Lạng Sơn có đường biên giới dài trên 231 km tiếp giáp với Trung Quốc; có 2 cửa khẩu quốc tế, 1 cửa khẩu chính, 9 cửa khẩu phụ và nhiều đường mòn, lối tắt qua lại biên giới cùng những yếu tố khác khiến việc phòng, chống mua bán người vô cùng khó khăn.
Nguyên nhân tình trạng mua bán người ở đây vẫn còn phức tạp là do đời sống kinh tế khó khăn, sự thiếu hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân, nhất là ở vùng sâu, xa, dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, áp lực kiếm việc làm khiến nhiều người dân dễ sa vào bẫy của kẻ buôn người dưới mác giới thiệu việc làm.
Ngoài ra, lợi nhuận thu được từ hoạt động mua bán người khá lớn; vấn đề mất cân bằng về giới tính, dân số. Công tác quản lý nhà nước ở một số lĩnh vực còn bất cập, sơ hở để tội phạm lợi dụng hoạt động, nhất là trong quản lý hoạt động các quán karaoke, xuất nhập cảnh, hôn nhân và cho, nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài… Đây là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng mua bán người.
Trước thực trạng đó, các cơ quan, đơn vị trong tỉnh Lạng Sơn thường xuyên quan tâm công tác tuyên truyền về phòng, chống mua bán người, tập trung vào nhóm đối tượng có nguy cơ cao bị mua bán như phụ nữ, trẻ em, thanh thiếu niên.
Đặc biệt, chú trọng lựa chọn địa bàn tuyên truyền chủ yếu ở nông thôn, vùng núi, vùng sâu, khu vực biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hình thức tuyên tuyền phong phú, gồm tuyên truyền miệng, phát tờ rơi, tài liệu, tọa đàm, hội thi, trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội…
Nội dung tuyên truyền đa dạng về các quy định của pháp luật về phòng, chống mua bán người; phương thức, thủ đoạn; hậu quả; cách thức phòng ngừa, phát hiện và tố giác các hành vi liên quan đến tội phạm mua bán người. Qua đó, tạo sự chuyển biến về nhận thức, trách nhiệm của người dân trong tích cực tham gia phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với tội phạm mua bán người.
Từ năm 2022 đến nay, toàn tỉnh tổ chức được trên 15 nghìn cuộc phổ biến, giáo dục pháp luật; với trên 1 triệu lượt người nghe; trong đó có nội dung tuyên truyền về phòng, chống mua bán người.
Song song với tuyên truyền phòng ngừa, lực lượng chức năng cũng tăng cường đấu tranh, ngăn chặn tội phạm mua bán người ở cả trên biên giới và khu vực nội địa.
Theo đó, lực lượng Công an tỉnh phối hợp với các lực lượng chức năng chủ động nắm chắc tình hình ở các tuyến, địa bàn trọng điểm, nguy cơ xảy ra mua bán người. Từ đó triển khai đồng bộ biện pháp nghiệp vụ để đấu tranh ngăn chặn, giải cứu nạn nhân, xử lý các đối tượng.
Cụ thể, lực lượng Công an tăng cường phối hợp với Bộ đội Biên phòng tuần tra, kiểm soát trên các tuyến, phòng, chống xuất, nhập cảnh trái phép, làm tốt công tác quản lý nhân, hộ khẩu, quản lý cư trú, nhất là đối với các cơ sở lưu trú như: nhà nghỉ, khách sạn, nhà trọ gần khu vực biên giới, cửa khẩu… để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các đối tượng mua bán người qua biên giới.
Mặt khác, tăng cường hợp tác quốc tế, đặc biệt là phối hợp với công an Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc trong trao đổi thông tin, đấu tranh truy bắt tội phạm, giải cứu nạn nhân…
Kết quả, từ năm 2018 đến nay, cơ quan Cảnh sát điều tra công an các cấp trong tỉnh Lạng Sơn đã điều tra, khởi tố 28 vụ, 60 bị can phạm tội mua bán người. Trong đó, giai đoạn 2021 – 2022 khởi tố 9 vụ mua bán người, giảm 2 vụ so với giai đoạn 2019 – 2020. Từ năm 2023 đến nay, khởi tố 3 vụ, 4 đối tượng mua bán người, giải cứu 3 nạn nhân bị mua bán.
Thượng tá Nguyễn Mai Thiện, Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Lạng Sơn cho hay, từ sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, hoạt động mua bán người qua biên giới tiếp tục diễn biến phức tạp.
Đối với khu vực nội địa, các đối tượng thực hiện hành vi mua bán người núp dưới nhiều hình thức, với những thủ đoạn tinh vi. Do đó, lực lượng công an luôn chủ động nắm bắt tình hình, tăng cường kiểm soát địa bàn, những nơi tiềm ẩn mua bán người, điều tra xác minh làm rõ các hành vi; tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác có liên quan, đảm bảo tất cả các trường hợp có dấu hiệu của tội phạm mua bán người đều được xác minh làm rõ và xử lý triệt để.
Do đó, bên cạnh sự vào cuộc của lực lượng chức năng, rất cần sự tiếp tục chung tay của các cấp, ngành trong phòng, chống tội phạm mua bán người với các biện pháp như quản lý lao động và hoạt động của các cơ sở dịch vụ, cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự. Các gia đình cũng cần làm tốt công tác quản lý con em mình, nhất là quan tâm đến những trường hợp ở lứa tuổi bồng bột, dễ bị dụ dỗ để trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người.
Thái Bảo