XEM CLIP:
Thơm lừng làng nướng cá Trung Hậu
Nướng cá là nghề truyền thống của người dân vùng biển Diễn Vạn từ bao đời nay, trong đó nổi danh nhất là làng Trung Hậu (xã Diễn Vạn). Tới đây, mùi thơm từ cá dậy trong không khí, như tấm biển chỉ dẫn cho người đi qua biết về làng nướng cá này.
Chủ lò nướng Hoàng Xuân Tuấn (SN 1974, trú xã Diễn Vạn) - người có hơn 25 năm sống với nghề quạt than nướng cá - cho biết, từ nhỏ ông đã theo cha mẹ học nghề này. Gia đình ông là một trong những nhà có truyền thống làm cá nướng tại đây.
“Để có con cá ngon, các chủ lò phải dậy từ 3-4 giờ sáng, đến bãi biển Diễn Thành, Diễn Bích (huyện Diễn Châu), hay xa hơn là các cảng biển tại thị xã Cửa Lò, Cửa Hội thu mua cá.
Giờ đây, để chủ động nguồn nguyên liệu, các chủ lò đã mạnh dạn đầu tư kho bảo quản lạnh ngay tại nhà. Cá được thu mua lượng lớn từ các tàu đánh bắt xa bờ, đem về kho bảo quản để nướng dần”, anh Tuấn chia sẻ.
Khoảng 7h sáng, những lao động ở làng Trung Hậu bắt đầu nhanh tay rã đông, làm sạch ruột cá, phơi ráo. Công đoạn tiếp theo là nhóm than.
Bếp than nướng cá rất đơn giản, dùng 3-5 thanh sắt nhỏ quấn lá dứa rồi đặt lên hai viên gạch, cho than vào, nhóm lửa là có thể nướng cá cả ngày. Ngày xưa, khi chưa có quạt điện, người ta thường dùng quạt mo bằng tay để duy trì độ nóng cho than.
Với thâm niên hơn 10 năm nướng cá, chị Lê Thị Tâm (34 tuổi) tâm sự, nghề này rất vất vả. Để giữ được mức lửa vừa phải, cá chín đều, không bị cháy, người nướng cá cần có kinh nghiệm lật, trở đều tay, cá mới thơm ngon.
Chị Tâm cho hay: “Trời nắng gần 40 độ như mấy ngày nay, chúng tôi phải mặc 2, 3 lớp áo, bịt kín mặt. Nhiệt độ ngoài trời cộng với sức nóng từ than đỏ hồng như làm tăng thêm sự mệt nhọc”.
Các loại cá nướng được yêu thích nhất gồm cá trích, cá nục, cá thửng, cá thu và cá bạc má.
Cá sau khi nướng xong được vận chuyển đến một số đầu mối trong huyện miền núi phía Tây Nghệ An như Quế Phong, Tân Kỳ, Con Cuông... Các lò lớn vận chuyển cá nướng bằng ô tô của gia đình, các lò nhỏ hơn thì gửi theo xe khách.
Mỗi công nhân nướng cá ở làng Trung Hậu được trả từ 160.000-200.000 đồng/ngày, bình quân mỗi tháng cho thu nhập trên 5 triệu đồng. Riêng chủ các cơ sở nướng cá, trừ chi phí mỗi tháng có thu nhập từ 13-15 triệu đồng/tháng
Tìm hướng đi phát triển bền vững
Chủ tịch UBND xã Diễn Vạn (huyện Diễn Châu) Hoàng Thiên Long thông tin, địa phương hiện có 50 lò tham gia nướng cá, tập trung tại các xóm Trung Hậu, Yên Đồng, Đồng Én; trong đó có khoảng 15 lò lớn, mỗi ngày nướng hàng tấn cá các loại.
“Do diện tích mặt bằng chật hẹp, phát triển theo dạnh tự phát, các lò nướng cá nằm ngay trong khu dân cư nên toàn bộ nước thải từ việc chế biến đều thải trực tiếp ra ngoài môi trường không qua xử lý”, ông Long chia sẻ.
Trước thực trạng đó, lãnh đạo địa phương cùng các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, tham mưu xây dựng đề án di dời, quy hoạch tập trung làng nghề xa khu dân cư để bảo vệ môi trường, xây dựng thương hiệu, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững.
“Chúng tôi đã có chủ trương di dời các lò nướng đến khu vực giáp ranh với xã Diễn Hải (huyện Diễn Châu) - vùng đất hoang hóa, khó canh tác. Hiện con đường đấu nối hai xã Diễn Vạn, Diễn Hải đã hoàn thành và đưa vào sử dụng”, Chủ tịch UBND xã Diễn Vạn bày tỏ.
Nghề nướng cá ở Diễn Vạn không chỉ là ngành nghề để mưu sinh mà còn là điểm nhấn đặc sắc của một làng quê ven biển.
Hòa Bình