Sáng 16/4, Ủy ban Thường vụ quốc hội cho ý kiến về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.
Tiếp tục đề nghị lùi trình dự án Luật Đất đai
Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Chính phủ ưu tiên các dự án cần sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới nhằm xây dựng, ban hành kịp thời Chương trình, chính sách phòng, chống dịch Covid-19; xây dựng cơ chế, chính sách cấp thiết nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, phục hồi kinh tế…
Trên cơ sở đó, Chính phủ đề nghị đưa 15 dự án luật vào chương trình năm 2023. Cụ thể, tại kỳ họp thứ 5, dự kiến trình Quốc hội thông qua 9 dự án, trong đó có các Luật Giá, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đấu thầu sửa đổi và Luật Phòng thủ dân sự. Đồng thời, trình Quốc hội cho ý kiến 4 dự án: Luật Viễn thông (sửa đổi); Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Phát triển công nghiệp.
Tại Kỳ họp thứ 6, dự kiến thông qua 4 dự án đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 và cho ý kiến 2 dự án: Luật Lưu trữ và Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi.
Trong năm 2022, Chính phủ đề nghị điều chỉnh chương trình với 17 dự án. Tại kỳ họp thứ 3 sẽ bổ sung 3 dự án trình Quốc hội cho ý kiến, thông qua theo quy trình 1 kỳ họp; trong đó có Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân. Đồng thời bổ sung vào chương trình cho ý kiến 3 dự án, gồm: Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Cùng với đó, Chính phủ cũng đề nghị lùi thời hạn trình dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đến sau thời điểm Trung ương có chủ trương, định hướng, chỉ đạo về đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai làm cơ sở chính trị cho việc sửa đổi dự án luật. Khi đó, Chính phủ sẽ hoàn thiện dự án luật để trình Quốc hội.
Tại Kỳ họp thứ 4, Chính phủ đề nghị bổ sung vào chương trình dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) để trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua theo quy trình 1 kỳ họp; bổ sung vào chương trình thông qua 3 dự án và cho ý kiến đối với 8 dự án.
Như vậy, năm 2022 có tất cả 27 dự án luật, tăng 14 dự án so với chương trình đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua.
Không thể không lùi
Thẩm tra, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng băn khoăn, khi Chính phủ đề nghị lùi thời điểm trình dự án Luật Đất đai (sửa đổi nhưng không đề xuất thời hạn lùi cụ thể), Ủy ban Pháp luật và Uỷ ban Kinh tế cho rằng, đây là dự án Luật rất cấp thiết, cần phải ban hành sớm và đã được đưa vào chương trình từ kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV (tháng 5/2019). Sau đó phải điều chỉnh nhiều lần, lần này là đề nghị điều chỉnh lần thứ tư.
Lý do của Chính phủ đề nghị lùi thời hạn trình là đợi Hội nghị Trung ương 5 xem xét tổng kết không phải là vấn đề mới. Khi Quốc hội xem xét đưa dự án vào chương trình cũng đã cân nhắc vấn đề này.
Do đó, các cơ quan của Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ nên lùi 1 kỳ để trình Quốc hội cho ý kiến về dự án luật này tại kỳ họp thứ 4 và vẫn xem xét, thông qua theo quy trình tại 3 kỳ họp như Quốc hội đã quyết định.
Ông Tùng lưu ý, những vấn đề cấp bách, đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh và có sự thống nhất cao thì mới xây dựng, ban hành luật; những vấn đề tuy cấp bách, cần thiết, nhưng là vấn đề mới, chưa đạt đồng thuận cao thì có thể thực hiện thí điểm.
Giải trình sau đó, Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết, Bộ đã hoàn thiện các dự thảo, tờ trình, rà soát văn bản quy phạm pháp luật, tổng kết thi hành Luật Đất đai 2013 cũng như đánh giá tác động các chính sách.
Tuy nhiên, việc chỉnh sửa các chính sách liên quan đến Đất đai phải có nghị quyết của Trung ương làm cơ sở chính trị, làm căn cứ quan trọng để lấy ý kiến, thẩm định trình Quốc hội.
Vì vậy, Chính phủ sẽ trình dự thảo luật vào kỳ họp tháng 10/2022, sau Hội nghị Trung ương vào tháng 5/2022. Vì vậy dù đã được lùi nhiều lần nhưng dự luật này vẫn "không thể không lùi".
Thu Hằng
Bộ Chính trị sẽ trình Trung ương Nghị quyết mới về đất đai
Chính sách đất đai phải được thể chế hoá bằng pháp luật, góp phần quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai và hạn chế tình trạng khiếu kiện, tố cáo.Đất đai là nguồn lực nhưng cũng là yếu tố đưa nhiều cán bộ vào vòng lao lý
Chủ tịch một tập đoàn từng gọi điện cho Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình đề nghị: “Để tôi về đấu giá, nâng giá đất tỉnh anh lên”.
Chủ tịch Quốc hội: 'Nóng ruột vô cùng' trước lãng phí đất đai, tài sản công
Nêu thực tế lãng phí từ đất đai, tài sản công, mua sắm công còn rất lớn, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ “nóng ruột vô cùng” và yêu cầu giám sát có địa chỉ, tập trung vào vụ việc lớn cụ thể để cảnh tỉnh, răn đe.