Công an tỉnh Đồng Nai vừa hoàn tất điều tra, đề nghị truy tố bị can Phan Thanh Hữu (65 tuổi) - Giám đốc Công ty TNHH TM Phan Lê Hoàng Anh, Nguyễn Hữu Tứ (65 tuổi, quê Vĩnh Long), Đào Ngọc Viễn (54 tuổi) - Giám đốc công ty TNHH Đại Dương Hải Phòng và 70 đồng phạm về tội buôn lậu.
Ngoài ra, Phan Thành Hữu và đồng phạm còn bị điều tra về các tội sản xuất, buôn bán hàng giả và in, phát hành mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, cơ quan điều tra chưa nhận được kết quả trưng cầu giám định vật chứng (hơn 2,5 triệu lít xăng và 9 hóa đơn giá trị gia tăng) nên hành vi của ông Hữu và những người liên quan được tách ra ở giai đoạn 2 của vụ án.
Xăng dởm làm giảm tuổi thọ động cơ, gây ô nhiễm môi trường
Kết quả điều tra xác định, từ tháng 3/2020 đến tháng 2/2021, nhóm Hữu và Viễn đã vận chuyển 48 chuyến, tổng cộng hơn 198 triệu lít xăng lậu, trị giá gần 2.800 tỷ đồng. Trong đó, đã tiêu thụ hơn 196 triệu lít, thu lợi hàng trăm tỷ đồng, riêng Hữu hưởng hơn 105 tỷ đồng.
Trong quá trình mua bán xăng lậu, do xăng nhập từ Singapore có màu trắng trong khi xăng tiêu thụ tại thị trường Việt Nam có màu vàng nhạt, để không bị phát hiện, Hữu tìm hiểu trên mạng và móc nối với một người tên Vinh (quận Bình Tân, TPHCM) mua chất bột màu vàng (10 triệu đồng/thùng 20 kg) và dung môi hòa tan (3 triệu đồng/thùng 18 lít). Trong đó, một kg bột màu pha trong 5 lít dung dịch trộn vào 100 m3 xăng.
Hữu trực tiếp hoặc giao cho lái xe đưa chất bột và dung môi đến Sóc Trăng và Vĩnh Long giao cho các thuyền trưởng tàu Nhật Minh với mục đích pha vào xăng nhập lậu (xăng được nhập lậu sau 7 ngày chưa được tiêu thụ sẽ chuyển màu trắng).
Qua trưng cầu giám định mẫu xăng thu được, kết quả các mẫu vật giám định đều có chứa thành phần MTBE (Methyl Tert - Butyl Ether) hàm lượng trung bình 12,6%, vượt ngưỡng quy định của tiêu chuẩn Việt Nam. Chất này có khả năng làm giảm tuổi thọ động cơ và gây ô nhiễm môi trường.
Sai phạm của nhiều cá nhân khác đã được tách ra để tiếp tục điều tra, xử lý trong giai đoạn 2 của vụ án.
Phong tỏa khối tài sản "khủng" của các bị can
Quá trình điều tra, để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án sau khi xét xử, Công an Đồng Nai đã thu giữ và phong tỏa khối tài sản "khủng" của các bị can.
Trong đó, ngoài tang vật là các tàu Nhật Minh 06-09, khi khám xét nhà riêng và công ty của Hữu, cảnh sát thu giữ hơn 100 tỷ đồng, 123.000 USD; 6 giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà đất ở TPHCM và Sóc Trăng; phong tỏa rất nhiều tài khoản ngân hàng của cá nhân, công ty...
Liên quan đến vụ án, Phan Lê Hoàng Anh (con gái Hữu, được cha nhờ đứng ra giao dịch tiền mua bán xăng) cũng bị kê biên 2 bất động sản ở TPHCM, 4 thẻ ngân hàng cùng nhiều điện thoại, xe máy... là một trong những đầu mối chính tiêu thụ xăng của Hữu, Nguyễn Hữu Tứ bị cho là thu lợi khoảng 44 tỷ đồng.
Thời điểm bị khám xét, doanh nhân có tiếng ở miền Tây bị thu giữ hơn một tỷ đồng tiền mặt; 5 sổ tiết kiệm trị giá 50 tỷ; phong tỏa 20 tài khoản ngân hàng; kê biên 3 tàu biển, 4 ôtô và kê biên nhiều bất động sản ở TPHCM, Đồng Tháp...
Bị can Đào Ngọc Viễn - chuyên cung cấp tàu biển trọng tải lớn vận chuyển xăng lậu - bị thu giữ 5 tỷ đồng tiền mặt; 2 tàu thủy Pacific Ocean (trọng tải 3.000 tấn) và Western Sea (5.000 tấn), phong tỏa một tài khoản ngân hàng...
Theo kết luận điều tra, năm 2019, Hữu có ý định buôn lậu xăng từ Singapore về Việt Nam nên hoán đổi tiền góp vốn với một giám đốc công ty lấy 4 tàu thủy Nhật Minh 06-09. Hữu biết Đào Ngọc Viễn đang điều hành công ty chuyên mua bán, vận chuyển xăng dầu và có nhiều mối quan hệ với một số cá nhân ở các cơ quan chức năng nên bàn bạc góp vốn cùng buôn lậu xăng. Hữu, Viễn cùng 3 người khác góp tổng cộng 53,4 tỷ đồng để mua xăng. Các bên thỏa thuận, lợi nhuận thu được sẽ chia theo tỷ lệ Hữu 40%, Viễn và những người còn lại 60%. Hữu liên hệ với chủ hàng bên Singapore (do Viễn cung cấp) thỏa thuận về giá và cách thức nhận hàng. Sau đó, Viễn điều 2 tàu biển chuyên dụng Pacific Ocean (trọng tải 3.000 tấn) và Western Sea (5.000 tấn) đậu tại vùng biển tự do đợi "lệnh". Khi có thông báo, các tàu này sẽ vào cảng Vopak của Singapore liên lạc với đại lý để nhận hàng. Khi về tới vùng biển Việt Nam, Hữu chỉ đạo nhân viên đưa tàu Minh Nhật 07, 08, 09 ra nhận xăng chở về khu vực sông Hậu thuộc thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long.. Tứ vận chuyển xăng đi Kiên Giang, Vĩnh Long, An Giang... bán cho các đầu mối. Nhiều chân rết của Tứ cũng môi giới bán xăng cho hàng loạt doanh nghiệp các tỉnh khu vực phía Nam. Để đối phó với các cơ quan chức năng, Hữu ký hợp đồng vận chuyển khống xăng với công ty TNHH Hải Minh Nhật (do Hữu lập, thuê Đinh Văn Đoàn làm giám đốc) giao cho thuyền trưởng các tàu Nhật Minh để xuất trình khi bị kiểm tra. |
(Theo Dân trí)
Vụ 20.000 lít dầu kém chất lượng: Đình chỉ cửa hàng trưởng và nhân viên
Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) thông tin về vụ việc tại cửa hàng xăng dầu xã Nghĩa Tân - huyện Nghĩa Hưng - tỉnh Nam Định thuộc Công ty Xăng dầu Hà Nam Ninh.