Tạo chuyển biến nhận thức về chuyển đổi số
Trong hai ngày 9 và 10/6, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng đã tham dự các hội nghị về chuyển đổi số tại Thái Bình, Nam Định.
Theo Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận, xác định chuyển đổ số, phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số Thái Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
UBND tỉnh đã ban hành, cụ thể hóa các văn bản chỉ đạo về chuyển đổi số tạo hành lang pháp lý để triển khai trên địa bàn tỉnh; Thành lập Ban chỉ đạo về chuyển đổi số tỉnh do Chủ tịch UBND tỉnh là Trưởng Ban; thành lập Tổ công tác Đề án 06 của tỉnh; ban hành Đề án chuyển đổi số tỉnh Thái Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
“Tuy nhiên, việc thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh vẫn là khái niệm mới, nhiều cán bộ, đảng viên chưa hiểu thấu đáo và còn lúng túng trong quá trình thực hiện”, ông Nguyễn Khắc Thận cho hay.
Với Nam Định, trong phát biểu khai mạc hội nghị phổ biến kiến thức về chuyển đổi số cho các cán bộ vào sáng ngày 10/6, ông Phạm Gia Túc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định cho biết, ngày 15/10/2021, Ban chấp hành Đảng Bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết 09 về chuyển đổi số tỉnh Nam Định đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với 3 mục tiêu lớn: Phát triển chính quyền số, tăng tỷ trọng kinh tế số và phát triển xã hội số. Trong đó, xác định rõ tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số chiếm khoảng 20% GRDP của tỉnh vào năm 2025 và 30% vào năm 2030.
Dù vậy, Bí thư Tỉnh ủy Phạm Gia Túc cũng chỉ rõ, nhận thức về chuyển đổi số của các cán bộ, lãnh đạo và người dân chưa cao, chưa đồng đều. Một số vị lãnh đạo, cán bộ, công chức, Đảng viên chưa hiểu thấu đáo nội hàm, bản chất của chuyển đổi số và lúng túng khi triển khai, dẫn đến dè dặt trong cách làm, khó xác định đâu là vấn đề cốt lõi cần giải quyết và giải quyết như thế nào, nguồn lực ở đâu và những vấn đề gì cần quan tâm khi chuyển đổi số.
Khuyến nghị lãnh đạo địa phương thiết lập “phanh” chuyển đổi số
Trao đổi với các cán bộ, lãnh đạo của Thái Bình và Nam Định, bên cạnh việc phổ biến kiến thức chung và định hướng triển khai chuyển đổi số tại địa phương, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng đã đưa ra một số khuyến nghị, cảnh báo với các tỉnh. “Đây là những đúc kết của Bộ TT&TT trong 3 năm vừa qua”, Thứ trưởng cho hay.
Cụ thể, để dẫn dắt chuyển đổi số, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho rằng, nhà lãnh đạo cần thiết lập được cho mình hệ thống giám sát và các “ngưỡng” cảnh báo sớm, giống như cái phanh của một chiếc xe, không phải để dừng chiếc xe lại, mà giúp yên tâm nhấn ga đi nhanh và an toàn hơn.
Bởi lẽ, khi chưa bắt đầu chuyển đổi số, nhận thức về sự cần thiết, phát hiện và lựa chọn đúng bài toán để giải quyết là quan trọng nhất. Nhưng khi đã tiến hành thì nhận thức về phương hướng, sớm phát hiện ra sự chệch hướng để điều chỉnh là quan trọng nhất.
“Phanh” chuyển đổi số, theo Thứ trưởng, trước hết nằm ở nhận thức. Chúng ta nên nhận thức rằng chuyển đổi số không phải là thêm một nhiệm vụ mới, mà là thêm một cách làm mới, phương thức phát triển mới. Ví dụ như, họp trực tuyến đến cấp xã trên thiết bị cá nhân là thêm một công cụ để chúng ta có thể họp giải quyết công việc ngay lập tức, giảm bớt thời gian và chi phí, không phải là thêm một cuộc họp.
“Trong tiến trình chuyển đổi số, nếu thấy chuyển đổi số làm thêm gánh nặng, chúng ta nên tạm dừng lại để xem xét, vì chắc chắn có điều gì đó chưa đúng cần điều chỉnh lại trước khi làm tiếp. Tôi khuyến nghị địa phương cần rà soát, đánh giá hàng năm về những tồn tại, hạn chế khi triển khai chuyển đổi số”, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng đề nghị.
“Phanh” chuyển đổi số còn thể hiện ở sự tham gia của các bên. Một mô hình chuyển đổi số giản lược nhất gồm 3 “người”: Người đặt ra bài toán, Người phát triển công cụ và Người sử dụng công cụ để giải quyết bài toán. “Chuyển đổi số cần sự vào cuộc đồng bộ của cả 3 "người": Nhà lãnh đạo đặt ra bài toán; Đơn vị chuyên trách về CNTT và doanh nghiệp CNTT phát triển công cụ; Toàn bộ bộ máy của cơ quan, tổ chức cùng sử dụng”, Thứ trưởng lưu ý.
Đề cập đến “phanh” về vai trò của người đứng đầu, đại diện Bộ TT&TT nhấn mạnh, không có khái niệm ủy quyền trong chuyển đổi số, người lãnh đạo cao nhất phải là người đi đầu, là nhân tố chính trong hoạt động chuyển đổi số.
Đối với “phanh” về cách tiếp cận nền tảng, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho biết, Bộ TT&TT sẽ có tư vấn, trao đổi kỹ với các Sở TT&TT để Sở tham mưu cho lãnh đạo địa phương. Điểm mấu chốt của chuyển đổi số là sử dụng nền tảng thống nhất, thay vì dùng các hệ thống thông tin rời rạc, riêng biệt.
“Việc sử dụng hệ thống thông tin rời rạc, riêng biệt sẽ phát sinh ra một số vấn đề như: liên thông, liên kết, chia sẻ dữ liệu khó; đầu tư trùng lặp, lãng phí và dẫn đến câu chuyện tiêu cực dễ xảy ra. Với cách tiếp cận nền tảng, dùng giống như điện, như nước - dùng bao nhiêu trả tiền bấy nhiêu sẽ giúp các cơ quan, đơn vị giải quyết được câu chuyện hiệu quả đầu tư, sự chuyên nghiệp trong quản trị, vận hành”, Thứ trưởng phân tích.
Đặc biệt lưu ý về “phanh” trong quản lý kinh phí, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng khuyến nghị các địa phương tăng cường hiệu quả quản lý, ứng dụng CNTT, chuyển đổi số sử dụng ngân sách Nhà nước theo hướng dẫn của Bộ TT&TT, đảm bảo 5 đúng: “Đúng bài toán, đúng người, đúng sản phẩm, đúng giá và đúng quy trình”.
Vân Anh