Các dịp giỗ ngày 17/10 hàng năm của Lê Công Tuấn Anh, Minh Anh thường đến sớm một ngày, đi một mình hoặc cùng mẹ. Cô dọn dẹp mộ sạch sẽ, đặt hoa tươi lên rồi đi.
Bà Dương Cẩm Thúy - Chủ tịch Hội Điện ảnh TP.HCM thông tin đến phóng viên VietNamNet, anh trai - đạo diễn, biên kịch, NSƯT Lê Văn Duy qua đời lúc 12h18' hôm nay 27/1 tại nhà riêng, hưởng thọ 82 tuổi.
Ông mất do bệnh hiểm nghèo, những ngày cuối đời chịu nhiều đau đớn. Những năm gần đây, ông vốn tuổi cao sức yếu, khoảng 6-7 tháng trước đi bệnh viện khám mới phát hiện bệnh ở giai đoạn nghiêm trọng.
Do thể trạng yếu, Lê Văn Duy không thể tiến hành một số phương pháp điều trị cần thiết, chỉ có thể điều trị cơ bản theo chỉ định của bác sĩ.
Hiện tại, linh cữu ông được đưa về Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng. Thông tin chi tiết tang lễ sẽ thông báo sau.
NSƯT Lê Văn Duy tên thật là Dương Ngọc Chúc, năm 1942 tại Thị Nghè, Sài Gòn. Ông là con thứ 4 trong gia đình, anh trai là nhà văn Dương Ngọc Huy, em gái là biên kịch Dương Cẩm Thúy.
Năm tháng hoạt động cách mạng, Lê Văn Duy và anh trai Dương Ngọc Huy đều lấy họ Lê của mẹ làm bí danh. Ban đầu, ông hoạt động với tên Lê Hằng, sau khi kết thúc thời gian học ở trường Giáo dục Tháng Tám, Cà Mau quyết định dùng tên Lê Văn Duy làm bút danh.
Lê Văn Duy từng là phóng viên chiến trường, quay các phóng sự và phim tài liệu, từng tham gia Chiến dịch Mậu Thân.
Ông cũng từng giữ chức vụ Giám đốc Hãng phim Nguyễn Đình Chiểu và Tổng thư ký Hội Điện ảnh TP.HCM. Về hữu, ông lại chuyển sang làm nhiếp ảnh. Năm 2019, đạo diễn được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú.
Xuyên suốt sự nghiệp, Lê Văn Duy đạo diễn, biên kịch nhiều tác phẩm nổi tiếng. Ông là người đầu tiên làm phim về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, giáo sư Trần Văn Khê, nhà văn Trang Thế Hy...
Ông đạo diễn các phim Viên ngọc Côn Sơn, Nàng Hương, Phượng.... Trong đó, phim Nàng Hương là tác phẩm điện ảnh cuối cùng của diễn viên Lê Công Tuấn Anh. Sau khi anh tự tử, Lê Văn Duy quyết định dừng bộ phim mãi mãi ở tập 6.
NSƯT cũng biên kịch cho nhiều bộ phim nổi tiếng, trong đó có Đời người hát rong của Nguyễn Mộng Long được ông viết kịch bản từ truyện ngắn của Mạc Can.
Ngoài phim ảnh, ông còn viết hàng trăm bút ký, truyện ngắn, tiểu thuyết, phim tài liệu và phim truyện. Trong đó có phim Đối thoại với quê hương về chân dung nhà văn Nguyễn Quang Sáng.