Trang Politico dẫn lời các quan chức giấu tên nói rằng, việc cắt giảm ngân sách của Lầu Năm Góc có thể sẽ gây ra ảnh hưởng đến vấn đề viện trợ quân sự của Mỹ dành cho Ukraine, trong đó bao gồm việc chuyển giao pháo cùng đạn dược.
Ngày 16/12 tới sẽ là thời hạn để Quốc hội Mỹ phê chuẩn Dự luật Chi tiêu tạm thời (CR), khi các nghị sĩ đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ tranh luận về những khoản phân bổ.
Tuy nhiên, dự luật này có thể sẽ cắt giảm 29 tỉ USD tài trợ cho Lầu Năm Góc. Điều này có nghĩa là Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ phải tạm ngừng nhiều dự án quan trọng, bao gồm viện trợ cho Ukraine.
“Mỹ sẽ gặp khó khăn trong việc gửi vũ khí mới cho Ukraine, khi quỹ tiền cạn kiệt vào mùa Xuân. Việc cắt giảm chi tiêu cũng có thể trì hoãn quá trình cải tiến một vài hệ thống vũ khí quan trọng như lựu pháo M777 đang được cấp cho Ukraine. Mỹ là nước hỗ trợ hàng đầu cho Ukraine, do vậy Kiev sẽ lâm vào thế khó nếu họ hết đạn dược”, Giám đốc Tài chính Lầu Năm Góc Michael McCord nói.
Theo các tài liệu nội bộ của Lầu Năm Góc, việc cắt giảm ngân sách cũng gây ảnh hưởng tới các chương trình vũ khí khác của Mỹ, như chậm mua máy bay ném bom hạt nhân tàng hình B-21 và tàu ngầm thế hệ mới lớp Columbia.
Tổng thống Pháp hứng chỉ trích từ Kiev
Một số quan chức cấp cao của Ukraine đã lên tiếng chỉ trích Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về lời đề nghị NATO “cân nhắc về những đảm bảo an ninh dành cho Nga”.
“Thay vì những đảm bảo dành cho Điện Kremlin, thì thế giới cần tới những đảm bảo an ninh từ nước Nga”, cố vấn của Tổng thống Ukraine, ông Mykhailo Podolyak nói với tờ Politico.
Tổng thống Macron hôm 3/12 nói rằng, ông hiểu “người đồng cấp Nga Vladimir Putin lo ngại việc NATO triển khai nhiều loại vũ khí sẽ đe dọa tới Nga, nên các thành viên khối quân sự này cần chuẩn bị để đưa ra những đảm bảo an ninh cho Nga, khi Moscow và Kiev cùng các nước phương Tây ngồi vào bàn đàm phán”.
Theo Politico, Paris chưa đưa ra phản hồi về những bình luận của các quan chức Ukraine nhằm vào Tổng thống Pháp.