Nhiều người ở làng Hanh Đông (xã Đại Thạnh, huyện Đại Lộc, Quảng Nam) tếu táo gọi ông Phan Văn Chánh (61 tuổi) là Chánh “cụt”. Mỗi lần nghe thấy người ta gọi như thế, ông chỉ cười.
Hỏi ra mới hay, một biến cố ập đến đã làm thay đổi cả cuộc đời lão nông này. Hơn 40 năm trước, khi đang làm thuê tại xưởng ép mía, cánh tay phải của ông Chánh không may bị máy nghiền nuốt chửng.
“Lúc ấy tôi từng muốn tự tử nhưng nghĩ đến vợ con, tôi không đành lòng”, ông Chánh xót xa kể.
Chọn sống cuộc đời tàn nhưng không phế, ông chuyển qua làm nghề đan ghe, thúng, mủng để mưu sinh. Cơ duyên đã đưa ông Chánh “cụt” đến với tre, để rồi dìu dắt cuộc đời ông sang trang mới.
Năm 2012, tình cờ phát hiện nhiều gốc tre cạnh nhà mình bị bão làm bật gốc với những hình dáng lạ mắt, ý tưởng làm ra bộ bàn ghế độc nhất vô nhị đột nhiên lóe lên trong đầu ông Chánh.
Ngay khi “thai nghén” sáng kiến ấy, ông đã cụ thể hóa bằng một bản vẽ chi tiết và bắt đầu công việc “săn” gốc tre. Thấy ông Chánh đưa gốc tre bỏ đi về chất đầy nhà, nhiều người bảo "điên khùng".
Tuy nhiên, sau 2 tháng mày mò nghiên cứu, ghép nối 37 gốc tre xù xì lại với nhau, bộ bàn ghế salon mang dấu ấn ông Chánh “cụt” được “trình làng”, khiến ai nấy đều khen ngợi.
“Ghế dài được ghép bởi 11 gốc, 2 ghế vừa thì mỗi ghế hết 7 gốc, 2 ghế nhỏ hết 8 gốc và 4 chân bàn là 4 gốc. Tôi cũng dùng chốt làm bằng tre để kết nối các gốc tre lại với nhau chứ không đóng đinh vì dễ bị gỉ sắt, mối mọt xâm nhập phá hỏng sản phẩm”, ông Chánh tiết lộ.
Thoạt đầu, ông Chánh chỉ định làm một bộ bàn ghế cho vui. Nào ngờ tiếng lành đồn xa, ngày càng có nhiều người tìm đến đặt hàng. Thấy sản phẩm được ưa chuộng, thu nhập tốt, ông quyết tâm gắn bó với việc này.
Dù chỉ còn một cánh tay nhưng trong suy nghĩ lạc quan của ông Chánh thì điều đó không có gì trở ngại. Khó khăn duy nhất với ông trong quá trình tạo nên bộ bàn ghế chỉ gói gọn trong hai từ “đối xứng”.
“Bốn gốc tre làm ra mỗi chiếc ghế hay cái bàn phải có hình thù, kích cỡ tương đồng nhau. Để tìm ra các gốc tre làm chân ghế, chân bàn quả thật rất gian nan. Có khi đào cả bụi tre chỉ kiếm được vài gốc đưa về chế tác".
Theo ông Chánh, thời gian làm ra một bộ bàn ghế khoảng 30 - 50 ngày. Trung bình mỗi năm, ông chế tác khoảng 8 bộ salon, có giá bán từ 40 - 80 triệu đồng, tùy theo kích thước và độ khó của sản phẩm.
Vì gốc tre có sẵn rất nhiều ở quê nên chi phí nguyên liệu gần như bằng 0. Doanh thu từ bán bàn ghế giúp ông “bỏ túi” hơn 300 triệu đồng mỗi năm. Riêng năm 2020, ông bán được 10 bộ, thu về hơn 500 triệu đồng.
Cần mẫn lao động, dồn hết tâm trí vào mớ gốc tre, đến nay ông đã tạo ra hơn 100 "đứa con tinh thần". Vừa qua, ông Chánh được Hiệp hội Làng nghề Việt Nam phong tặng danh hiệu nghệ nhân làng nghề Việt.
Lo được nồi cơm cho gia đình, ông Chánh lại trăn trở phải tìm kiếm được lớp trẻ để tiếp tục hành trình sản xuất đồ mỹ nghệ độc đáo từ gốc tre. Suốt nhiều năm đỏ mắt kiếm tìm, ông vẫn chưa có “truyền nhân”.
“Nghề này đòi hỏi phải có sự đam mê và tính kiên trì cao nên khó cho người trẻ”, ông Chánh trải lòng.