Cành quả lạ 'hút' chị em mua về cắm thử
Sau cành tuyết mai, cành thạch nam, cành hồng, cành táo mèo... thì một số loại cành mới lạ như cành lồng đèn, cành cà phê, cành cherry... đang thu hút các chị em mua về cắm chơi.
Lần đầu tiên xuất hiện trên thị trường hoa năm nay, cành lồng đèn đang thu hút chị em bởi màu sắc của những quả lồng đèn rất trẻ trung, nữ tính. Khi quả già bung nở, phần hạt đỏ bên trong sẽ lộ ra... giống y như chiếc đèn lồng tí hon treo trên cành. Lồng đèn được nhập về từ Trung Quốc và được bán theo sét khoảng 3 cành, mỗi cành dài khoảng 1m. Mỗi set lồng đèn hiện có giá từ 180.000-230.000 đồng.
Cành lồng đèn yểu điệu như tiểu thư, ‘quyến rũ’ nhiều chị em |
Cành quả cherry cũng đang rất hút khách. Thay vì mua mỗi quả để ăn thì hiện nhiều người lại thích mua cành cherry có quả để cắm trong nhà, đến khi quả chín có thể bứt xuống ăn hoặc ngâm làm siro. Trên chợ mạng, cành cherry được bán với giá từ 100.000-150.000 đồng/bó được khoảng 5 cành. Các chị em cho biết một bình “hoa” cherry rừng thường chơi được khoảng 1 tuần. Quả cherry có màu đỏ, cành lá xanh nên cắm trang trí trong nhà vừa đẹp như hoa tươi lại vừa lạ mắt.
Bên cạnh cành lồng đèn, cành cherry, nhiều chị em cũng đang tìm mua cành cà phê tươi về cắm. Những cành cà phê tươi thường có chiều dài khoảng 60-80 cm, có quả xanh, quả chín. Sau khi cắm, quả cà phê sẽ chín dần theo từng ngày, trông rất đẹp. Cành cà phê tươi được nhiều người rao bán từ 75.000-100.000 đồng/10 cành. Cành cà phê có thể chơi trong vòng 10-15 ngày.
Cành hoa hiếm thấy, mùi hương lạ lùng
Không chỉ những cành quả lạ mà gần đây một số loại hoa lạ cũng được nhiều người sưu tầm, đặt mua về cắm chơi.
Cành ô mai được chị em đua nhau mua về để thưởng mùi hương lạ. |
Hiện chị em Hà thành đua nhau đặt mua cành hoa lạ, được gọi tên là cành ô mai (còn có tên khác là chuông bạc, hoa bạch đàn). Cành ô mai được chị em chuộng mua vì màu xanh bạc độc đáo và những bông hoa trắng muốt như tuyết mùa đông, mong manh. Đây là loại cây thuộc họ khuynh diệp nên nó có mùi thơm tinh dầu, rất dễ chịu. Nhiều người kháo nhau rằng loại hoa này có mùi hương giúp giảm căng thẳng, dễ ngủ và còn có tác dụng đuổi muỗi.
Cành ô mai được nhập từ Trung Quốc. Mỗi bó cành ô mai bán trên thị trường với giá từ 100.000-125.000 đồng. Cành ô mai nếu cắm khô, không có nước có thể chơi đến hơn 3 tháng, còn nếu cắm nước thì cũng chơi được rất bền, được khoảng 15-20 ngày.
Loại hồng mang vị socola lạ mắt, giá đắt đỏ
Loại hồng đen có nguồn gốc từ Mexico, Florida (Mỹ) được du nhập và xuất hiện nhiều ở Úc, Đài Loan, Nhật Bản... Dù loại hồng đặc biệt này về Việt Nam chưa lâu nhưng đang được nhiều người săn lùng vì hương vị thơm lạ giống như socola. Theo Doanh Nghiệp và Tiếp Thị, hiện giá hồng đen khá cao, khoảng 400.000-500.000 đồng/kg.
Khi chưa chín, quả hồng đen có màu xanh, lấm tấm hạt nhỏ li ti, ruột màu trắng. Còn khi chín rồi thì vỏ sẽ chuyển sang màu xanh nâu còn ruột chuyển dần sang màu nâu và đen. Người ta hái quả hồng đen từ khi nó còn xanh, để trong nhiệt độ phòng từ 3-6 ngày là có thể ăn được. Ngoài ăn trực tiếp, quả hồng đen còn có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau.
Nữ giáo viên "hô biến" đất sét thành "món ăn"
Với ý tưởng độc đáo, sáng tạo, chị Phạm Thùy Thanh Thảo (Ninh Kiều, Cần Thơ) đã "hô biến" đất sét thành những "món ăn" mini dưới dạng mô hình. Mô hình các món ăn này được nặn từ loại đất sét tự khô có nguồn gốc từ Thái Lan, Nhật Bản. Tùy vào độ khó và cầu kỳ mà mỗi sản phẩm có giá từ vài chục nghìn đồng đến hàng trăm nghìn đồng, thậm chí là tiền triệu.
