Lắng nghe thực tiễn
Đánh giá đúng cán bộ, bố trí đúng người, đúng việc sẽ tạo nên sức mạnh “vật chất” mới, làm chuyển biến “về chất” trong hoạt động thực tiễn.
Việc đánh giá cán bộ, thông qua nhiều kênh, nhiều nguồn khác nhau, nhưng tựu trung lại là phải dựa vào dân. Gặp gỡ cử tri cũng là nghe dân; thông qua ý kiến phản hồi từ Mặt trận cũng là nghe dân; tiếp dân, thăm dò dư luận cũng là nghe dân; lấy ý kiến khu dân cư cũng là dựa vào dân. Và chính ý kiến của đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm cũng là dân bỏ phiếu.
Qua 3 lần lấy phiếu tín nhiệm, những cán bộ có uy tín thấp đã tự soi và tự sửa song phải thẳng thắn nói rằng chất lượng tự soi tự sửa chưa cao. Điều đó thể hiện ở chất lượng đội ngũ cán bộ chủ chốt trong hai nhiệm kỳ vừa qua rất thấp. Nhiều Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Trung ương bị kỷ luật, nhiều cán bộ giữ chức chủ chốt ở Trung ương và địa phương vướng vào lao lý.
Có những tổ chức đảng khi báo cáo là trong sạch vững mạnh, nhưng khi Uỷ ban Kiểm tra Trung ương vào cuộc kiểm tra lại vi phạm nghiêm trọng quy chế làm việc. Người đứng đầu vướng vào vòng lao lý dẫn đến tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật. Mà người đứng đầu ở địa phương thường là Chủ tịch tỉnh, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thuộc diện lấy phiếu tín nhiệm.
Ba lần lấy phiếu tín nhiệm vừa qua, chưa có ai bị đưa sang lấy phiếu tín nhiệm. Chỉ có thông qua kiểm tra của cấp trên, thông qua dư luận mới phát hiện ra sai phạm.
Trong 10 năm qua, Uỷ ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 2.700 tổ chức đảng, gần 168.000 đảng viên, trong đó có hơn 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng. Nhưng điều đáng nói là có 170 cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý, trong đó có 33 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, hơn 50 sỹ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang bị kỷ luật.
Trong số 170 cán bộ cấp cao đó, có nhiều người đã từng được lấy phiếu tín nhiệm và kết quả chưa có người nào phải đưa sang bỏ phiếu tín nhiệm. Chúng ta đề ra 2 mức, mức một lấy phiếu tín nhiệm, như một cuộc thăm dò tín nhiệm. Mức hai nếu có số phiếu tín nhiệm thấp cao, mới đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm.
Dư luận cho rằng cần nghiên cứu để việc lấy phiếu thăm dò vừa thuận tiện lại vừa khách quan. Rõ ràng so với thực tiễn việc lấy phiếu tín nhiệm vừa qua chưa sát đúng. Cũng cán bộ ấy nhưng khi Đảng vào kiểm tra lại có vấn đề mà khi thăm dò tín nhiệm lại chưa đến mức chuyển sang bỏ phiếu tín nhiệm.
Có một thực tế, chất lượng cán bộ trong bộ máy nhiệm kỳ vừa qua chưa cao. Thể hiện rõ nhất là chưa dám nghĩ, dám làm đến nỗi Chính phủ đã ban hành Công điện để chấn chỉnh. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã rất quyết liệt khi nói về vấn đề này: “Ai không dám làm thì đứng sang một bên cho người khác làm”.
Quốc hội vừa qua thảo luận rất gay gắt về vấn đề này. Có đại biểu cho rằng, không dám nghĩ dám làm là tội ác cần truy tố. Một bác sỹ trong ngành y đứng trước bệnh nhân nguy kịch không dám làm, sợ trách nhiệm sẽ là tội ác. Một cán bộ đứng đầu không dám nghĩ dám làm để địa phương không phát triển, dân đói kém… cũng là tội ác cần truy tố.
Thay đổi việc lấy phiếu tín nhiệm cho phù hợp với thực tiễn là bước đi đầy trách nhiệm của Quốc hội.
Thay đổi để phát triển
Qua 3 lần lấy phiếu tín nhiệm, những mặt tích cực đã được thể hiện rất rõ trong công tác đánh giá chất lượng đội ngũ cán bộ do Quốc hội và Hội đồng Nhân dân bầu, phê chuẩn. Tuy nhiên, để phù hợp với tình hình thực tiễn, cần phải bổ sung, thay đổi cho phù hợp. Qua thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã trình Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm (sửa đổi).
Chiều 30/5, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.
Việc Quốc hội thảo luận và sẽ thông qua Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm là một bước tiến mới để thể chế hóa Quy định 96-QĐ/TW ngày 02/02/2023 của Bộ Chính trị.
Đó là những nội dung rất mới, mang tính thực tiễn cao, phù hợp với những Quy định mới của Đảng liên quan đến vấn đề từ chức, hay chuyển công tác khác khi cán bộ có khuyết điểm, không hoàn thành nhiệm vụ.
Những nội dung mới rất cụ thể:
Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân đánh giá “tín nhiệm thấp” thì xin từ chức, trường hợp không xin từ chức thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu người đó để Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn có trách nhiệm trình Quốc hội, Hội đồng nhân dân tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất.
Người được lấy phiếu tín nhiệm có từ 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân trở lên đánh giá “tín nhiệm thấp” thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu người đó để Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn có trách nhiệm trình Quốc hội, Hội đồng nhân dân tiến hành miễn nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất…
Những nội dung như trên mang đầy đủ những “nội hàm” mà Quy định 41 và Thông báo 20 của Đảng đã xây dựng như “luật Đảng” trong việc đánh giá, bố trí, sắp xếp cán bộ.
Chính vì vậy, thời gian gần đây công tác đánh giá, bố trí cán bộ của Đảng đã có những bước phát triển mới. Nhiều cán bộ không đảm bảo chất lượng hoặc có sai phạm đã bị xử lý. Nhiều Uỷ viên Trung ương, cán bộ cao cấp, hoặc cho thôi chức hoặc chuyển công tác khác đã được thực hiện. Quyết tâm: Ai không làm thì đứng sang một bên để người khác làm thể hiện rất rõ.
Qua thảo luận, nhiều nội dung của quy định chắc chắn sẽ được xem xét kỹ lưỡng thấu đáo. Các đại biểu Quốc hội luôn đem tiếng nói của cử tri, mang hơi thở cuộc sống đến với Quốc hội. Suy cho cũng, lấy phiếu tín nhiệm cũng chính là nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ, là động lực làm cho đất nước phát triển. Bởi “Cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy, nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ có tốt bộ máy cũng bị tê liệt” như Bác Hồ đã nói.
Nguyễn Đăng Tấn