Theo phản ánh của nhiều người dùng Facebook tại Việt Nam, trong thời gian gần đây, họ thường xuyên bắt gặp những nội dung quảng cáo đến từ trang Facebook mang tên các nhãn hàng nổi tiếng, thông báo các chương trình khuyến mãi hấp dẫn, như giảm giá 99% hoặc thậm chí tặng sản phẩm miễn phí.
Để được nhận quà hoặc mua sản phẩm với giá rẻ, các trang Facebook này yêu cầu người dùng cung cấp thông tin cá nhân (bao gồm họ, tên, địa chỉ, số điện thoại…), và chuyển khoản một số tiền, gọi là phí đặt chỗ hoặc tiền phí vận chuyển.
Trên thực tế, đây là hình thức lừa đảo trên mạng xã hội đã từng xuất hiện cách đây vài năm tại Việt Nam và bắt đầu quay trở lại. Với hình thức lừa đảo này, kẻ xấu thường tạo các trang Facebook mạo danh những thương hiệu lớn và nổi tiếng, bao gồm các thương hiệu điện tử, xe máy, đồ gia dụng…, sau đó đăng tải các chương trình khuyến mãi, giảm giá hoặc tặng quà miễn phí.
Để thu hút nhiều người tham gia, các trang Facebook giả mạo này còn chấp nhận đầu tư để chạy các chiến dịch quảng cáo trên Facebook hoặc Instagram.
Ngoài ra, để tăng tính tin cậy và uy tín cho các chương trình khuyến mãi giả mạo, những kẻ lừa đảo còn sử dụng nhiều tài khoản Facebook ảo để đăng các bình luận cảm ơn, đánh giá tích cực về sản phẩm có trong chương trình khuyến mãi, nhiều bình luận cho biết đã nhận được quà tặng sau khi đã chuyển tiền… Tuy nhiên, khi truy cập để xem trang cá nhân của các tài khoản Facebook đăng bình luận này, người dùng có thể dễ dàng nhận ra đây là những tài khoản Facebook ảo, mới được lập và thường không có bạn bè nào.
Nhiều người dùng khi nhìn thấy những nội dung quảng cáo hấp dẫn này đã không ngần ngại chuyển tiền cho những kẻ lừa đảo để được mua hàng với giá rẻ hoặc để được nhận quà miễn phí.
Cho đến khi phát hiện ra mình bị lừa, nhiều nạn nhân đã đăng những bình luận để phản ánh về chiêu trò lừa đảo, nhưng lập tức bị chủ quản lý của trang Facebook xóa bỏ, chỉ giữ lại những bình luận mang nội dung tích cực từ các tài khoản Facebook ảo.
Với chiêu trò này, những kẻ lừa đảo không chỉ lấy cắp được tiền, mà còn lấy được thông tin cá nhân từ nhiều người dùng Facebook. Những thông tin cá nhân này sẽ được kẻ xấu sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau, như gọi điện quảng cáo, phát tán tin nhắn rác, hoặc được sử dụng cho các mục đích lừa đảo khác như làm giả giấy tờ để vay nợ…
Hình thức lừa đảo này không quá mới, nhưng các đối tượng lừa đảo đã đánh vào sự nhẹ dạ cả tin và tâm lý "ham đồ rẻ" của nhiều người dùng mạng xã hội. Để tự bảo vệ mình khỏi những chiêu trò lừa đảo trên mạng xã hội, người dùng cần phải nâng cao cảnh giác, nhận biết được những trang Facebook giả mạo các thương hiệu nổi tiếng.
Thông thường, các trang Facebook chính thức của các thương hiệu nổi tiếng sẽ có dấu tích xanh để xác minh đó là trang Facebook "chính chủ", đồng thời các bài viết được đăng tải trên các trang Facebook này thường được đầu tư một cách kỹ càng cả về nội dung lẫn hình ảnh. Trong khi đó, các trang Facebook giả mạo thương hiệu thường không có dấu tích xanh, nội dung sơ sài, ít được đầu tư và các bài viết thường có ít lượt tương tác.
Ngoài ra, nếu nhận được thông báo trúng thưởng hoặc được tặng quà trên Facebook, kèm theo đường link để yêu cầu người dùng đăng nhập vào tài khoản Facebook, khai báo thông tin cá nhân, số tài khoản ngân hàng… thì tuyệt đối không được truy cập và không khai báo bất kỳ thông tin cá nhân nào, vì đây thường là những trang web giả mạo để lấy cắp tài khoản Facebook và thông tin của người dùng.
(Theo Dân Trí)
Facebook không tạo được môi trường an toàn cho người dùng
Tổ chức Reporters Without Borders đã đâm đơn kiện Facebook tại Pháp vì không cung cấp được môi trường “an toàn” cho người dùng, vi phạm điều khoản và điều kiện của họ.