Những món ăn mô hình trông như thật. (Ảnh: Dân Trí) |
Kể về cơ duyên với nghề nặn đất sét, chị Thảo cho biết, chị từng là giáo viên mầm non. Trong một lần đi tìm đề tài cho học sinh trên mạng vào năm 2017, chị thấy ở nước ngoài có những món ăn làm bằng đất sét rất đẹp nhưng chủ yếu là đồ tây. Vì muốn đưa những món ăn, ẩm thực của Việt Nam lên mô hình, chị Thảo quyết định nghỉ việc ở trường mầm non. Sau nhiều nỗ lực, sản phẩm của chị Thảo đã được nhiều khách hàng ủng hộ, đón nhận.
Thầy giáo biến vỏ gói mì tôm thành túi xách, bàn ghế
Do đam mê nghệ thuật, thầy giáo Lê Quốc Toàn (SN 1980, tỉnh Sóc Trăng) đã thu gom vỏ mì gói đã qua sử dụng, “hô biến” thành những chiếc túi xách, mũ, hộp đựng quà đầy ấn tượng. Năm 2018, thầy Toàn được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục: “Người thực hiện bộ sưu tập túi xách tái chế từ bao mì gói đầu tiên và nhiều nhất” với 44 chiếc.
Thầy Toàn cho biết, do thấy bao bì của các loại thực phẩm như mì gói, túi cà phê, gói snack… không bán ve chai hay tái sử dụng lại được mà chỉ bỏ đi, khó phân hủy, gây ô nhiễm môi trường nên anh đã nghĩ đến việc tận dụng các loại bao bì để tạo ra sản phẩm hữu ích cho cuộc sống.
“Để có một chiếc túi xách bằng vỏ mì gói phải qua nhiều công đoạn như lên ý tưởng về hình dáng, kích thước, màu sắc, chọn bao bì phù hợp, vệ sinh, cắt, se và đan theo kích thước của bản vẽ. Trong đó công đoạn se từng mảnh bao bì thành cọng đòi hỏi sự khéo léo để các cọng kết nối với nhau vừa vặn, đảm bảo kích thước khi thành phẩm. Đan xong thì may phần ruột túi để ghép vào các mảnh bao bì, trang trí thêm cườm, hoa văn cho thời trang”, thầy Toàn chia sẻ trên Dân Việt.
Món ăn nhà nghèo thành đặc sản đắt đỏ
Ở các vùng quê, đặc biệt là vùng đồng bằng Bắc Bộ, các loại khoai được trồng lấy củ, dọc khoai và lá khoai thường tận dụng làm thức ăn cho lợn. Vào mùa mưa, phần gốc mọc ra những mầm mới (ngó), người dân đi hái về nấu ăn. Những năm gần đây, món ăn của người nông dân ở các vùng quê trong thời kỳ khó khăn nghèo đói này lại trở thành đặc sản của người dân phố thị nên giá cũng bắt đầu tăng cao
Ngó khoai nay thành đặc sản của dân thành thị (ảnh: NTĐ) |
Trên thị trường, ngó khoai là loại rau vô cùng đắt khách. Giá ngó khoai đã làm sạch dao động từ 50.000-90.000 đồng/kg tuỳ loại và tuỳ thời điểm. Ngó khoai có thể nấu canh cua, canh tôm, nấu mẻ, hầm xương, nấu với thịt ba chỉ và đậu phụ,... ăn đều thơm ngon, bở và dẻo.
Đàn cá lạ rủ nhau bơi về nhà dân đòi ăn
Cổng TTĐT huyện An Phú, tỉnh An Giang thông tin, những ngày gần đây, người dân xã biên giới Phú Hữu, huyện An Phú truyền tai nhau về việc có đàn cá tự nhiên từ nơi khác đến trú ẩn và được một nhà nông bảo vệ và chăm sóc trên kênh Lòng Hồ, ấp Phú Thạnh, xã Phú Hữu.
Ông Trần Văn Lành - người đang gìn giữ và chăm sóc đàn cá tự nhiên - cho biết: cách đây khoảng 6 tháng, ông phát hiện dưới kênh nhà mình có khoảng vài chục con cá tra, mỗi con chỉ khoảng vài chục gam trở lại. Ông mua thức ăn về cho ăn thử thì thấy cá lên ăn số lượng càng nhiều nên ông đã cấm rào để bảo vệ. Đàn cá rất dạn, người cho ăn có thể dùng tay đút thức ăn và bắt một cách dễ dàng. Tuy được nhiều nhà nông bảo vệ nhưng hiện vẫn còn một số người dân đến gần khu vực cá sinh sống để đánh bắt cá.
Hạnh Nguyên (Tổng hợp)
Rộ 'cơn sốt' cắm cherry rừng giá 150.000 đồng được 5 cành lá và quả sai trĩu, ai cũng phải thốt lên: 'rẻ mà đẹp'
Cành quả cherry rừng đang được bán tấp nập ở chợ mạng, hàng về đến đâu được chị em mua sạch đến đó để về cắm trang trí thay hoa tươi.