Ngày 28/8, anh Vũ Thành Đạt ở Hà Đông, Hà Nội tá hỏa vì người thân, bạn bè gọi điện, nhắn tin báo đã chuyển khoản cho anh. Sau khi nhận được thông tin, anh khẳng định không hề vay mượn tiền của ai và nghĩ ngay đến việc tên và số điện thoại của anh bị kẻ gian lợi dụng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác.

Cụ thể, theo thông tin mà bạn bè, người thân cung cấp cho anh Đạt, kẻ lừa đảo kia đã lập một tài khoản Zalo có tên giống với tên của anh, và mở một số tài khoản ngân hàng cũng trùng với tên anh. Sau khi kết bạn và nhắn tin với người trong danh bạ, đối tượng hỏi vay tiền với lý do cần việc gấp, cần tiền để test Covid hoặc chữa bệnh gấp… rồi gửi số tài khoản với tên chủ tài khoản chính xác là Vũ Thành Đạt mở tại Ngân hàng BIDV.

Vì nhiều người chủ quan, nghĩ rằng anh Đạt hỏi mượn tiền thật (vì ảnh trên Zalo là ảnh đại diện của anh, tên tài khoản đúng họ tên) nên đã chuyển khoản. Có người chuyển 3-4 lệnh, mỗi lệnh 6 – 10 triệu đồng, có người chuyển 1-2 lệnh mỗi lệnh 10 - 15 triệu đồng, có người bị chuyển 4 lệnh tổng cộng 40 triệu.

Hiện tại những người đã chuyển khoản vào số tài khoản giả mạo tên của anh Đạt lên tới hơn 100 triệu đồng. Theo anh Đạt, số tiền có thể còn lớn hơn rất nhiều vì hiện tại anh vẫn chưa thể liên hệ hết mọi người trong danh bạ để hỏi về việc có bị lừa chuyển khoản hay không.

 Lập tài khoản Zalo, đăng ký TK ngân hàng trùng tên người bị lợi dụng để lừa chuyển khoản với số tiền lớn - Ảnh 1.
 
 Lập tài khoản Zalo, đăng ký TK ngân hàng trùng tên người bị lợi dụng để lừa chuyển khoản với số tiền lớn - Ảnh 2.
 
 Lập tài khoản Zalo, đăng ký TK ngân hàng trùng tên người bị lợi dụng để lừa chuyển khoản với số tiền lớn - Ảnh 3.
 
 Lập tài khoản Zalo, đăng ký TK ngân hàng trùng tên người bị lợi dụng để lừa chuyển khoản với số tiền lớn - Ảnh 4.
 
 Lập tài khoản Zalo, đăng ký TK ngân hàng trùng tên người bị lợi dụng để lừa chuyển khoản với số tiền lớn - Ảnh 5.
 Một số thông tin tin nhắn và chụp màn hình chuyển khoản thành công mà người thân, bạn bè gửi cho anh Vũ Thành Đạt (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Sau khi phát hiện vụ việc, anh Đạt đã ra cơ quan công an trình báo để mong có sự vào cuộc kịp thời nhằm ngăn chặn những kẻ lừa đảo và để người khác không bị mất tiền oan. Tuy nhiên do sự việc của anh xảy ra vào chiều ngày thứ 7, nên công an hẹn anh sáng thứ Hai ngày 30/8 ra làm việc.

Anh Đạt cũng đã liên hệ với ngân hàng BIDV để kiểm tra, phía ngân hàng xác nhận rằng số chứng minh nhân dân của anh không hề mở tài khoản tại BIDV. Anh Đạt cũng có đề nghị ngân hàng phong tỏa tài khoản của kẻ mạo danh nhưng ngân hàng cho biết chưa thể thực hiện và phải chờ ý kiến từ phía công an.

Sau khi xâu chuỗi các thông tin từ người thân, bạn bè cung cấp, anh Đạt đã tổng hợp thủ đoạn của kẻ lừa đảo đó là:

Đầu tiên, kẻ lừa đảo bằng cách nào đó có được gói dữ liệu là danh sách số điện thoại trong danh bạ của anh (là người làm IT, anh Đạt tin các dữ liệu về SĐT trong danh bạ của người dùng có thể đã bị lộ số lượng lớn, và có thể mua bán công khai trên mạng). Tiếp theo, kẻ lừa đảo lấy ảnh đại diện, ảnh bìa của Zalo/Facebook của anh để tạo một tài khoản Zalo có tên/hiển thị thông tin y hệt như người bị lợi dụng tín nhiệm.

