Trước đây, làng Trung Kiên có tên là Hoàng Lao, nằm ở cửa sông Cấm, sau đó làng được gọi là xã Trung Kiên, huyện Hưng Nguyên.
Ông Nguyễn Gia In, Chủ nhiệm HTX đóng tàu Trung Kiên chia sẻ, sư tổ của làng nghề là ông Nguyễn Quý Công, người gốc xã Nghi Vạn (huyện Nghi Lộc), ông là người được triều đình phong là Tiền triều Minh nghị tướng quân.
Cách đây 700 năm, trong một lần thuyền Vua Lê đi thị sát tình hình ở Nghệ An, không may gặp đoạn nước sông cạn, thuyền lỡ vào không đi tiếp được. Khi đó, cụ tổ của làng nghề là ông Nguyễn Quý Công xin ra mắt nhà Vua và hiến kế.
Cảm mến tài năng của ông Nguyễn Quý Công, Vua Lê đã giao ông cai quản việc đóng tàu chiến tại làng Hoàng Lao.
Vang bóng một thời
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, làng nghề đóng tàu thuyền Trung Kiên được vinh dự đóng những con tàu không số huyền thoại.
Theo đó, từ những năm 1958 – 1964, làng nghề Trung Kiên là một trong những nơi được giao nhiệm vụ đóng những con tàu vận chuyển quân lương phục vụ tiền tuyến.
Sau nhiều năm hoạt động theo hộ gia đình, năm 2003, HTX Làng nghề đóng tàu thuyền Trung Kiên ra đời gồm 39 thành viên với hơn 300 lao động.
Chủ nhiệm HTX chia sẻ, những năm 2003 – 2017 được xem là giai đoạn phát triển hưng thịnh, mỗi năm làng nghề đóng trên 100 tàu có công suất từ 24 – 1200CV. HTX lúc cao điểm lên đến 47 thành viên với hơn 500 lao động.
Ngày 25/11/2014, làng nghề Trung Kiên được Ban chấp hành Trung ương Hiệp hội Làng nghề Việt Nam vinh danh là ''Làng nghề tiêu biểu Việt Nam'' và được tặng danh hiệu ''Đơn vị kinh tế làng nghề tiêu biểu Việt Nam".
Làng nghề trước nguy cơ mai một
Về làng đóng tàu Trung Kiên những ngày này, người ta không còn nghe thấy âm thanh vang vọng từ tiếng đục, tiếng búa, tiếng cưa…, trái lại là quang cảnh đìu hiu. Hầu hết các cơ sở đóng tàu thuyền đều cửa đóng, then cài. Hiếm hoi lắm mới tìm thấy một cơ sở còn hoạt động.
Ông Hoàng Văn Lệ (SN 1967, trú xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc), chủ cở sở đóng tàu thuyền và cũng là một trong xưởng đóng tàu lớn của làng nghề Trung Kiên, đỉnh điểm có năm đóng từ 17 – 20 chiếc tàu, nhưng 3 năm trở lại đây, xưởng chỉ đóng được 18 chiếc tàu.
“Năm 2020 có 9 đơn đặt hàng thì năm 2021 còn 8 đơn đặt hàng đóng thuyền mới. Thế nhưng hơn 6 tháng đầu năm nay, cơ sở của tôi chỉ mới có duy nhất 1 đơn hàng.
Đơn đặt hàng đóng tàu mới không có, công nhân không có việc làm, một số ít bám trụ lại chỉ để chờ duy tu, sửa chữa, sơn sửa định kỳ các tàu cá. Một số khác cũng bỏ làng nghề ra đi để tìm kiếm việc làm mới", ông Lệ ngậm ngùi.
Nguyên nhân khiến làng nghề đóng tàu đìu hiu, vắng khách, theo ông Lệ, do giá cả xăng dầu liên tục leo thang, ngư dân không mấy mặn mà với nghề biển. Trong khi đó, nước Lào cấm xuất khẩu gỗ tròn khiến nguồn vật liệu gián đoạn, khan hiếm nên phải nhập từ Nam Phi về với giá cao hơn.
Ông Nguyễn Gia In, Chủ nhiệm HTX Trung Kiên cho biết, hiện HTX chỉ còn 5 xưởng đóng tàu. Mỗi năm chỉ đóng mới được vài con tàu, còn lại chủ yếu là duy tu, sữa chữa tàu cũ cho ngư dân.
“Sau khi Nghị định 67 về chính sách phát triển thủy sản ban hành với nhiều ưu đãi cho tàu cá đánh bắt xa bờ. Loại tàu này được làm bằng vỏ thép nên ngư dân trong tỉnh và ngư dân vùng biển khác không còn tha thiết đầu tư đóng mới tàu thuyền vỏ gỗ, vì thế các xưởng đóng tàu, thuyền không còn hoạt động hiệu quả như trước”, ông In tâm sự.
Kể từ năm 2017, các xưởng đóng tàu thuyền tại đây đã phải tìm hướng đi mới, chuyển đổi sang làm nghề mộc.
Theo ông In, nếu không có các giải pháp tháo gỡ kịp thời, làng nghề đóng tàu thuyền 700 năm tuổi có nguy cơ mãi mãi chỉ còn là hoài niệm.
Hòa Bình