Như vậy, gMO thể loại bắn súng FPS đã chính thức “nổ” sáu phát súng trên thị trường Việt Nam đánh dấu một bước ngoặt lớn – tiếp nối hành trình thể thao điện tử tại nước nhà với sự “chắp cánh” từ bốn NPH game lớn nhất thị trường hình chữ S vào thời điểm hiện tại.
Và nếu như nhìn lại quá trình hình thành và phát triển của dòng gMO FPS kể từ thời “khai sinh” vào cuối năm 2015 cho đến hiện tại, bạn sẽ thấy rằng, các NPH không chỉ tập trung vào mục đích thương mại, mà còn đang mở ra một cơ hội mới, trào lưu mới cho nền eSports Việt Nam.
Tiên phong dẫn đầu
Ngày 23/12/2015, Chiến Dịch Huyền Thoại, tựa game Mobile eSports đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam, được Garena mô tả thuộc thể loại “Bunker FPS (ẩn nấp và bắn”, ngay lập tức trở thành từ khóa hot nhất trên App Store tại thời điểm đó.
Đúng với lời giới thiệu “mang tới trải nghiệm điều khiển dễ dàng và thoải mái ngay cả đối với những người lần đầu chơi bắn súng trên mobile!”, CDHT ngay lập tức trở thành một trong những tựa game mobile “ăn khách” bậc nhất tại Việt Nam. Tính đến thời điểm hiện tại, group chính thức của cộng đồng CDHT Việt Nam đã có hơn 294.000 thành viên, chưa kể tới số lượng hội nhóm khác liên quan cũng đã xuất hiện trên mạng xã hội có nhiều người dùng nhất thế giới. Tại App Store, CDHT vẫn đang nằm trong Top 30 Game Miễn Phí phổ biến nhất cùng thứ hạng 11 trên BXH Game có doanh thu tốt nhất.
Sự quan tâm của người chơi CDHT đã được thể hiện một cách cụ thể, khi theo ước tính sơ bộ, đã có khoảng 3.000 khán giả có mặt trực tiếp để theo dõi diễn biến Vòng Chung kết giải đấu quốc tế đầu tiên, Falcon Dual Masters, diễn ra vào ngày 19/6 tại Hà Nội. Sau nửa tháng ra mắt tại Việt Nam, Garena đã quyết định “bơm” cho Falcon Dual Masters, giải đấu mobile eSports đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam, 1,5 tỉ đồng cho hệ thống giải thưởng, với 350 triệu đồng dành cho đội Quán quân.
Ngay sau CDHT của Garena, VTC Mobile cũng đã “chào sân” với Tập Kích hay còn được biết tới với tên gọi Crisis Action VN, vào ngày 21/01/2016. “Với Tập Kích chúng tôi không chỉ hồi sinh toàn bộ những tính năng kinh điển của game FPS PC lên mobile mà chúng tôi thực sự khao khát đem đến cho cộng đồng game thủ FPS một hệ thống giai đấu mobile eSports chuyên nghiệp đầu tiên tại Việt Nam, Tạo ra cơ hội thực sự cho các game thủ đam mê dòng game FPS thể hiện bản lĩnh của mình không chỉ ở Việt Nam mà cả trên đấu trường quốc tế”, trích lược phần giới thiệu Tập Kích của VTC Mobile.
Thật vậy, sau năm tháng phát hành, VTC Mobile đã quyết định đăng cai giải đấu Mobile eSports chuyên nghiệp dành riêng cho bộ môn Tập Kích, Hero Pro League (HPL) 2016, với tổng giá trị giải thưởng 240 triệu đồng (50 triệu đồng cho nhà vô địch). VTC Mobile cho biết “những con số mà HPL đạt được khá ấn tượng” khi lượng người chơi tiếp cận đến Chung kết quốc gia đạt 10.000.000 và thu hút hơn 7.500.000 lượt xem từ các sản phẩm truyền thông liên quan tới nội dung giải đấu.
HPL 2016 cũng là “bàn đạp” để những tuyển thủ Việt Nam lần đầu tiên có cơ hội cọ xát và thử thách bản thân với những đối thủ ngoài khu vực. Cụ thể, sau khi vượt qua hơn 1000 đối thủ ở cả ba miền, nhà vô địch ProGK đã giành suất tham dự Chung kết HPL Thế giới diễn ra tại Thâm Quyến, Thượng Hải vào tháng 12 năm ngoái.
