Ngày 4/4/2022, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 776/QĐ-BVHTTDL đưa “Lễ hội Katê của người Chăm tỉnh Bình Thuận” vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Lễ hội Katê là một bộ phận quan trọng trong kho tàng di sản văn hóa phi vật thể của người Chăm; phản ánh nhiều khía cạnh văn hóa, phong tục tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo, nghệ thuật liên quan đến sinh hoạt và đời sống kinh tế - văn hóa - xã hội của đồng bào Chăm. Katê là lễ hội lớn nhất, có ý nghĩa nhất, tác động đến nhiều mặt về tâm linh, tín ngưỡng, tôn giáo, tình cảm của cả cộng đồng. Lễ hội là một bộ phận cấu thành nền văn hóa truyền thống Chăm mang đậm bản sắc và dấu ấn của nền văn minh nông nghiệp lúa nước.

{keywords}
Toàn cảnh lễ hội Katê.

Lễ hội Katê hàng năm bắt đầu từ cuối tháng 6 Chăm lịch và kéo dài đến giữa tháng 7 Chăm lịch (khoảng tháng 9, 10 Dương lịch) tại các đền, tháp, làng Chăm Bàlamôn trong tỉnh Bình Thuận. Phần lớn Lễ hội Katê hàng năm tại các đền, tháp ở Bình Thuận diễn ra trong 02 ngày: ngày cuối cùng của tháng 6 và ngày đầu tiên của tháng 7 Chăm lịch; riêng Lễ hội Katê tại đền thờ Pô Tằm ở Ma Lâm, Hàm Thuận Bắc diễn ra vào ngày 15 và 16 tháng 9 Âm lịch hàng năm.

Lễ hội Katê diễn ra đầu tiên tại các đền, tháp, nhà làng, nhà các vị Sư Cả và sau cùng là tại các gia đình trong cộng đồng với những nghi lễ tôn giáo, tín ngưỡng theo phong tục tập quán có từ lâu đời của người Chăm Bàlamôn. Mục đích nhằm tưởng nhớ, thể hiện lòng biết ơn của cộng đồng đối với các vị vua, thần linh, tổ tiên, ông bà đã phù hộ, độ trì cho người Chăm trong đời sống và làm ăn. Điều đặc biệt của Lễ hội Katê là thu hút đông đảo du khách gần xa trong và ngoài nước đến trẩy hội; không những cộng đồng người Chăm (không phân biệt tôn giáo) trong và ngoài tỉnh mà đồng bào các dân tộc khác cũng về tham gia Lễ hội Katê.

{keywords}
 

Trong Lễ hội Katê của người Chăm Bàlamôn tại các đền, tháp và nhà làng; bên cạnh phần lễ với các nghi lễ diễn ra theo tập tục truyền thống của cộng đồng, phần hội với các hội thi, hội diễn, trò chơi dân gian, thi đấu thể thao hấp dẫn, tạo nên không khí vui tươi, nhộn nhịp như: Đội nước vượt chướng ngại vật, bịt mắt đập niêu, đẩy gậy, giã gạo, kéo co, đi cà kheo, nhảy bao bố; trưng bày lễ vật trên Thônla, thổi kèn Saranai, trình diễn nghề thủ công truyền thống (làm gốm, dệt thổ cẩm, làm bánh gừng…), trình diễn các làn điệu (dân ca, dân vũ, dân nhạc), bóng đá, bóng chuyền...

Lễ hội Katê thể hiện vai trò giáo dục mang giá trị nhân văn sâu sắc, đó là biểu hiện của đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, giáo dục cho hậu thế về nhân cách, đạo đức, tâm hồn và truyền thống văn hóa dân tộc. Thông qua việc bồi đắp, gìn giữ, trao truyền, thực hành các nghi lễ trong Lễ hội để giáo dục cho các thế hệ con cháu về ý thức và trách nhiệm trong việc kế thừa, tiếp nối, nhận diện được giá trị văn hóa truyền thống trong sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng của cộng đồng nơi mình đang sinh sống; từ đó biết trân trọng, gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp mà ông bà, tổ tiên đã dày công vun đắp, lưu lại cho hậu thế.

Tình Lê

Phát hiện nổi bật là cơ sở để UNESCO vinh danh Văn hóa Óc Eo Nam Bộ là Di sản văn hóa thế giới

Phát hiện nổi bật là cơ sở để UNESCO vinh danh Văn hóa Óc Eo Nam Bộ là Di sản văn hóa thế giới

Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam vừa công bố kết quả khảo cổ học của Đề án Nghiên cứu khu di tích khảo cổ học Óc Eo - Ba Thê, Nền Chùa (Văn hóa Óc Eo Nam Bộ).