trẻ không may bị bạn xô ngã, đầu chảy máu, phụ huynh đưa lên mạng xã hội "tố" giáo viên bạo hành học sinh. Trước áp lực, giáo viên phải đến nhà quỳ gối xin lỗi gia đình.
LỜI TÒA SOẠN
Nhiều giáo viên chia sẻ, nghề giáo đang Phải chịu quá nhiều áp lực. Áp lực từ sự đòi hỏi phải không ngừng đổi mới sáng tạo của nghề; từ sự kỳ vọng quá lớn ở phụ huynh, học sinh; từ chính cuộc mưu sinh của các thầy cô... VietNamNet mở diễn đàn Áp lực nghề giáo – nơi chia sẻ mọi vui, buồn của người đứng trên bục giảng. Độc giả có thể chia sẻ câu chuyện của mình về email: Bangiaoduc@vietnamnet.vn. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút theo quy định. Xin cảm ơn!
Nói đến câu chuyện nghề, giọng của bà H. - hiệu trưởng trường mầm non một xã ở huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh), chùng xuống khi chia sẻ câu chuyện buồn về việc nữ giáo viên của trường đã phải quỳ gối trước phụ huynh.
Theo cô H., sự việc đã xảy ra cách đây 4 năm nhưng vẫn còn nguyên nỗi đắng chát, ám ảnh không chỉ cho cô L. (giáo viên phải quỳ gối) mà còn nhiều giáo viên khác.
Cô H. kể, năm học 2019-2020, cô L. (SN 1968) cùng với 1 giáo viên khác cùng phụ trách lớp 3 tuổi. Hôm đó, đồng nghiệp ốm nên chỉ có cô L. trông 27 cháu. Vì chút sơ ý nên cháu A. bị bạn đánh và xô vào tường, đầu rớm máu.
Sau khi sơ cứu cho trẻ, cô L. có báo cáo sự việc với ban giám hiệu. Đến chiều trả trẻ, cô có giải thích cặn kẽ sự việc với phụ huynh, mong họ thông cảm cho cô khi để xảy ra sự việc ngoài ý muốn.
Cô L. trở về nhà sau một ngày dài làm việc mệt mỏi. Tuy nhiên chưa kịp nghỉ ngơi, cô đã nhận được rất nhiều cuộc gọi từ đồng nghiệp vì có phụ huynh đăng tải nội dung cô L. bạo hành trẻ kèm theo hình ảnh lên mạng xã hội.
Dòng trạng thái của phụ huynh này được rất nhiều người tương tác. Chưa biết sự tình, nhiều người quy chụp cô L. đánh trẻ trong lớp học. Trước sức ép của dư luận, áp lực từ phụ huynh, ngay trong đêm, cô L. vội đến nhà phụ huynh để giải thích.
Cô L. đến nhà phụ huynh chưa kịp chào hỏi, đã bị phụ huynh tấn công bằng những lời lẽ khó nghe. Dù đã giải thích cháu A. bị bạn T. đánh và xô ngã nhưng phụ huynh một mực cho là do cô L. đánh trẻ. Gia đình yêu cầu cô phải nhận lỗi nếu không sẽ mời truyền hình, báo chí vào cuộc.
“Uất nghẹn, tủi thân và áp lực đè nén khiến cô L. nói với phụ huynh nếu họ không tin cô, cô sẽ quỳ xuống chứng minh vô tội, không đánh trẻ. Nói là làm, cô L. vội quỳ xuống trước mặt phụ huynh khoảng 10 phút’’, cô H. kể lại.
Sau khi giáo viên quỳ gối, phụ huynh mới xuống nước, gỡ bài đăng trên mạng xã hội. Mệt mỏi, tủi nhục sau sự việc xảy ra, cô L. viết đơn trình bày hiệu trưởng mong muốn được nghỉ việc, về hưu trước tuổi. Ban giám hiệu, đồng nghiệp động viên, chia sẻ khuyên cô tiếp tục sự nghiệp nuôi dạy trẻ.
Bà H. cho biết, dù cô L. có nhiều năm kinh nghiệm đứng lớp, ứng xử với phụ huynh nhưng trước tình thế không có đường lui, muốn giải quyết sự việc dứt điểm nên mới phải có hành động như vậy.
“Tôi định không nhắc lại câu chuyện đau lòng này nhưng tôi chia sẻ để mọi người hiểu hơn giáo viên mầm non áp lực đủ bề trong khi mức lương còn thấp… Nếu quá trình chăm trẻ để xảy sai sót nhỏ, mong phụ huynh thông cảm, chia sẻ và đừng suy nghĩ mình trả tiền cho con đi học là có quyền không tôn trọng giáo viên”, bà H. giãi bày.
Cùng quan điểm, cô Thảo, giáo viên mầm non một trường huyện Can Lộc (Hà Tĩnh), cho biết, đặc thù nghề nhiều áp lực, vất vả, thời gian đi sớm về muộn nhưng không nhiều phụ huynh thông cảm.
Lớp 25-30 trẻ chỉ có 2 giáo viên nhưng chỉ một vài sơ sẩy nhỏ như các cháu va chạm với nhau trong lớp là các cô giáo “lãnh” đủ. Trẻ ăn ít, không chịu ngủ trưa, không thích đi học…là phụ huynh có quyền gọi điện truy hỏi, trách mắng giáo viên.
”Mầm non là cấp học vất vả, áp lực từ nhiều phía nhưng giáo viên lại không được coi trọng bằng các cấp học khác, thậm chị bị coi thường. Không ít trường hợp phụ huynh mắng chửi, dọa báo công an vì chỉ vì những vết xước nhỏ trên cơ thể trẻ”, cô Thảo tâm sự.
Trước đó, một bài chia sẻ của nữ giáo viên mầm non nghỉ dạy sau 10 năm theo đuổi công việc cũng gây dậy sóng trong cộng đồng mạng. 'Lúc mới vào nghề, chứng kiến một chị đồng nghiệp bị phụ huynh xông vào tát, tôi thấy thương cái nghề của mình biết bao. Người ta nói áp lực tạo nên kim cương nhưng nghề mầm non áp lực tạo nên quyết định nghỉ việc", cô giáo ở Quảng Bình trải lòng sau khi nộp đơn xin nghỉ việc.
Về những áp lực đã trải qua, cô giáo mầm non Trần Thu Hương ở Hà Nội nói rằng nỗi ám ảnh lớn nhất với cô là mỗi tối về nhà nhận cuộc gọi của phụ huynh.
'Lúc mới vào nghề, chứng kiến một chị đồng nghiệp bị phụ huynh xông vào tát, tôi thấy thương cái nghề của mình biết bao. Người ta nói áp lực tạo nên kim cương nhưng nghề mầm non áp lực tạo nên quyết định nghỉ việc", cô giáo ở Quảng Bình trải lòng.