“Chính cái cảm xúc mà lúc các bạn hồi hộp và vỡ òa như vậy đã khiến tôi cảm thấy năm hay mười năm nữa tôi phải tổ chức giải Mobile eSports…Tôi biết khi bắt đầu tổ chức cũng còn rất nhiều hoài nghi nhưng tôi tin rằng với sự hợp tác của chúng tôi cùng với các đối tác lớn thì chắc chắn con đường chuyên nghiệp của Mobile eSports nó sẽ không còn xa nữa”, Giám đốc Thể thao điện tử của VTC Mobile kiêm Trưởng Ban Tổ chức giải đấu, ông Đào Quang Tuấn, nói tại buổi họp báo giới thiệu giải đấu Vietnam Pro League (VPL) 2017 được tổ chức tại Hà Nội vào buổi chiều ngày 09/3 vừa qua.
Giải đấu Mobile eSports chuyên nghiệp đầu tiên dành riêng cho người Việt Nam – VPL 2017 – kéo dài từ ngày 03/3 cho tới cuối năm - tạo ra một sân chơi đẳng cấp cho game thủ, đồng thời khẳng định vị thế đi đầu về Mobile eSports của VTC Mobile trong thị trường game Việt, theo bản thông cáo báo chí đề cập. Với tổng giá trị giải thưởng là hai tỷ đồng tiền mặt, trong đó Tập Kích vẫn sẽ là trọng tâm khi có hệ thống giải thưởng chiếm phân nửa số đó.
Nắm bắt xu thế
Cũng tại buổi họp báo giới thiệu giải đấu VPL 2017, đại diện của VTC Mobile cũng đã giới thiệu Truy Kích Mobile và khẳng định đây sẽ là một sản phẩm thành công khi ra mắt thị trường Việt Nam bởi sự đầu tư nghiêm túc và đáp ứng được những yêu cầu của một game bắn súng mobile FPS hiện đại.
“Đây là một sản phẩm mà chúng tôi không phải mua về hoàn toàn 100%. Đây là một sản phẩm mà chúng tôi đã đi theo ít nhất là hai năm rồi. Chúng tôi đã tham gia cùng với nhà sản xuất ở các chi tiết từ chế độ chơi rồi cách thức điều khiển, hình ảnh trong game”, ông Tuấn nói về quá trình hợp tác sản xuất Truy Kích Mobile cùng với NSX Wizard Game (Trung Quốc).
“Để thi đấu game bắn súng trên mobile và PC cần một sự cân bằng rất lớn, gần như cân bằng tuyệt đối 100%. Cân bằng tuyệt đối là (khi người chơi) không ảnh hưởng bởi súng, không ảnh hưởng bởi các phụ kiện và sẽ thi đấu bằng thực lực và C4 eSports chính là thứ mà tôi muốn giới thiệu tới game thủ ở Việt Nam”, Trưởng bộ môn Truy Kích Mobile, ông Nguyễn Văn Hiếu tự tin về sản phẩm chủ lực của VTC Mobile trong năm 2017.
Tại thời điểm công bố, Truy Kích Mobile vẫn chưa chính thức xuất hiện tại Việt Nam, nhưng VTC Mobile đã điền tên tựa game trở thành 1/5 bộ môn thi đấu ở VPL 2017. Lý giải về điều này, đại diện của VTC Mobile khẳng định, họ đã hoàn thiện Truy Kích Mobile về mọi mặt và quyết định này không hề ảnh hưởng tới yếu tố chuyên môn của giải đấu.
“Chuyên nghiệp bao giờ cũng có những bước đầu. Trước hết, giải đấu của Truy Kích Mobile sẽ được tổ chức ngay từ khi game ra mắt, có lẽ cũng không còn nhiều thời gian nữa. Tuy nhiên, chuyên nghiệp đối với chúng tôi: Có nhiều khán giả là một, có đơn vị truyền thông tham gia và cuối cùng là có thu nhập từ thành tích”, ông Tuấn phản hồi câu hỏi của GameSao.
Không đứng ngoài “cuộc chơi”, VTC Game cũng đã khẳng định, Phục Kích có những lợi thế riêng so với các sản phẩm FPS mobile khác trên thị trường tại buổi họp báo ra mắt trò chơi vào ngày 10/01 vừa qua.
“Phục Kích là sản phẩm game mobile đầu tiên do team Đột Kích cùng sự hỗ trợ từ phía VTC Game phát hành tại Việt Nam. Theo định hướng lâu dài, chúng tôi sẽ xây dựng Phục Kích là một game mobile thể thao điện tử”, chị Nguyễn Thùy Liên, đại diện truyền thông của Phục Kích trao đổi với GameSao. “Về Phục Kích Mobile, dự án tin tưởng rằng đây là một game bắn súng thế hệ mới có những tính năng đột phá trên thị trường và hy vọng là sẽ mang lại những trải nghiệm tốt nhất cho game thủ.”
