Quan điểm trên được Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra tại hội nghị công bố Nghị quyết của Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động triển khai Kết luận của Bộ Chính trị về xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam, sáng nay tại TPHCM.

thutuong 4.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Các trung tâm tài chính là kênh huy động vốn rất quan trọng. Ảnh: T.T

Phát biểu mở đầu hội nghị, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh việc xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam là một bước quan trọng trong việc thực hiện chiến lược phát triển đất nước, tạo động lực phát triển không chỉ cho TPHCM và Đà Nẵng mà còn cho cả nước; tạo nền tảng để đất nước tiến vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên giàu mạnh và thịnh vượng của dân tộc.

Theo Bộ trưởng Dũng, Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế thành công sẽ đóng vai trò quan trọng giúp Việt Nam kết nối với thị trường tài chính toàn cầu, thu hút các tổ chức tài chính nước ngoài, tạo ra nguồn lực đầu tư mới, thúc đẩy nguồn lực đầu tư hiện hữu, cung cấp các dịch vụ tài chính chất lượng cao...

kynguyen 1.jpg
Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng đề nghị TPHCM và Đà Nẵng bố trí nguồn lực để phát triển Trung tâm tài chính. Ảnh: T.T

Bộ trưởng KH-ĐT khẳng định, việc xây dựng và phát triển Trung tâm tài chính không chỉ là việc riêng của TPHCM và Đà Nẵng mà là trách nhiệm của cả nước. Do đó, cả hệ thống chính trị, các cơ quan từ Trung ương đến địa phương phải phối hợp đồng bộ, chặt chẽ; triển khai đúng tiến độ, lộ trình các công việc đề ra.

Theo ông, Chính phủ đã ban hành nghị quyết phê duyệt kế hoạch hành động triển khai xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam. Trong đó, đã phân công 49 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cho 12 bộ ngành và các địa phương chủ trì triển khai;  tập trung vào 5 trọng tâm: Phát triển cơ sở hạ tầng tài chính hiện đại; thu hút nhân tài quốc tế; thúc đẩy đổi mới tài chính; mở rộng hội nhập quốc tế; bảo vệ an ninh tài chính.

Đối với TPHCM và Đà Nẵng, Bộ trưởng KH-ĐT đề nghị tập trung bố trí nguồn lực, chuẩn bị các điều kiện nền tảng và tạo điều kiện thuận lợi để phát triển Trung tâm tài chính, đặc biệt là nguồn lực về hạ tầng, nguồn nhân lực, thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh, môi trường sống...

Tiền đề thu hút nguồn lực và đầu tư quốc tế

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cho biết, việc xây dựng và phát triển Trung tâm tài chính quốc tế toàn diện tại TPHCM là động lực để thành phố bứt phá về kinh tế và thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Trung ương giao.

Ông cũng thông tin, Trung tâm tài chính tại TPHCM được quy hoạch gắn với  khu đô thị mới Thủ Thiêm tại Thủ Đức. TPHCM đã chủ động từ sớm, chuẩn bị mọi nguồn lực để xây dựng và vận hành, trong đó, thành lập Ban chỉ đạo xây dựng trung tâm tài chính, do Bí thư Thành ủy làm Trưởng ban.

kynguyen 2.jpg
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên: TPHCM sẽ thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao, các chuyên gia, nhà khoa học... Ảnh: T.T

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên tin tưởng, thành phố sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư hơn từ các lĩnh vực ngân hàng, quỹ đầu tư, doanh nghiệp tài chính, thậm chí có những doanh nghiệp tài chính lớn ở khu vực và thế giới. 

Cùng với đó, thành phố sẽ thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao, các chuyên gia, nhà khoa học, huy động được nhiều nguồn lực hơn nữa.

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định hạ tầng số, công nghệ số, công nghiệp số và an ninh-an toàn số là những nền tảng quan trọng bậc nhất của một trung tâm tài chính hiện đại.

