Năm 2013, phóng viên gặp nhà văn Lê Lựu trong một căn nhà ở ngõ nhỏ đường Tam Trinh, quận Hoàng Mai. Đây cũng là nơi Trung tâm Văn hoá doanh nhân Việt Nam do nhà văn Lê Lựu sáng lập ra đời vào năm 2005. Sau đó một thời gian ngắn, một tạp chí cùng tên được đăng ký tên miền, đồng thời ông làm Tổng biên tập.
Bên trong ngôi nhà vừa là nơi làm việc, vừa là nơi ở, nhà văn sinh năm 1938 trưng bày nhiều sách, kỷ vật và hình ảnh quý.
Lúc này Lê Lựu 75 tuổi, mang 14 thứ bệnh trên người như tai biến mạch máu não, bệnh tiểu đường, bệnh tim, bệnh gout, phổi, tụy, thận, tiền liệt tuyến...
Khi chúng tôi gặp tác giả cuốn tiểu thuyết ''Thời xa vắng'' thời điểm ấy ông vừa trải qua một đợt tai biến, việc đi lại rất khó khăn. Trong nhà, ông lắp đặt tay vịn để đi từ phòng vệ sinh tới khu vực ngồi làm việc.
Lê Lựu có hai đời vợ, ba người con nhưng cả hai bà xã ở thời điểm năm 2013 đều đã chia tay. Vợ đầu ông ly hôn từ 40 năm trước đó, còn người chung chăn chung gối thứ 2 cũng ly thân đã nhiều năm và chờ giải quyết thủ tục ly hôn.
Nhà văn không viết lách gì được khi đó, chỉ thỉnh thoảng cố gắng ra bàn ngồi ghi ghi chép chép dăm câu ba điều rồi lại gấp quyển sổ trông như cuốn nhật ký.
Lê Lựu là nhà văn quân đội, thành viên của Hội nhà văn Việt Nam từ năm 1974. Ông có nhiều tác phẩm xuất sắc viết về đề tài người lính và nông thôn độc đáo. Các tác phẩm đầu tay của ông gồm Mở rừng, Đại tá không biết đùa, Sóng ở đáy sông, Chuyện làng Cuội, Một thời lầm lạc, Thời xa vắng ... Đặc biệt cuốn tiểu thuyết Thời xa vắng đã làm nên tên tuổi của Lê Lựu và được công chúng nhiều thế hệ biết tới.
Với Thời xa vắng, Lê Lựu đã thay đổi đời sống văn học Việt Nam trong những năm 80 của thế kỷ trước. Tiểu thuyết này được ông viết trong công cuộc đổi mới đất nước mới bắt đầu, như thể ông kể về chính mình. Kể chuyện của mình nhưng lại là chuyện một thời nhân vật Giang Minh Sài sống không phải là mình, là chuyện của nhiều người sống chạy theo cái không phải của mình. Tác phẩm này được đón nhận nồng nhiệt, được trao Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 1986 rồi được chuyển thể thành phim. Giới phê bình vẫn xem đây là tác phẩm xu hướng nhận thức lại thực tại.
Lê Lựu là người có tính cách giản dị, ngay cả trong suy nghĩ của ông thể hiện rất chất phác, quê nhưng lại hóm hỉnh, đôi lúc ranh mãnh.
Một ngày của nhà văn thường bắt đầu từ 6h. Ông không ngủ được nhiều nên thức dậy sớm. Bình thường ông nhờ đồng nghiệp là các em, các cháu dìu dắt, lúc không có ai ông tự tập đi lại, đứng lên ngồi xuống một cách nặng nhọc.
Đi lại khó khăn nhưng đầu óc nhà văn vẫn tỉnh táo, minh mẫn. Giọng khàn đặc trưng và có phần hơi ngọng vì bệnh tật, ông vẫn ngồi chia sẻ chuyện đời, chuyện nghề với phóng viên một cách thoải mái.
Ông vẫn tự hào khi trong đời viết văn của mình là nhà văn đầu tiên của Việt Nam được mời sang Mỹ thời kỳ hậu chiến. Ông đi để làm nhiệm vụ “bắc nhịp cầu văn hóa” và chỉ mong được về mảnh đất của mình để ăn rau, ăn cỏ, trồng rau cuốc đất sống như người nông dân.
Khi tự đánh giá về cuộc đời mình, ông nói: "Tôi chỉ là cái gã hạng xoàng, xuất thân từ một anh chân đất mắt toét, đánh dặm mò cua bắt ốc, giờ trở thành nhà văn, cán bộ cao cấp trong quân đội, đó là thứ trời cho, may mắn lắm rồi".
Sức khỏe Lê Lựu suy yếu từ năm 2006, ông thường xuyên ra vào bệnh viện. Khi phóng viên gặp nhà văn, mâm cơm được nhân viên nấu có một tô canh rau dền, rau sống chấm nước sốt cà chua, bát cá kho. Ông lập bập tự xới cơm, chan canh rồi từ từ nhai một cách yếu ớt.
Ăn xong, nghỉ ngơi ít phút ông liền đi nằm. Ở đầu giường của Lê Lựu có đủ các loại thuốc huyết áp, bổ não, tim, thận... Mỗi ngày ông uống gần chục loại thuộc. Ngoài ra nhà văn còn tìm cách chữa Tây y, Đông y, Nam y với quan điểm "có bệnh thì vái tứ phương".
Vừa loay hoay với đống thuốc bên cạnh mình, Lê Lựu vừa nói: "Mỗi ngày phải có người xoa bóp một tiếng, không thì hai cái chân nó dính lấy nhau, không đi được”.
Vào chiều 9/11, sau nhiều năm chống chọi với bệnh tật, nhà văn Lê Lựu đã trút hơi thở cuối cùng tại quê nhà, Khoái Châu, Hưng Yên, hưởng thọ 85 tuổi.
Nhà văn Lê Lựu sinh năm 1938 (tuổi ghi trên CMT là 1942) tại xã Tân Châu, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Ông là tác giả của nhiều tác phẩm nổi tiếng, giành nhiều giải thưởng như giải Nhì báo Văn nghệ 1968 cho truyện ngắn Người cầm súng; giải A Hội Nhà văn Việt Nam năm 1990 trao cho tiểu thuyết Thời xa vắng , Giải thưởng Nhà nước về văn học - nghệ thuật đợt 1...
(Hình ảnh được thực hiện năm 2013)