Là huyện nghèo của tỉnh Lào Cai, thu ngân sách trên địa bàn gặp khó khăn nhưng hằng năm Mường Khương vẫn đảm bảo nguồn vốn ngân sách địa phương để cho các hộ nghèo vay phát triển kinh tế. Trong 10 năm (2014 - 2024), Mường Khương đã bố trí hơn 7 tỷ đồng từ ngân sách huyện ủy thác qua Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để cho vay, trung bình mỗi năm hơn 700 triệu đồng.
Gia đình ông Thào Seo Páo ở thôn Cùng Lũng, xã Dìn Chin, thuộc diện hộ nghèo của huyện Mường Khương. Tháng 5/2023, gia đình ông được Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện giải ngân cho vay 100 triệu đồng để đầu tư nuôi trâu, bò sinh sản.
Số tiền lớn và rất quan trọng giúp gia đình ông có nguồn lực để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, sớm thoát nghèo. Với nguồn vốn này, gia đình ông đã mua 1 cặp bò và 1 cặp trâu sinh sản, đến nay đã có thêm 1 con bê và 1 con nghé. Hiện gia đình đã trả nợ được ngân hàng 30 triệu đồng.
Tương tự, Si Ma Cai cũng có nguồn lực rất hạn chế với 98% ngân sách đến từ nguồn cân đối bổ sung của tỉnh, nhưng huyện vẫn cố gắng bố trí ngân sách tín dụng cho các hộ nghèo.
Từ năm 2014 đến nay, huyện Si Ma Cai đã dành hơn 5,2 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách địa phương để ủy thác qua Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, qua đó giúp các hộ nghèo và đối tượng chính sách ổn định cuộc sống.
Còn tại huyện Bảo Yên, năm 2023 có hơn 1.100 hộ thuộc nhóm nghèo được vay vốn phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo và thoát nghèo bền vững. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách đạt 87,2%.
Từ nguồn vốn vay, người dân đã xây dựng và sửa chữa hơn 1.200 công trình nước sạch và công trình vệ sinh; tạo việc làm mới cho hơn 400 lao động, giải quyết thêm các chiều thiếu hụt về các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia.
Trên toàn tỉnh Lào Cai, nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách, 10 năm qua, 239.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách đã được vay vốn để triển khai các mô hình sản xuất kinh doanh, trồng trọt, chăn nuôi… tạo thu nhập. Qua đó, hơn 50% hộ đã thoát nghèo.
Lào Cai đã kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 17,61% năm 2014 (theo chuẩn nghèo cũ) còn 14,94% vào năm 2023 (theo chuẩn nghèo đa chiều) giảm 4,43% so với năm 2022; Hộ cận nghèo chiếm tỷ lệ 10,25%, giảm 1,92% so với năm 2022.
Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn các huyện nghèo giảm 7,43%, tương đương giảm 3.929 hộ nghèo (Bắc Hà giảm 9,17%; Si Ma Cai giảm 7,35%; Mường Khương giảm 6,56%; Bát Xát giảm 6,82%).
Lào Cai đã chủ trương lồng ghép nguồn vốn tín dụng chính xã hội để củng cố, phát huy, nhân rộng các hợp tác xã, tổ hợp tác, giao các tổ chức chính trị - xã hội (Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân…) phát triển các dự án khởi nghiệp nhằm định hướng phát triển kinh tế cho hộ gia đình, nhất là các gia đình hộ nghèo, cận nghèo.
Các chương trình dự án phát triển nông nghiệp theo định hướng thực hiện công nghiệp trong nông nghiệp, các mô hình làm ăn tập thể ngày càng được nhân rộng, phát huy hiệu quả, nhờ đó các hộ nghèo, cận nghèo có thêm nhiều cơ hội vươn lên thoát nghèo.
Lãnh đạo UBND tỉnh Lào Cai cho biết trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục xác định ưu tiên bố trí nguồn vốn tín dụng như một “chìa khoá” giúp người dân tự mở cánh cửa thoát nghèo.
Ngoài các chương trình tín dụng chính sách của Trung ương, tỉnh Lào Cai (cấp tỉnh và huyện) tiếp tục bổ sung một số chương trình tín dụng chính sách để triển khai thực hiện trên địa bàn như cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh Lào Cai; cho vay phát triển kinh tế xã hội tại các xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 40% trở lên trên địa bàn tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2019-2025; hỗ trợ vay vốn phát triển du lịch; tiếp tục xây dựng mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn trải rộng trên địa bàn toàn tỉnh, mang lại hiệu quả thiết thực cho người nghèo.