Năm tính năng đặc sắc nhất mà Phục Kích đang sở hữu, theo đại diện của NPH VTC Game, đó là: Game bắn súng thực tế ảo đầu tiên trên mobile, game bắn súng Tournament đầu tiên trên mobile, game bắn súng mobile đầu tiên có hệ thống Drone trợ chiến và game được vận hành bởi team Đột Kích.
Cạnh tranh hơn, nhiều sự lựa chọn hơn
Sau nhiều đồn đoán, VNG, NPH “đã xô đổ mọi kỷ lục về thành tích ra mắt từ trước đến nay” với sản phẩm Võ Lâm Truyền Kỳ Mobile, đã chính thức xác nhận họ là nhà phân phối độc quyền tựa game CrossFire trên nền tảng di động mang tên Crossfire Legends.
“Ông Trùm game FPS”, theo như mô tả của VNG, cũng đã ấn định thời điểm ra mắt vào lúc 10g00 ngày mai (16/4), sau gần một tháng (từ 23/3) rục rịch làm công tác truyền thông. Crossfire Legends, được NPH mô tả với những cụm từ “chất lượng VNG”, “Mode đa dạng”, “súng bao la” để giới thiệu về tựa game mobile bắn súng thành hình sau ba năm nghiên cứu và phát triển của Smilegate cùng Tencent.
“Thời điểm hiện tại, tựa game bắn súng này đang là con gà đẻ trứng vàng của Tencent với thành tích liên tục đứng vị trí top trên BXH game mobile tại thị trường Trung Quốc”, trích lược bài viết được Game4V đăng tải vào ngày 08/8/2016.
Trái ngược với sự rầm rộ tới từ Crossfire Legends, Garena đã “ngấm ngầm” giới thiệu Garena Tác Chiến, tên gốc là Elite Force. Chỉ trong vòng hai ngày, từ 12-14/4, phiên bản Closed Beta của Garena Tác Chiến đã xuất hiện chỉ ngay sau khi trang fanpage Facebook của trò chơi giới thiệu những hình ảnh truyền thông ban đầu của trò chơi.
Garena ngay sau đó đã phải đưa ra thông báo tạm ngừng cho tải và trải nghiệm Garena Tác Chiến vì đã “vượt mức mong đợi”, theo thông báo được đưa ra trên trang fanpage Facebook vào ngày hôm qua (14/4). “17h00 hôm nay 15/4, bản thử nghiệm (Closed Beta) của Garena Tác Chiến sẽ được đóng lại để chuẩn bị cho phiên bản chính thức (Open Beta) ra mắt trong thời gian tới!, Garena Việt Nam thông tin.
NPH này cũng khẳng định, Garena Tác Chiến sẽ “cập bến” Việt Nam đầu tiên trên thế giới, trái ngược với nhiều thông tin trước đó cho rằng Đài Loan mới là quốc gia cho trải nghiệm trước Elite Force.
Như vậy, với sự góp mặt của Crossfire Legends cùng Garena Tác Chiến, rất có thể nền eSports nói riêng và thị trường game mobile Việt Nam sẽ bước sang một trang mới. Khi mà MOBA vẫn đang cho thấy sự thống trị toàn cầu và dòng game nhập vai “cày kéo” trên mobile đang có sự bão hòa nhất định, sự xuất hiện của gMO FPS mà đứng sau là những NPH lớn tại Việt Nam được kỳ vọng sẽ tạo ra điểm nhấn tích cực, một làn gió mới xua tan viễn cảnh nhạt nhòa, buồn chán của làng game nước nhà.
Rất có thể với định hướng gây dựng những tựa game Mobile eSports hàng đầu, VNG, Garena, VTC Mobile và VTC Game sẽ tạo ra thêm những giải đấu chất lượng, đầy tính cạnh tranh với các hệ thống giải thưởng “tiền tấn” tương tự như Falcon Dual Masters 2016 hay VPL 2017 và buộc họ phải nâng cao chất lượng phục vụ người chơi/ khách hàng sử dụng sản phẩm nếu muốn tựa game có chỗ đứng trên thị trường.
Và đương nhiên, người hưởng lợi lớn ở đây vẫn sẽ là người chơi, game thủ dù họ có chơi giải trí hoặc có ý định đi lên chuyên nghiệp, thì mỗi người vẫn còn có trong tay rất nhiều sản phẩm chất lượng để lựa chọn!
June_6th