Theo đó, một Trung tâm tài chính đẳng cấp quốc tế thì hạ tầng số phải thuộc các nhóm phát triển, top 30 thế giới, nhưng hiện giờ mạng 5G ở 2 TP.HCM và Đà Nẵng mới đạt 20%.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, Bộ đã chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông ngay trong năm 2025 sẽ phủ sóng 5g 100% 2 thành phố này với tốc độ gấp 10 lần mạng 4G. Khi đó, mạng 5G của 2 địa phương này sẽ đạt mức các nước phát triển.

nmh 1 88353 96175.jpg
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cam kết hỗ trợ hai thành phố xây dựng hạ tầng số hiện đại, dung lượng siêu lớn, băng thông siêu rộng, thông minh - xanh và bền vững. Ảnh: T.T

“Đã là Trung tâm tài chính quốc tế và khu vực thì phải có trung tâm dữ liệu lớn và siêu lớn từ 30-100 MW đạt chuẩn quốc tế. Hiện nay, đã có các cam kết về đầu tư, TPHCM và Đà Nẵng cần chuẩn bị đất đai, điện, nước… cho các trung tâm dữ liệu lớn và siêu lớn, tốt nhất là chuẩn bị ngay năm nay”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề xuất.

Bộ trưởng Bộ TT&TT cam kết, Bộ sẽ hỗ trợ hai thành phố xây dựng hạ tầng số hiện đại, dung lượng siêu lớn, băng thông siêu rộng, thông minh - xanh và bền vững để đạt mục tiêu xây dựng trung tâm tài chính đẳng cấp quốc tế và khu vực.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho rằng kinh nghiệm phát triển các trung tâm tài chính trên thế giới và khu vực cho thấy sự phát triển vốn cùng với sự phát thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng là một trong những cấu phần nền tảng và quan trọng. 

ba hong.jpg
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng trình bày về phát triển lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng trong trung tâm tài chính. Ảnh: VGP

Về cơ chế giám sát đảm bảo an ninh an toàn tài chính quốc gia, bà Hồng cho biết Trung tâm tài chính sẽ thành lập các cơ quan quản lý, giám sát và giải quyết tranh chấp. Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp với các cơ quan phân tích, đánh giá tác động các chính sách ưu đãi đột phá, các cách thức quản lý, điều hành phù hợp.

Còn theo Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng, địa phương đã triển khai thành lập Ban chỉ đạo, Tổ giúp việc và tổ chức quán triệt các nội dung cơ bản nhằm triển khai thực hiện xây dựng Trung tâm tài chính khu vực tại Đà Nẵng.

kynguyen 3.jpg
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: T.T

Đà Nẵng cũng định hình bộ máy quản lý, vận hành trung tâm tài chính, triển khai đề án chương trình đào tạo nguồn nhân lực cho trung tâm này.

Ông tin tưởng, khi Trung tâm tài chính đi vào hoạt động, sẽ thúc đẩy kinh tế địa phương bứt phá, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội cùng cả nước.

Phải hành động quyết liệt hơn

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, năm 2025 ưu tiên tăng trưởng, phải bảo đảm, an sinh xã hội tốt hơn, người dân phải ấm no, hạnh phúc hơn...

Để đạt được mục tiêu đó, theo Thủ tướng, cần làm mới lại các động lực tăng trưởng truyền thống; thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như kinh tế xanh, kinh tế số…

Thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, nhất là lĩnh vực liên quan đến chip bán dẫn, công nghệ Al… tạo ra không gian phát triển mới.

“Mục tiêu của chúng ta trong năm 2025 tăng trưởng ít nhất 8% và tiến tới 2 con số. Muốn tăng trưởng phải có vốn, muốn giàu phải có tiền và câu hỏi đặt ra là tiền đâu. Chúng ta có nhiều cách huy động vốn, thì việc xây dựng và phát triển các trung tâm tài chính là kênh huy động vốn rất quan trọng”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Cũng theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, câu hỏi đặt ra là Việt Nam đủ điều kiện thành lập các trung tâm tài chính chưa?

