Lạng Sơn có trên 80% là người dân tộc thiểu số, trong đó 7 dân tộc chủ yếu là: Nùng, Tày, Kinh, Dao, Sán Chay, Hoa, Mông. Những năm qua, các cấp, ngành quan tâm đã quan tâm đầu tư, dành nhiều nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, đặc biệt là nâng cao sức khỏe cho người dân.
Theo đó, hằng năm, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đã triển khai can thiệp dinh dưỡng sớm, phòng, chống thiếu vi chất dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và trẻ em; duy trì bổ sung đa vi chất hoặc viên sắt cho phụ nữ mang thai; theo dõi tăng trưởng, bổ sung vitamin A, viên đa vi chất cho trẻ dưới 5 tuổi…
Công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em vùng dân tộc thiểu số còn được thực hiện thông qua đề án Tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh. Theo đề án, phụ nữ mang thai, trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, dân tộc thiểu số, miền núi được sàng lọc trước sinh miễn phí, trẻ em được sàng lọc sơ sinh miễn phí gói 4 bệnh như: thiếu men G6PD, suy giáp trạng bẩm sinh…
Từ năm 2022 đến nay, toàn tỉnh có trên 14.600 bà mẹ mang thai được tầm soát, chẩn đoán bệnh tật trước sinh; trên 7.550 trẻ được thực hiện sàng lọc sơ sinh. Qua đó đã giúp phát hiện gần 200 mẫu nguy cơ cao với các bệnh. Trong 6 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ ca sinh của phụ nữ dân tộc thiểu số được cán bộ y tế đã qua đào tạo đỡ đẻ đạt 99,5%.
Lạng Sơn cũng quan tâm chăm lo người cao tuổi, thực hiện Dự án 7 Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Đơn cử tại huyện Hữu Lũng, hồi tháng 8, Trung tâm Y tế huyện này triển khai kế hoạch khám sức khỏe tổng quát, siêu âm, đo độ loãng xương tại 6 xã trên địa bàn huyện. Tháng 9, trung tâm cử đoàn bác sĩ, điều dưỡng tham gia khám, tư vấn sức khoẻ cho 208 người cao tuổi thuộc xã Hòa Bình.
Mục tiêu của chương trình là tăng cường sức khỏe về thể chất, tinh thần của người cao tuổi; nâng cao chất lượng mạng lưới y tế cơ sở chăm sóc sức khỏe, phòng bệnh, khám, chữa bệnh và quản lý các bệnh mạn tính cho người cao tuổi. Qua đó, chất lượng cuộc sống cho người cao tuổi được nâng cao. 100% người cao tuổi trên địa bàn được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm để lập hồ sơ theo dõi sức khỏe định kỳ theo mẫu Bộ Y tế.