Tiếp theo, kẻ lừa đảo sẽ tiến hành kết bạn hàng loạt đến số điện thoại trong danh sách trên, sau đó sẽ tiến hành gửi một tin nhắn mồi (vì họ chưa biết mối quan hệ giữa 2 người, chỉ có thông tin SĐT, tên danh bạ). Như bạn của anh nhận được tin nhắn: "Alo" hoặc "Alo bạn", rồi đợi phản hồi từ mục tiêu để xác định lại cách nói chuyện, từ đó sẽ tiến hành đóng giả nói chuyện và hỏi vay tiền.

Khi đã lấy được lòng tin và vay được lần 1, thường là 5-8 triệu đồng, kẻ lừa đảo đã xác định con mồi này đã có lòng tin tưởng, nên sẽ tìm các lý do khác nhau để vay tiếp với số lượng tăng dần (Nhà tôi đang có việc, chú tôi đang chưa chuyển kịp cho tôi, Tôi đang rất gấp,....). Thế nên những người bị lừa chuyển tiền cho tài khoản Vũ Thành Đạt đều đã chuyển 3-4 lần liên tiếp cho kẻ lừa đảo, khi thấy số lượng quá lớn và nghi ngờ mới gọi điện trực tiếp cho anh. Nhưng lúc này thì đã quá muộn, đối tượng đã tiến hành block ngay lập tức và đổi tên tài khoản zalo.

Đồng thời, kẻ lừa đảo đã có kế hoạch tỉ mỉ từ trước là tạo sẵn 1 tài khoản ngân hàng có tên không dấu giống của anh, đề tăng niềm tin. Ở mục này, anh Đạt đã liên hệ lại với ngân hàng, xác nhận là Chứng minh thư của anh đang chưa được sử dụng tại Ngân hàng BIDV, vậy thì kẻ lừa đảo đã rất tinh vi tìm 1 kẻ giống tên để làm thẻ ngân hàng.

 Lập tài khoản Zalo, đăng ký TK ngân hàng trùng tên người bị lợi dụng để lừa chuyển khoản với số tiền lớn - Ảnh 6.
 Kẻ lừa đảo tạo tài khoản ngân hàng với tên chủ tài khoản giống y hệt người bị giả mạo (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Từ đây, anh Đạt cũng cảnh báo tất cả mọi người rằng: hiện tại Công nghệ phát triển, mọi dữ liệu đều được bày bán công khai, và thủ đoạn lừa đảo này rất tinh vi. Nhưng có 1 cách rất dễ để nhận biết:

Một là, đối tượng sẽ chủ động kết bạn. Phần này mọi người có thể xác nhận được, là đã kết bạn rồi sao giờ lại kết bạn lại, tại sao?

Hai là, đối tượng không biết mối quan hệ mà sẽ gửi 1 tin nhắn dò hỏi là "Alo", "Alo c" để đợi con mồi trả lời lại. Từ đó xác nhận mối quan hệ và tiến hành lừa đảo.

Ba là, với việc vay tiền, mọi người cần xác nhận lại chính xác người nhận, bằng cách gọi điện lại là chắc chắn nhất.

"Vụ việc này tương đối nghiêm trọng, và bất ngờ, đối với mình và những người xung quanh. Mình đang cần sự hỗ trợ của những người đã có kinh nghiêm để đưa vụ việc này ra pháp luật, mình không muốn bọn lừa đảo này tiếp tục hoành hành và làm hại người khác", anh Đạt nhắn gửi.

(Theo Nhịp sống kinh tế)

Cảnh báo 3 thủ đoạn mới lừa đảo người dùng khi mua sắm online mùa dịch

Cảnh báo 3 thủ đoạn mới lừa đảo người dùng khi mua sắm online mùa dịch

Lừa đảo qua dịch vụ “Ship COD” để thu khoản chênh lệch giá, dùng lệnh chuyển khoản giả và mạo danh đầu tư vắc xin Covid-19 là 3 thủ đoạn lừa người dùng được Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cảnh báo.