Thủ tướng cho rằng, Việt Nam đủ điều kiện thành lập các trung tâm tài chính với 5 yếu tố.

Cụ thể, quy mô nền kinh tế Việt Nam hiện xếp thứ 33-34 trên thế giới; tốc độ tăng trưởng kinh tế vừa qua trên 7% và năm 2025 ít nhất 8%, kiểm soát lạm phát, bảo đảm cân đối lớn; trong đột phá chiến lược đạt được nhiều thành quả tích cực, thể chế thông thoáng, hạ tầng cơ bản; vốn hóa nền kinh tế khoảng 7,2 triệu tỷ và tốc độ tăng trưởng chứng khoán cao nhất khu vực, có nền kinh tế hội nhập sâu rộng.

Cuối cùng là đất nước ổn định, đảm bảo cho môi trường phát triển hòa bình, hợp tác.

Thủ tướng cũng băn khoăn, dù đã đủ điều kiện hình thành các trung tâm tài chính, nhưng vấn đề quan trọng là làm thế nào và quyết tâm tới đâu.

Qua đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính thông tin, Chính phủ sẽ nhanh chóng trình Quốc hội các cơ chế, chính sách để xây dựng và vận hành trung tâm tài chính trong kỳ họp tháng 5 tới.

Thủ tướng yêu cầu TPHCM và Đà Nẵng phối hợp với các bộ, ngành để cùng thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách trước khi trình Quốc hội, nhanh chóng xây dựng các yếu tố đặc thù theo thực tiễn của mình để xây dựng và vận hành các trung tâm tài chính.

Cụ thể hơn là quy hoạch không gian khu vực của trung tâm tài chính; có phương thức huy động nguồn lực; xây dựng mô hình quản trị thông minh…

Đồng thời, Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành sát cánh cùng 2 địa phương theo từng chức năng, nhiệm vụ của mình.

Ông đề nghị các đối tác quốc tế phối hợp, hỗ trợ và đồng hành cùng Việt Nam trong quá trình xây dựng và phát triển.

“Tóm lại, phải hành động quyết liệt hơn, với tinh thần phân công 5 rõ: rõ người, rõ việc, tiến độ, trách nhiệm và sản phẩm”, Thủ tướng yêu cầu.

Theo Thủ tướng, việc hình thành Trung tâm tài chính là việc phải làm. Không làm thì đất nước không phát triển, không làm thì không thể đạt được mục tiêu tăng trưởng 2 con số.

Cũng theo Thủ tướng, khi đã hình thành Trung tâm tài chính quốc tế và khu vực, việc kết nối tài chính toàn cầu thuận lợi, thu hút tài chính nước ngoài tốt hơn. Từ đó, thúc đẩy và tạo ra động lực mới, không gian phát triển mới.

“Vì vậy, việc thành lập Trung tâm tài chính quốc tế và khu vực ở hai địa phương là tất yếu, khách quan trong sự phát triển của đất nước, trong giai đoạn bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên giàu mạnh”, Thủ tướng bày tỏ.

Thủ tướng làm Trưởng Ban chỉ đạo liên ngành về Trung tâm Tài chính khu vực và quốc tế

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 259/NQ-CP phê duyệt kế hoạch hành động triển khai xây dựng Trung tâm Tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam. 

Ban chỉ đạo do Thủ tướng Phạm Minh Chính làm Trưởng Ban. Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình làm Phó trưởng Ban thường trực.

Phó trưởng Ban gồm: Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên, Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, Bí thư Thành ủy TP Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng.

Các thành viên khác gồm 14 lãnh đạo của các cơ quan: Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ TT&TT, Bộ TN&MT, Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Văn phòng Chính phủ, Tòa án Nhân dân Tối cao, Chủ tịch UBND TPHCM, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng.