Ngày 13/2, Tập đoàn Toyota sẽ đảm nhiệm tái cơ cấu ban lãnh đạo của Daihatsu bằng cách đưa một số giám đốc điều hành của Toyota vào hội đồng quản trị của công ty con này sau những bê bối gian lận an toàn được phát hiện từ hồi tháng 4 năm ngoái.

Theo đó, nhà sản xuất ô tô bán chạy nhất thế giới đặt mục tiêu giảm nhẹ gánh nặng cho Daihatsu bằng cách hỗ trợ trực tiếp cho công ty con và tiếp quản việc lập kế hoạch, phát triển và sản xuất của Daihatsu tại thị trường nước ngoài.

Toyota Daihatsu.jpg
Toyota sẽ có thêm nhiều nhân sự chủ chốt trong hội đồng quản trị của Daihatsu. (Ảnh: Toyota)

Trong cuộc họp bất thường diễn ra vào ngày 12/2, các cổ đông của Daihatsu đã thông qua việc cải tổ bộ máy hội đồng quản trị từ 6 thành viên xuống còn 4 thành viên từ ngày 1/3/2024. Trong đó, chỉ có 1 người là giám đốc điều hành của Daihatsu, 3 người còn lại sẽ đến từ Toyota.

Trong tuyên bố mới nhất, Tập đoàn Toyota cho biết ông Masahiro Inoue, Giám đốc điều hành khu vực Mỹ Latinh và Caribe sẽ thay thế Soichiro Okudaira làm Tổng giám đốc của Daihatsu từ ngày 1/3 tới đây. Đồng thời, ông Sunao Matsubayashi, Chủ tịch Daihatsu hiện tại cũng sẽ từ chức và vị trí này tạm thời sẽ bỏ trống.

Ông Soichiro Okudaira đã làm việc tại Toyota gần 40 năm trước khi trở thành Tổng giám đốc của Daihatsu vào năm 2017, một năm sau khi công ty này trở thành công ty con thuộc sở hữu hoàn toàn của Tập đoàn Toyota.

Tuy nhiên, Giám đốc điều hành Toyota Koji Sato nói với các phóng viên rằng việc cơ cấu lại tổ chức tại Daihatsu không được thực hiện như một hình phạt đối với các giám đốc điều hành sắp mãn nhiệm.

Về mặt số lượng, Daihatsu chiếm 7% trong tổng doanh số 11,2 triệu xe của Tập đoàn Toyota trong năm 2023, bao gồm cả xe của thương hiệu hạng sang Lexus và Hino Motors.

daihatsu logo.jpg
Daihatsu là công ty con thuộc sở hữu hoàn toàn của Toyota và có mối quan hệ chặt chẽ với công ty mẹ.

Không chỉ hãng xe Daihatsu, hành vi gian lận trong kiểm soát chất lượng cũng đã được phát hiện tại các công ty thuộc tập đoàn như hãng xe tải Hino Motors và Tập đoàn Công nghiệp Toyota.

Trong đó, Hino Motors từng bị phát hiện đã gian lận trong các báo cáo dữ liệu về khí thải và mức tiết kiệm nhiên liệu gửi tới cơ quan quản lý vận tải và tháng 3/2022. Công ty này sau đó bị lỗ nặng và hiện đang hy vọng có thể vực dậy bằng cách sáp nhập với Mitsubishi Fuso Truck & Bus.

Vào cuối tháng 1/2024, Tập đoàn Công nghiệp Toyota (Toyota Industries) cũng đã bị phát hiện gian lận trong các bài kiểm tra chứng nhận động cơ diesel không chỉ đối với xe nâng mà còn cả xe du lịch và xe bán tải. Điều này khiến Tập đoàn Toyota đã phải tạm dừng giao hàng đối với toàn bộ 10 mẫu ô tô sử dụng 3 mẫu động cơ do Toyota Industries nghiên cứu phát triển. 

Tuy nhiên, Daihatsu là công ty con thuộc sở hữu hoàn toàn của Toyota và có mối quan hệ chặt chẽ với công ty mẹ hơn Hino Motors khi Toyota chiếm tới 50,1% cổ phần tính đến cuối tháng 9 năm ngoái, còn với Toyota Industries, nhà sản xuất ô tô lớn bán chạy nhất thế giới chỉ sở hữu 24,7% cổ phần.

Daihatsu được định vị là chi nhánh chính của Toyota trong việc đảm nhiệm phát triển các loại xe ô tô cỡ nhỏ tại các thị trường mới nổi và đóng một vai trò trong chiến lược của tập đoàn tại các quốc gia như Malaysia và Indonesia.

Ngày 30/1, Chủ tịch Akio Toyoda đã xin lỗi về loạt bê bối gian lận an toàn chất lượng và cho biết sẽ nỗ lực ngăn chặn các hành động có thể tái diễn.

Theo Reuters, Nikkei

Bạn có góc nhìn (hoặc có trải nghiệm) nào về vấn đề trên? Hãy để lại bình luận bên dưới hoặc chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!