Theo nguồn tin từ Báo Phú Thọ, toàn tỉnh hiện có 75 làng nghề truyền thống được công nhận, trong đó nhóm làng nghề chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản chiếm chủ yếu với 58,7%; nhóm làng nghề thủ công mỹ nghệ chiếm 26,6%, còn lại là nhóm làng nghề sản xuất, kinh doanh sinh vật cảnh và xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng.
Thời gian gần đây, sự bùng nổ của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cùng những hệ lụy của dịch bệnh, nhiều làng nghề đã bị ảnh hưởng, thậm chí suy giảm cả về quy mô hoạt động lẫn hiệu quả kinh tế.
Trước thực trạng đó, các làng nghề đã tận dụng các tiềm năng, lợi thế sẵn có để khắc phục khó khăn, xây dựng chiến lược phát triển riêng phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh không bị gián đoạn, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho lao động địa phương.
Được công nhận làng nghề từ năm 2014, trải qua nhiều thăng trầm của thời gian, đến nay làng nghề sản xuất và chế biến chè Phú Thịnh, xã Phú Hộ, thị xã Phú Thọ đã có những chuyển biến tích cực, dần khẳng định vị thế trên thị trường.
Toàn làng nghề hiện có trên 130 hộ trồng chè, trong đó có 60 hộ trồng kết hợp chế biến chè với tổng diện tích 25ha, sản lượng hàng năm đạt khoảng 250 tấn chè búp tươi, tương đương 50 tấn chè xanh thương phẩm.
Các hộ tập trung vào hướng chuyên trồng, thâm canh các loại chè chất lượng cao để phục vụ việc chế biến chè Olong đảm bảo tiêu chuẩn như: VietGAP, HACCP.
Làng nghề đã có hai sản phẩm được chứng nhận OCOP bốn sao là: Chè xanh đặc sản Phú Thọ và chè xanh thơm Phú Hộ và một sản phẩm được chứng nhận OCOP ba sao là chè xanh Phú Hộ.
Năm 2023, làng nghề tiếp tục tham gia đánh giá phân loại OCOP bốn sao đối với sản phẩm chè xanh Phú Hộ loại hảo hạng.
Ông Nguyễn Hữu Hồng - Trưởng làng nghề cho biết: Chất lượng sản phẩm đã được đảm bảo song thị trường tiêu thụ hiện nay chủ yếu vẫn là trong tỉnh, phụ thuộc nhiều vào nhu cầu của khách hàng.
Thời gian gần đây, nhiều hộ trong làng nghề đã linh hoạt tìm kiếm thị trường thông qua mạng xã hội, Fanpage và sàn thương mại điện tử.
Những hình ảnh, video về quá trình trồng, chăm sóc, sản xuất và chế biến sản phẩm chè đã được người dân tích cực giới thiệu, quảng bá trên Facebook, Zalo đến với đông đảo khách hàng.
Sản lượng bán hàng thông qua mạng xã hội và thương mại điện tử bắt đầu tăng, chiếm khoảng 30% tổng sản lượng tiêu thụ sản phẩm của làng nghề.
Không đứng ngoài “cuộc chiến” tìm kiếm thị trường, làng nghề mộc Việt Tiến, xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao cũng đang tích cực đổi mới hình thức, phương thức bán hàng, đặc biệt là áp dụng công nghệ số, chuyển đổi số từ quản lý điều hành đến hoạt động sản xuất và bán hàng.
Ông Chử Văn Ngọ - Trưởng làng nghề khẳng định: Với đặc thù chuyên sản xuất các sản phẩm từ gỗ như giường, tủ, bàn ghế... có đặc tính nặng, khó vận chuyển nên việc giới thiệu sản phẩm trực tuyến sẽ giúp chúng tôi tiết kiệm được thời gian, chi phí vận chuyển hơn nhiều so với tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm trực tiếp.
Từ không gian mạng, chúng tôi có thể cập nhật được hình ảnh các mẫu sản phẩm mới, thông tin về chất liệu gỗ, kiểu dáng, kích cỡ... kết hợp giao hàng tận nơi, từ đó giá thành sản phẩm sẽ giảm, mang lại lợi ích kép cho cả người mua và người bán.
Để chuyển đổi số phát huy hiệu quả, mang lại giá trị thiết thực cho các làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục phối hợp với các sở, ngành liên quan thực hiện có hiệu quả chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, chú trọng hướng dẫn các làng nghề ứng dụng công nghệ số, công nghệ thông tin trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, đồng thời hướng dẫn người dân kiến thức về thương mại điện tử, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất trong làng nghề.