Theo đó, tỉnh tăng cường ứng dụng nhiều mô hình công nghệ vào đời sống; đẩy mạnh tiến độ đầu tư hạ tầng viễn thông và cải thiện chất lượng dịch vụ tại những khu vực vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, triển khai hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng để phổ cập kỹ năng số tới toàn dân.
Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 719 phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành nhiều nghị quyết, đề án về phát triển công nghệ thông tin - truyền thông và chuyển đổi số của tỉnh giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030. Đây là những văn bản quan trọng, mở đường định hướng để cả hệ thống chính trị chung sức thực hiện CĐS với 3 trụ cột chính là phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Với ngành kinh tế mũi nhọn là du lịch, Lào Cai đã sở hữu 3 sản phẩm du lịch thông minh gồm: Cổng du lịch thông minh, ứng dụng du lịch trên thiết bị thông minh và phần mềm quản lý lưu trú trực tuyến. 3 sản phẩm này đã phần nào khẳng định sự tích cực của Lào Cai trong CĐS đối với lĩnh vực du lịch và xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh.
Cùng với việc tuyên truyền, hỗ trợ đơn vị dịch vụ du lịch CĐS, Thị xã Sa Pa cũng đưa vào vận hành Trung tâm Giám sát điều hành thông minh. Ngoài việc tích hợp các dịch vụ về điểm du lịch, hệ thống camera giám sát của trung tâm sẽ được kết nối với hệ thống loa thông minh đặt tại các điểm du lịch, hệ thông cảnh báo cháy tại các nhà hàng, khách sạn và nhà dân.
Ông Đỗ Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND Thị xã Sa Pa cho biết, Sa Pa sẽ tập trung xây dựng các cơ sở dữ liệu, đó là các danh lam thắng cảnh và di tích trên địa bàn thị xã. Qua đó giới thiệu với du khách những thông tin cơ bản về các điểm du lịch trước khi du khách đến với Sa Pa.
Một lĩnh vực quan trọng khác cũng được Lào Cai chú trọng CĐS đó là nông nghiệp. Hình ảnh những phụ nữ mặc trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc livestream bán hàng đã trở nên quen thuộc và không thể phủ nhận cách làm này đã mang lại hiệu quả rất tốt. Bà con đã mạnh dạn với tư duy hiện đại, tương tác với khách hàng ở mọi nơi để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất ở vùng cao Lào Cai không chỉ dừng lại ở bán hàng qua mạng, bà con dần tiếp cận với những khái niệm như mã QR, sàn giao dịch điện tử, nhật ký nông vụ hay những phần mềm điều khiển máy móc để phục vụ sản xuất nông nghiệp hàng hóa.
Chưa dừng lại ở đó, một trong những nỗ lực đột phá của Lào Cai là việc đưa vào vận hành cửa khẩu số, góp phần quan trọng trong việc cải thiện năng lực thông quan hàng hóa thông qua cửa khẩu. Bãi tập kết hàng hóa KB2 tại khu vực cửa khẩu Kim Thành mới đi vào hoạt động nhưng đã mang lại hiệu quả đáng kể. Để vào được bãi này, các doanh nghiệp buộc phải khai báo đầy đủ thông tin hàng hóa, phương tiện trên App hoặc web bằng phần mềm CĐS. Khi được cơ quan chức năng chấp thuận, camera sẽ đọc biển số xe, hệ thống barie sẽ tự động mở để phương tiện di chuyển. Thời gian để một phương tiện làm thủ tục thông quan cũng được rút ngắn xuống dưới 2 phút trên một phương tiện, giảm 3 lần so với trước. Hệ thống cửa khẩu số cũng góp phần bảo đảm tính công khai minh bạch giải quyết thủ tục hành chính, giảm chi phí cho doanh nghiệp, cải thiện năng lực thông quan hàng hóa.
Thời gian qua, Lào Cai đã bắt tay xây dựng chính quyền số dựa trên những kết quả và sự thành công của kiến trúc chính quyền điện tử. tỉnh đã sử dụng việc kết nối liên thông văn bản điện tử trong và ngoài tỉnh, ký số văn bản 4 cấp hành chính. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 1700 tục hành chính cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 lên Cổng Dịch vụ công của tỉnh (đạt 89,5%); đã triển khai tích hợp hơn 1300 dịch vụ công mức độ 3,4 lên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Đồng thời, đảm bảo việc nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích; duy trì ứng dụng Zalo chính quyền điện tử, App công dân, App du lịch trên nền tảng thiết bị di động thông minh phục vụ người dân, doanh nghiệp khai thác, tra cứu thông tin.