Rao táo mèo, bán thuốc phiện
Trên Facebook Marketplace (Chợ Facebook), một số người đăng bán cây, quả và hạt cây anh túc - một loại cây bị cấm trồng và mua bán tại Việt Nam.
Một tin rao bán cây táo mèo nhưng thực chất là cây anh túc. (Ảnh chụp màn hình) |
Cây anh túc (còn được gọi là a phiến, á phiện, thuốc phiện) có thể làm nguyên liệu giảm đau trong Đông y lẫn Tây y. Chiết xuất của cây này gây nghiện nặng, do đó bị cấm gieo trồng và tiêu thụ tại Việt Nam.
Để nguỵ trang, các tin rao bán thường gọi cây này là táo mèo. Tuy nhiên, hình ảnh trong tin thể hiện rõ ràng sản phẩm là cây thuốc phiện.
Lướt một số tin đăng ở lân cận khu vực Hà Nội, nhiều người rao bán cây anh túc với nhiều tên gọi như “táo mèo cuối vụ”, “táo mèo Hà Giang”.
Một người có tên An… rao bán “táo mèo cuối vụ”. Khi PV ICTnews liên hệ, người này báo giá quả và thân cây có giá 1,5 triệu đồng/kg. Cây chỉ giao hàng tại một số địa điểm ở Hà Nội (Mỹ Đình, Giáp Bát, Yên Nghĩa) và một số địa phương như Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên. Riêng hạt giống có thể giao tận nhà. Khi được hỏi, người này khẳng định đang bán cây thuốc phiện.
Cây và quả anh túc bị hạn chế địa phương giao hàng, nhưng hạt giống để trồng cây anh túc có thể giao toàn quốc. Người có tên Nguyễn Thị… bán một gói hạt giống giá 200 ngàn đồng, khẳng định có thể ra quả, là loại quả cây anh túc bị cấm. Để qua mặt đơn vị giao hàng, hạt giống anh túc sẽ được ghi là “hạt gia vị”.
Trồng kín để qua mặt công an
Không chỉ trên Marketplace, nhiều trang Facebook được lập ra để bán các sản phẩm của cây anh túc. Hạt giống, cây, quả, bình rượu ngâm sẵn đều được bán công khai, không hề nguỵ trang “táo mèo” như trên Marketplace.
Một trang rao bán công khai rượu ngâm quả anh túc. (Ảnh chụp màn hình) |
Trang Quả… rao bán hạt giống cây anh túc, mỗi gói 500 ngàn đồng, chia làm hai đợt gieo, hoặc mua nửa gói giá 250 ngàn đồng. Khi có người mua nửa gói và hỏi “có bị công an bế đi không shop?”, người bán trả lời “trồng kín là được”.
PV ICTnews hỏi mua một số mặt hàng ở trang này, người bán cho biết có sẵn hàng bán. Chẳng hạn, bình rượu ngâm cây anh túc được báo giá 2,5 triệu đồng (7 lít), 2,7 triệu đồng (10 lít), 6 triệu đồng (20 lít), có thể giao hàng nhiều địa phương.
Một số trang khác cũng được thành lập để kinh doanh những mặt hàng liên quan cây anh túc. Các trang chụp ảnh và quay phim rất rõ ràng sản phẩm rao bán, đồng thời giao dịch bằng cách gửi tin nhắn riêng.
Mặc dù biết cây thuốc phiện bị cấm nhưng nhiều người vẫn kinh doanh bất chấp, tìm cách qua mặt cơ quan chức năng và các nền tảng mua bán.
Rất nhiều trường hợp trồng, mua bán cây anh túc đã bị xử lý. Cách đây vài ngày, có trường hợp lái xe bị phát hiện dương tính ma tuý sau khi uống rượu ngâm anh túc, chiếu quy định có thể bị phạt tiền 30-40 triệu đồng và tước giấy phép lái xe từ 22-24 tháng.
ICTnews đã liên hệ với đại diện của Facebook để làm rõ thông tin tin về nội dung này để thông tin tiếp đến cho độc giả.
Bộ luật hình sự 2015, từ Điều 247 đến Điều 259, quy định rõ các tội về ma tuý, trong đó có việc trồng và mua bán cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy. Trong đó, Điều 247 quy định trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm nếu trồng dưới 3.000 cây, đã bị phạt hành chính hay đã bị kết án mà vẫn vi phạm. Trồng trên 3.000 cây bị phạt tù 3 đến 7 năm. Trường hợp chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị xử phạt hành chính. Điều 250 và Điều 251 quy định vận chuyển trái phép, mua bán trái phép chất ma tuý có nêu rõ liên quan đến cây anh túc và các loại cây chứa chất ma tuý. Trong đó, các hoạt động mua bán quả khô, quả tươi cây anh túc đều bị quy trách nhiệm hình sự. |
Thiên Phúc
Doanh nghiệp bưu chính lo “dính vạ” vận chuyển hàng cấm
Nhiều doanh nghiệp bưu chính đã bị phạt vì bị lợi dụng hoặc cố tình tiếp tay cho các đối tượng vận chuyển hàng cấm, hàng lậu.