Hơn 100 lồng tre bẫy mực
4h sáng một ngày tháng 5, ông Hảo khởi động chiếc ghe công suất 24 CV nhổ neo rời bến. Hơn 30 phút vượt sóng, chiếc ghe đã tới vị trí mà ông thường đặt lồng bẫy mực, trên vịnh Nha Trang, cách đất liền hơn 3 hải lý.
"Mùa mực kéo dài quanh năm, nhưng cao điểm có nhiều mực là mùa hè, từ tháng 3 đến tháng 8 âm lịch. Tôi chủ yếu bắt mực nang và mực lá”, ông nói dứt lời, hai mắt đảo một vòng, tập trung theo dõi con nước, kèm gió và thời tiết thì xác định điểm đặt các lồng bẫy mực khu vực này.
Với kinh nghiệm gần 30 năm đi biển, ông Hảo cho ghe chạy chậm lại. Trên 100 chiếc bẫy mực dạng hình chữ nhật, được xếp gọn trên ghe. Mỗi chiếc lồng này rộng hơn nửa mét, dài 1,2m, xung quanh làm lưới mỏng, rồi gắn thêm những sợi ni lông màu đen để tạo ra vùng tối để bẫy mực.
Bên trong lồng, thợ bẫy mực dùng thanh thép, gắn đùm trứng mực, hay thạch rau câu làm mồi. Đây là cách mà thợ săn thường dùng để dụ mực. “Loài này thấy trứng trong lồng sẽ tìm cách chui vào. Còn thạch rau câu màu trắng chỉ là phương án giả làm mồi, giúp tiết kiệm chi phí, thay vì dùng trứng mực tự nhiên”, ông Hảo nói.
Người đàn ông vừa chạy ghe, chầm chậm thả từng chiếc bẫy mực xuống biển với độ sâu chừng 5m. Vị trí nào đánh giá mực sẽ xuất hiện nhiều, ông thả lồng dày hơn. Biển sâu, nước chảy siết, ông buộc cục đá nặng chừng 10kg dưới đáy lồng, phía trên đỉnh nối dây thừng dài 15m, buộc vào phao nổi mặt nước.
Giữa biển nhiều người cũng làm công việc tương tự. Vì thế, mỗi chiếc lồng đều được người bẫy mực đánh ký hiệu riêng biệt trên các phao, như một cách đánh dấu riêng, tránh nhầm lẫn với những bạn biển khác, cũng là cách giúp dễ tìm kiếm.
Sau hơn hai giờ, tất cả các lồng được ông thả xuống biển. Trời lúc này cũng hửng sáng. Ông cho ghe chạy lòng vòng gần khu vực thả lồng tìm nơi neo đậu, dễ dàng quan sát những bẫy mực.
Khi công việc cơ bản hoàn thành, ông ngồi bên mạn ghe, tay cầm ống nhựa vòng tròn cuộn dây cước thả xuống nước, giật liên tục để dụ cá cắn câu. Khi kéo dây tay có cảm giác nặng, dây cước giật thì cá hay mực đá dính câu. Một lúc sau, ông Hảo đã thu được một ít cá, mực, chuẩn bị cho bữa ăn chủ yếu là hải sản bắt được vẫn còn tươi rói.
Sống trên biển nhiều hơn nhà
Tàu lắc lư theo con sóng, rít điếu thuốc, nhâm nhi tách trà, ông Hảo nói mình quê ở xã Ninh Hải, thị xã Ninh Hòa. Từ bé, ông đã theo người lớn đi biển. Hồi ấy, trên những tàu gỗ ông chỉ khiêng cá, phụ việc nấu ăn, rồi dần dà trở thành thuyền viên chính. Lớn lên, ông lập gia đình, có hai người con. Nghề đi biển ở các ngư trường lớn, quanh năm bám biển, bất chấp mưa bão, nên 15 năm trước, ông quyết định sắm ghe nhỏ, săn mực trên vịnh Nha Trang.
“Mỗi chuyến đi biển kéo dài cả tháng. Cứ thế, hàng chục năm qua, tôi ở biển còn nhiều hơn đất liền”, ông chia sẻ và cho biết hiện, tháng về nhà một vài hôm rồi lại ra khơi.
Theo ông Hảo, nghề bẫy mực cũng lắm gian nan, hôm có, hôm lỗ tiền dầu. Tuy nhiên, những ngày được nhiều cũng vài kg, cho thêm thu nhập. Ngoài ra, công việc này thường phải đối mặt với sóng biển, hay những đợt tránh bão lắm hiểm nguy, song làm lâu cũng quen.
Nhiều giờ tàu lênh đênh trên biển, cũng đến giờ thu hoạch. Ông Hảo nổ máy lần theo những vị trí thả lồng trước đó, cầm cây sào dài gắn móc phía đầu, kéo sợi dây buộc phao lên. Khuôn mặt đen sạm, rám nắng của người đàn ông miền biển rầu rĩ khi những chiếc bẫy chỉ đùm mực trứng. Thi thoảng, ông nở nụ cười khi thấy mực nhảy tanh tách bên trong lồng.
Sau vài giờ, hơn 100 khung tre bẫy mực lần lượt được ngư dân kéo lên ghe. Ngồi phân loại mực vừa bẫy được, ông Hảo bày tỏ niềm vui khi thu khoảng 7kg, trong đó 5kg mực nang, 2kg mực lá.
Để mực tươi, bán được giá cao, ông quay mũi ghe hướng về đất liền. Mực nang được thương lái mua 170.000 đồng/kg, còn mực lá bán 320.000 đồng. Sau khi trừ chi phí dầu, thức ăn, nước uống, ông Hảo nhấm tính thu được 700.000-800.000 đồng.
Khi chiều buông, ông lại lên tàu đánh một giấc ngủ sâu, dành sức cho chuyến biển tiếp theo. “Mùa này biển nhiều mực, tôi đi liên tục không bỏ sót ngày nào, hy vọng gặp đàn mực lớn, thu được nhiều để cuối tháng về thăm gia đình”, ông Hảo bày tỏ, rồi ngả lưng xuống chiếc ghe đang đưa theo nhịp nước, hai mắt dõi nhìn những bạn thuyền lần lượt ra khơi cho chuyến biển đêm.
Xuân Ngọc